THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 07:15

Đa dạng các tôn giáo trong đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên

Các tôn giáo hội nhập văn hóa dân tộc, tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội (giáo dục, y tế, từ thiện nhân đạo), khôi phục không gian văn hóa truyền thống, bảo tồn ngôn ngữ, chữ viết của đồng bào DTTS ở Tây Nguyên. Bên cạnh những tác động tích cực, cũng có những tác động làm biến đổi các mối quan hệ và thiết chế xã hội truyền thống, bị các thế lực thù địch lợi dụng gây biến động phức tạp về chính trị, xã hội.

Đa dạng các tôn giáo trong đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên - Ảnh 1.

Nhà thờ nguyện của đồng bào theo Đạo Tin Lành ở Hội Thánh Tin Lành buôn Pu vừa được xây mới khang trang, rộng rãi.

Hiện nay, bên cạnh các loại hình tín ngưỡng đa thần truyền thống, ở Tây Nguyên còn có sự hiện diện của các tôn giáo như Công giáo, Tin lành, Phật giáo, Cao Đài và một số hiện tượng tôn giáo mới. Ngoài ra, còn có sự xuất hiện của nhiều hiện tượng tôn giáo mới như: Hà Mòn, Pơ khắp Brâu, Amí Sara, Canh tân Đặc sủng, Cây Thập giá Chúa Jêsu Krist, Giáo hội Tin lành Đấng Christ Việt Nam,...

PGS, TS Hoàng Thị Lan, Viện Tôn giáo và Tín ngưỡng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, khi phát triển vào vùng đồng bào DTTS ở Tây Nguyên, các tôn giáo như Tin lành, Công giáo, Phật giáo với những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của mình đã có những tác động tích cực nhất định vào sự phát triển của đời sống văn hóa - xã hội.

Khi tôn giáo phát triển trong các cộng đồng DTTS, những giá trị, chuẩn mực đạo đức của các tôn giáo, những điều khuyên răn trong cách ứng xử của con người với đấng siêu nhiên, với tự nhiên, giữa con người với con người, và con người với chính bản thân mình trong giáo thuyết của các tôn giáo vừa có những nét tương đồng, vừa có những điểm khác biệt, mới mẻ so với hệ giá trị tín ngưỡng truyền thống, tạo nên sức hút, góp phần thay đổi một số quan niệm, chuẩn mực đạo đức và lối sống của đồng bào. Đồng bào theo các tôn giáo tự giác tuân thủ những lời răn dạy, tích cực tu dưỡng đạo đức, sống hướng thiện, yêu thương gia đình, yêu thương đồng loại, tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Thực tế cho thấy, trong các cộng đồng dân tộc theo tôn giáo ở Tây Nguyên không có tình trạng bỏ vợ, bỏ chồng không chính đáng, không có tình trạng ngược đãi, bạo hành trong gia đình, các loại tệ nạn xã hội ít xảy ra.

Khi du nhập, phát triển vào vùng đồng bào DTTS ở Tây Nguyên, một số tôn giáo với những nghi lễ giản đơn, tiết kiệm đã góp phần thay đổi những quan niệm, tập tục lạc hậu, những nghi lễ rườm rà, tốn kém trong sinh hoạt tín ngưỡng truyền thống, góp phần thay đổi nếp sống văn hóa của đồng bào theo hướng tiến bộ hơn, văn minh hơn. Trẻ em được quan tâm, khuyến khích học hành nâng cao trình độ học vấn, các gia đình, buôn làng, cộng đồng được hướng dẫn tổ chức cuộc sống văn minh hơn.

Tham gia tôn giáo, đồng bào thay đổi lối sống, phù hợp với điều kiện mới, đặc biệt trong bộ phận đồng bào theo Công giáo và đạo Tin lành. Đồng bào theo Công giáo và đạo Tin lành khi ốm đau không còn mời thày mo, thày cúng về đuổi ma, trừ tà mà đến cơ sở y tế để khám chữa bệnh; cưới hỏi, tang ma được thực hiện theo các nghi lễ tôn giáo, tiết kiệm hơn và từ bỏ nhiều nghi lễ, tập quán lạc hậu.

Tham gia tôn giáo, đồng bào cũng tham dự các hoạt động cộng đồng cầu nguyện, tu học, có thời gian thư giãn, mở rộng quan hệ xã hội, có thêm sự động viên, tương trợ nhau khi khó khăn, có thêm kiến thức mới

Cùng với quá trình mở rộng ảnh hưởng, các tổ chức tôn giáo đã có những cách thức, biện pháp để từng bước hội nhập, tiếp nhận trở lại những giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc. Với đường hướng hội nhập văn hóa, Công giáo đang từng bước nỗ lực đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên bằng cách đào tạo các chức sắc, chức việc người dân tộc; dịch kinh sách ra tiếng dân tộc, dạy tiếng dân tộc cho đồng bào; tổ chức trưng bày hiện vật văn hóa các dân tộc; cho phép tín đồ thực hành một số sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng truyền thống; sử dụng cồng chiêng và mặc trang phục truyền thống trong các lễ hội tôn giáo hay các buổi lễ ở nhà thờ,... Nhiều nhà thờ Công giáo hòa trộn kiến trúc phương Tây và nét kiến trúc nhà rông, hoa văn truyền thống của các DTTS đã được xây dựng ở Tây Nguyên.

Phật giáo cũng bước đầu có những biến đổi để thích nghi với bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Nguyên. Đã có những mái chùa được thiết kế theo mái nhà rông như chùa Khánh Lâm, chùa Huệ Chiếu ở Kon Tum. Trong dịp lễ Phật đản năm 2019, đồng bào ở huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk đã sử dụng voi Tây Nguyên rước ảnh Phật về các buôn làng.

Cùng với quá trình truyền giáo, mở rộng ảnh hưởng, thời gian qua, các tôn giáo đã đóng góp tích cực vào các hoạt động xã hội, từ thiện vùng đồng bào DTTS ở Tây Nguyên. Ở một số nơi, tổ chức tôn giáo đã xây dựng được cơ sở giáo dục trường mầm non, dạy nghề, cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở lưu trú cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức phòng khám và phát thuốc miễn phí cho người có hoàn cảnh khó khăn.

Những năm qua, các tôn giáo cũng tham gia tích cực vào phong trào bảo vệ môi trường. Sau khi ký cam kết tham gia bảo vệ môi trường, các tổ chức tôn giáo trong vùng đã từng bước thực hiện, đưa vào chương trình hoạt động, bước đầu tạo được những hiệu ứng tích cực, lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường trong đồng bào các dân tộc. Một số địa phương vùng đồng bào DTTS Tây Nguyên đã hình thành những mô hình bảo vệ môi trường có ý nghĩa, như mô hình xây dựng giáo xứ, giáo họ "An toàn, sáng - xanh - sạch - đẹp" ; khu dân cư bảo vệ môi trường,...

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh