CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 06:50

Người dân phải là trung tâm của các chính sách xã hội

Ngày 20/9, tại TP.HCM Bộ LĐ-TB&XH, Viện Khoa học Lao động và Xã hội; Hội đồng Lý luận trung ương cùng với Tổ chức lao động quốc tế (ILO) đã phối hợp tổ chức Hội thảo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết hội nghị trung ương 5 khoá XI về một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020. 

Tham dự và chủ trì Hội thảo có TS. Bùi Sỹ Lợi - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, Chuyên gia cao cấp; Phó GS TS Phạm Văn Linh - Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận trung ương và bà Ingrid Christensen, Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam. Hội thảo với sự tham dự của đại diện 32 tỉnh ủy, thành ủy, UBND các tỉnh/TP phía Nam (từ Đà Nẵng trở vào). 

Hội thảo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI, một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2022.

Hội thảo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI, một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2022.

Tại Hội thảo, ông Bùi Tôn Hiến, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, cho biết sau 10 năm thực hiện nghị quyết trung ương, cả nước đã đạt những kết quả tích cực về năm dịch vụ xã hội cơ bản: y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch vệ sinh môi trường, thông tin. Hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết với nhiều điểm sáng trong lĩnh vực người có công, giảm nghèo và an sinh xã hội, trong tổng số 26 chỉ tiêu có 5 chỉ tiêu vượt và hoàn thành trước thời hạn  và 16 chỉ tiêu đạt mục tiêu vào năm 2020 .  

Cụ thể, về chính sách người có công, đến nay, cả nước đã xác nhận được trên 9,2 triệu người có công; trong đó có trên 1,2 triệu người có công đang hưởng chế độ ưu đãi hàng tháng. Năm 2020, đảm bảo 99,5% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của dân cư trên địa bàn cư trú; 99% xã, phường làm tốt công tác thương binh liệt sĩ. 

Về chính sách việc làm, thu nhập và giảm nghèo, mỗi năm có 1,5 - 1,6 triệu người được giải quyết việc làm; tỷ lệ thất nghiệp chung duy trì ổn định ở mức dưới 3%, tỷ lệ thất nghiệp thành thị dưới 4%. 

Giai đoạn 2010 - 2021, thu nhập của người lao động liên tục tăng cao. Năm 2021, thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam là 4,2 triệu đồng/tháng, cao gấp 3 lần so với năm 2010. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 2%/năm. 

Giai đoạn 2016-2020, mặc dù điều chỉnh nâng chuẩn nghèo nhưng tỷ lệ hộ nghèo cũng liên tục giảm bình quân 1-1,5%/năm, từ 7,9% năm 2016 xuống còn 2,75% cuối năm 2020, năm 2021 giảm còn 2,23%; thu nhập bình quân hộ nghèo năm 2020 bằng 2,3 lần so với năm 2015, bằng 3,5 lần năm 2010. 

Hội thảo với sự tham dự của đại diện 32 tỉnh ủy, thành ủy, UBND các tỉnh/TP phía Nam (từ Đà Nẵng trở vào).

Hội thảo với sự tham dự của đại diện 32 tỉnh ủy, thành ủy, UBND các tỉnh/TP phía Nam (từ Đà Nẵng trở vào).

Về chính sách bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp, diện bao phủ bảo hiểm xã hội đạt 16,2 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội vào năm 2020. Năm 2021, cả nước có gần 3,3 triệu người hưởng các chế độ hưu trí và trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, được chi trả bằng nhiều hình thức, linh hoạt (tiền mặt, qua bưu điện, qua tài khoản cá nhân). 

Về thực hiện các mục tiêu của Chính phủ trong bối cảnh dịch Covid-19, năm 2020 và 2021, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành hàng loạt các chính sách để hỗ trợ người dân gặp khó khăn một cách kịp thời, không để ai bị bỏ lại phía sau. 

Định hướng giai đoạn 2023 - 2030, tầm nhìn đến 2045, ông Bùi Tôn Hiến cho biết trung ương đặt ra nhiệm vụ y tế tối thiểu với chính sách BHYT toàn dân, xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả.

Về giáo dục, tối thiểu sẽ phát triển hệ thống giáo dục toàn diện, bao trùm và bền vững, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, nhất là ở miền núi, vùng cao, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số,… 

Tại hội thảo, TS. Bùi Sỹ Lợi cho thấy hệ thống y tế lỗi ở chỗ này, chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của người dân. Theo ông Lợi, cần lưu ý đến vấn đề nhà ở, làm sao cơ bản giải quyết nhà ở cho người dân, nhất là công nhân, người lao động ở khu chế xuất, khu công nghiệp. “Nhà nước phải thống nhất thực hiện chính sách xã hội theo hướng chia sẻ giữa nhà nước, xã hội và người dân; đồng thời theo nguyên tắc an sinh, an dân và an cư”, ông Lợi đề nghị. 

Tại hội thảo, nhiều ý kiến, tham luận từ đại diện lãnh đạo các ngành, địa phương đã được trình bày, tập trung thảo luận về những kết quả triển khai thực hiện nghị quyết và định hướng giai đoạn 2023 - 2030. Bên cạnh các kết quả đạt được, các đại biểu cũng nêu một số giải pháp như: Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền, các tầng lớp nhân dân,… 

Kết luận hội thảo, ông Phạm Văn Linh, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận trung ương, khẳng định trong việc thực hiện chính sách xã hội, phải kiên trì, bền vững, kiên định việc lấy con người làm trung tâm trong tất cả chính sách. 

Theo ông Linh, chính sách xã hội không thể ngắt quãng mà phải có tính kế thừa, học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình hay; đảm bảo minh bạch, khoa học, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, thể hiện sắc thái của mỗi địa phương và phải có tính dự báo.

Ông Lê Văn Thinh - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, cho biết 10 năm qua, chính sách xã hội tại TP.HCM không chỉ đạt hiệu quả mà còn tiếp tục duy trì và giữ được tính bền vững.

Cũng theo ông Thinh, thời gian qua TP.HCM đã triển khai các mô hình như: Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, nhà tình nghĩa, nhà tình thương, mái ấm công đoàn, chương trình giảm nghèo với tiêu chí đa chiều,…Qua đó, đã huy động được nguồn lực to lớn để chăm lo cho người thuộc hộ nghèo, gia đình chính sách khó khăn như hỗ trợ nhà ở, học bổng, phương tiện đi học, phương tiện làm ăn, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm.

TIẾN SƠN

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh