Văn hóa đặc trưng của Lễ hội mừng lúa mới đồng bào dân tộc S’Tiêng ở Bình Phước
- Văn hóa - Giải trí
- 15:29 - 02/10/2021
Tỉnh Bình Phước là một tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số, toàn tỉnh có 40 thành phần dân tộc thiểu số, với 198.884 người, chiếm 19,67% dân số toàn tỉnh, tróng đó người dân tộc S'tiêng chiếm 98.243 người và sống tập trung nhiều ở các huyện Bù Đăng, Bù Đốp, Hớn Quản và Bình Long...
Lễ hội Mừng lúa mới là lễ hội truyền thống của người S’tiêng, với quan niệm rằng để có một mùa bội thu, người dân được no đủ là nhờ sự phù hộ của các đấng thần linh, trời đất. Vì vậy, cứ đến tháng 12 âm lịch hằng năm, khi những cánh đồng lúa chín vàng đã được gặt hái xong thì đồng bào S’tiêng lại tưng bừng tổ chức Lễ hội Mừng lúa mới để dân làng được quây quần, tụ hội làm lễ tạ ơn các đấng thần linh, đất trời đã phù hộ cho họ có được mùa màng bội thu.
Đồng thời cũng là để cầu chúc cho năm sau thần linh tiếp tục ban mưa thuận, gió hòa cho mùa màng tươi tốt. Lễ hội cũng là dịp để người dân được nghỉ ngơi sau một mùa làm việc vất vả, đồng thời đây còn là nơi để mọi người trao đổi kinh nghiệm sản xuất, thanh niên, nam nữ được vui chơi, nhảy múa, ca hát và uống rượu cần, ăn cơm mới…
Từ sáng sớm, từng nhóm người làm các phần việc của mình theo sự phân công từ trước. Những người già làm cây nêu, số khác thì mổ lợn, gà, chặt ống tre, người thi cho gạo vào ống để nấu cơm lam... Theo quan niệm của người S’tiêng, dù khó khăn hay sung túc, hàng năm đồng bào vẫn phải duy trì mừng lúa mới.
Buổi tối là lúc lễ hội chính thức diễn ra, Ban tổ chức đã bố trí đội múa Cồng Chiêng của đồng bào dân tộc S’tiêng, đây là nội dung không thể thiếu của lễ hội, là màu sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.
Sau khi kết thúc màn biểu diễn múa Cồng Chiên, bắt đầu bằng lễ cúng mừng lúa mới, các già làng làm lễ và khai rượu cần, mời khách bắt đầu bằng chén rượu cần, cơm lam, thịt nướng...
Vừa thưởng thức rượu và các món ăn, khách vừa được thưởng thức múa cồng chiêng do những chàng trai, cô gái người đồng bào S’tiêng thể hiện. Thôn Thiện Cư của xã Thiện Hưng là một trong 3 thôn hiện còn duy trì tổ chức lễ hội mừng lúa mới của huyện biên giới Bù Đốp.
Trưởng thôn Thiện Cư Điểu Cần cho biết: Lễ hội mừng lúa mới của đồng bào S’tiêng là một trong những đề án bảo tồn, phát huy văn hóa đặc trưng của dân tộc S’tiêng trên địa bàn tỉnh và được các cấp chính quyền quan tâm, tạo điều kiện tổ chức. Việc tổ chức lễ hội đã đáp ứng được nguyện vọng của đồng đồng bào, qua đó nhắc nhở thế hệ trẻ phải biết kế thừa, giữ gìn phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống đầy bản sắc của cha ông để lại.
Thôn Thiện Cư hiện có 258 hộ, trong đó dân tộc S’tiêng chiếm 197 hộ. Số hộ nghèo hiện nay chỉ còn 6 hộ. Bằng sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của mỗi gia đình, được sự quan tâm của Đảng và nhà nước, các cấp cũng như sự giúp đỡ của các đơn vị đóng chân trên địa bàn, cuộc sống của bà con nhân dân thôn Thiện Cư đã không ngừng phát triển, đổi thay.
Hiện nay, lễ hội mừng lúa mới không chỉ đơn thuần là lễ hội của đồng bào S’tiêng mà đã trở thành ngày hội vui xuân của đồng bào nơi tuyến biên giới của huyện Bù Đốp của tỉnh Bình Phước, cùng với các đơn vị đóng quân trên địa bàn huyện, như Trung Đoàn 717, Đồn biên phòng, Công an huyện và đông đảo nhân dân cùng tham gia, tất cả tạo nên không khí lễ hội, đón xuân thêm vui tươi, đầm ấm, đoàn kết tình quân dân.