THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 07:03

Người dân tộc Thái ở Yên Khương, (Thanh Hóa) thoát nghèo nhờ trồng cây vầu đắng

Yên Khương là xã biên giới của huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa, với đa phần là đồng bào dân tộc Thái sinh sống, đời sống gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Để tìm hướng thoát nghèo cho người dân nơi đây quả là không dễ.

 Đảng bộ, chính quyền xã Yên Khương đã luôn trăn trở tìm hướng thoát nghèo bền vững cho người dân. Xã cử cán bộ nông nghiệp đi nghiên cứu, học tập kinh nghiệm, tìm hiểu các loại giống cây trồng, vật nuôi sao cho phù hợp với đồng đất, tập quán canh tác của đồng bào.

Nhận thấy tính khả thi từ cây vầu đắng, thông qua các nguồn vốn từ Chương trình 30a, 135, chương trình giảm nghèo xã đã đưa vào trồng thử nghiệm 45 ha cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo. 

Sau thời gian trồng thử nghiệm, do phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu nên cây vầu phát triển nhanh, tỷ lệ sống đạt cao lại không tốn công chăm sóc, ít sâu bệnh, lợi nhuận cao hơn từ 2 đến 3 lần so với các loại cây trồng khác. Khi đến kỳ thu hoạch cao điểm, 1 ha vầu có thể thu về 35 - 40 tấn. Với giá bán như hiện nay (1,6 - 2 triệu đồng/tấn) người trồng vầu có thể thu về trên 60 triệu đồng/ha/năm.

Hiệu quả kinh tế từ cây vầu mang lại rõ rệt, Đảng bộ, chính quyền và người dân địa phương đã quyết tâm trồng cây vầu đắng để thoát nghèo bễn vững và dân làm giàu trên chính mảnh đất của mình. Theo số liệu của UBND xã Yên Khương, đến nay người dân đã trồng được 337,55 ha vầu và phục tráng 250 ha vầu tự nhiên. Theo tiến độ này, những năm tới, xã Yên Khương tiếp tục vận động người dân phát triển, mở rộng mô hình trồng vầu, phấn đấu đến năm 2025 trồng thêm trên 162 ha vầu, nâng tổng số diện tích vầu trên địa bàn xã lên trên 500 ha; đồng thời, đấu mối với các doanh nghiệp chế biến lâm sản trong và ngoài tỉnh thu mua sản phẩm vầu cho người dân.

Tiêu biểu trong các hộ phát triển kinh tế, giúp thoát nghèo từ cây vầu đắng là gia đình bà Lò Thị Ngăm ở bản Bôn. Gia đình bà Ngăm có 2 ha vầu, trong đó 1,2 ha đã có tuổi đời gần 4 năm. Trước đây trồng cây luồng và các loại cây lâm nghiệp khác nhưng hiệu quả kinh tế thấp, nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây vầu đắng, gia đình bà Ngăm chuyển sang loại cây trồng này. Phấn khởi nhất là gia đình được Nhà nước hỗ trợ về giống, kỹ thuật chăm sóc. Do phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu và được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên đến nay diện tích vầu của gia đình bà Ngăm đã cho thu hoạch, đạt từ 60 đến 70 triệu đồng/ha/năm, cây vầu có chu kỳ lưu gốc trên 60 năm.

Đánh giá trước hiệu quả kinh tế của cây vầu đắng, giúp đồng bào dân tộc Thái tại xã Yên Khương thoát nghèo bền vững, ông Nguyễn Xuân Hồng, Bí Thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh cho hay, vầy đắng là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều hộ dân trên địa bàn thoát nghèo bền vững. Thời gian tới, huyện sẽ chỉ đạo phòng, ban liên quan phối hợp với các xã để nâng tổng số diện tích vầu không chỉ ở xã Yên Khương, mà ở nhiều xã khác trên địa bàn. Huyện sẽ đấu mối với các doanh nghiệp chế biến lâm sản trong và ngoài tỉnh thu mua sản phẩm vầu, tạo thêm việc làm và phát triển kinh tế cho người dân.

Trường Giang

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh