Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI:
Nhiều điểm sáng trong lĩnh vực người có công, giảm nghèo và an sinh xã hội
- Dược liệu
- 17:01 - 16/09/2022
Sáng ngày 16/9, Bộ LĐ-TB&XH, Hội đồng lý luận Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI một số vấn đề về chính sách an sinh xã hội giai đoạn 2012-2020. Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Hồi; Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương Phạm Văn Linh; Phó giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Lê Văn Lợi; Quyền đại diện Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam bà Gulmira Asanbaeva chủ trì Hội thảo.
Giảm nghèo tiếp tục là điểm sáng
Ngày 1/6/2012, Hội nghị lần thứ 5 BCH TƯ Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW một số vấn đề về chính sách an sinh xã hội (ASXH) giai đoạn 2012-2020. Mục tiêu Nghị quyết đặt ra là cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người có công (NCC), phấn đấu đến năm 2015 cơ bản bảo đảm gia đình NCC có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn; Đến năm 2020, cơ bản bảo đảm ASXH toàn dân, bảo đảm mức tối thiểu về thu nhập, giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và thông tin, truyền thông, góp phần từng bước nâng cao thu nhập, bảo đảm cuộc sống an toàn, bình đẳng và hạnh phúc của nhân dân
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra với nhiều điểm sáng trong lĩnh vực NCC, giảm nghèo và ASXH.
Chính sách ưu đãi NCC được quan tâm đặc biệt và là chính sách tốt nhất trong các chính sách xã hội; phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” được triển khai sâu rộng. Đến nay, cả nước đã xác nhận được trên 9,2 triệu NCC; trong đó có trên 1,2 triệu NCC đang hưởng chế độ ưu đãi hàng tháng. Đến năm 2020, đảm bảo 99,5% gia đình NCC có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của dân cư trên địa bàn cư trú; 99% xã phường làm tốt công tác thương binh liệt sĩ.
Chính sách ASXH khẳng định vai trò là xương sống của hệ thống chính sách xã hội trong phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục các rủi ro của người dân trong cuộc sống. Giai đoạn 2010-2021, tăng trưởng kinh tế đã thúc đẩy việc làm và cải thiện thu nhập của hộ gia đình Việt Nam, khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn được thu hẹp. Năm 2021, thu nhập bình quân đầu người/tháng là 4,2 triệu đồng, cao gấp 3 lần so với năm 2010. Khoảng cách thu nhập bình quân đầu người của nhóm nghèo nhất với nhóm giàu nhất đã được cải thiện. Cơ cấu thu nhập tiến bộ hơn, tỷ trọng thu nhập từ tiền lương, tiền công ngày càng tăng, từ 44,8% năm 2010 lên 57% năm 2021.
Giảm nghèo tiếp tục là điểm sáng được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Giai đoạn 2016-2020, mặc dù điều chỉnh nâng chuẩn nghèo nhưng tỷ lệ hộ nghèo cũng liên tục giảm bình quân 1-1,5%/năm, từ 7,9% năm 2016 xuống còn 2,75% cuối năm 2020, năm 2021 giảm còn 2,23%; thu nhập bình quân hộ nghèo năm 2020 bằng 2,3 lần so với năm 2015, bằng 3,5 lần năm 2010.
Về chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) và bảo hiểm thất nghiệp: Diện bao phủ BHXH ngày càng mở rộng, đạt 16,2 triệu người tham gia BHXH vào năm 2020. Dù đại dịch Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế nhưng tổng số người tham gia BHXH vẫn tiếp tục tăng, đạt 16,6 triệu người năm 2021, ước tính đạt 19 triệu người năm 2022. Độ bao phủ của bảo hiểm thất nghiệp không ngừng được mở rộng: từ 8,27 triệu người năm 2012 lên 13,3 triệu người năm 2020 và gần 13,4 triệu người năm 2021. Tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp tăng đều hàng năm, đạt 26,8% năm 2020, 30% năm 2021.
Số người hưởng trợ giúp xã hội thường xuyên tăng lên hàng năm, đạt 3,042 triệu người (bao phủ hơn 3% dân số) năm 2020; đạt 3,25 triệu người (bao phủ 3,5% dân số) năm 2021, trong đó trên 55% là người cao tuổi; chính sách trợ giúp xã hội đột xuất đã bao phủ các nhóm đối tượng cần hỗ trợ, bảo đảm người dân khi gặp rủi ro, thiên tai được hỗ trợ kịp thời.
Về đảm bảo dịch vụ xã hội cơ bản: Đã cơ bản đảm bảo việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản ở mức tối thiểu về giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, thông tin cho người dân, góp phần từng bước nâng cao phúc lợi, đảm bảo cuộc sống an toàn và hạnh phúc của nhân dân.
Con người là trung tâm của sự phát triển
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Hồi khẳng định, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI hệ thống chính sách ASXH đã cơ bản đảm bảo công bằng, toàn diện, bao trùm, tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo cơ bản quyền an sinh của người dân, góp phần phát triển kinh tế, ổn định chính trị và trật tự xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Chỉ số phát triển con người (HDI) năm 2020 có sự cải thiện trong bảng xếp hạng của Liên Hợp Quốc (từ vị trí 128/187 năm 2011 lên vị trí 117 năm 2020). “Các thành tựu nổi bật đã đem lại niềm tin và sự hài lòng của người dân, khẳng định tính ưu việt của chế độ ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước”- Thứ trưởng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi bên cạnh các kết quả đạt được, việc thực hiện một số chính sách xã hội còn có những hạn chế, bất cập. Chính sách xã hội còn thiếu tính bao trùm, liên kết trong hỗ trợ đối tượng và chưa bao phủ hết đối tượng, chưa có sự tương trợ, kết nối của các trụ cột chính sách trong tổ chức thực hiện; chênh lệnh mức sống giữa vùng miền, nhóm đối tượng còn lớn. Quá trình tổ chức triển khai thực hiện chính sách xã hội chưa đồng bộ, thiếu đồng đều giữa các địa phương. Chất lượng dịch vụ xã hội còn hạn chế. Hệ thống quản trị bất cập, chưa hiện đại. Nguồn lực còn hạn chế và thiếu chủ động.
Với định hướng con người là trung tâm của quá trình phát triển, đảm bảo chính sách xã hội phải được xây dựng và triển khai thực hiện hài hòa, đồng bộ với phát triển kinh tế. Xác định đầu tư cho con người, cho chính sách xã hội là đầu tư cho phát triển nhằm đạt được mục tiêu phát triển nhanh và bền vững. Hệ thống chính sách xã hội năm 2030 hướng đến toàn dân, bao trùm và toàn diện; đáp ứng các nhu cầu an sinh xã hội và dịch vụ xã hội cho nhân dân, tạo cơ hội phát triển cho mọi người dân và không để ai bị bỏ lại phía sau; tạo nền tảng xây dựng xã hội tiến bộ, công bằng, bình đẳng, nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau; đáp ứng mục tiêu của nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.
Đề xuất định hướng phát triển chính sách xã hội giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đề ra mục tiêu đến năm 2030: Hoàn thiện hệ thống chính sách xã hội hướng đến bao phủ toàn dân, bao trùm và toàn diện; đáp ứng các nhu cầu an sinh xã hội và dịch vụ xã hội cho nhân dân, tạo cơ hội phát triển cho tất cả người dân và không để ai bị bỏ lại phía sau, tạo nền tảng xây dựng xã hội tiến bộ, công bằng, bình đẳng, nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau góp phần thực hiện khát vọng dân tộc, phát triển đất nước phồn vinh, tự cường và hạnh phúc. Tầm nhìn đến năm 2045: Xây dựng xã hội phát triển, hiện đại, hài hoà và bền vững; tất cả công dân đều có cơ hội tham gia, phát triển và được bảo đảm an sinh xã hội, được hưởng phúc lợi xã hội cao; xã hội tiến bộ, công bằng, bình đẳng, nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau; góp phần xây dựng đất nước phát triển có thu nhập cao, xã hội phồn vinh, hạnh phúc.
Bà Gulmira Asanbaeva- Quyền đại diện Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) khẳng định: Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI đã đánh dấu một bước đột phá lớn, tạo tiền đề cho Việt Nam để tiếp cận gần hơn với các tiêu chuẩn quốc tế và các thông lệ tốt nhất về ASXH.
Về đề xuất định hướng cho chính sách an sinh xã hội trong giai đoạn mới, bà Gulmira Asanbaeva cho rằng Việt Nam cần đặt mục tiêu xây dựng một hệ thống ASXH theo hướng trở thành hệ thống ASXH đa tầng, dựa trên cách tiếp cận vòng đời, bền vững, bao trùm, đáp ứng cú sốc, nhạy cảm giới và đảm bảo rằng, khi Việt Nam tiếp tục phát triển kinh tế nhanh chóng, Việt Nam cũng không để ai bị bỏ lại phía sau.