Người đàn bà giúp 'đại tá' Giang làm "tan cửa, nát nhà" hàng vạn gia đình
- Pháp luật
- 16:23 - 26/02/2016
Từ làm móng, gội đầu chuyển sang làm phó tổng giám đốc
Theo C46, Công ty cổ phần Liên kết sản xuất thương mại Việt Nam (Liên Kết Việt - LKV) có trụ sở tại quận Cầu Giấy, TP Hà Nội, do Lê Xuân Giang thành lập từ năm 2010. Tuy nhiên, phải đến cuối năm 2014, đơn vị này mới thành hiện tượng trong giới kinh doanh đa cấp.
Hồ sơ tại cơ quan điều tra thể hiện: Là người đại diện trên pháp luật của LKV, nhưng trên thực tế, Lê Xuân Giang không hề biết một chút gì kinh doanh đa cấp. Chỉ đến khi gặp Nguyễn Thị Thủy (Phó tổng giám đốc LKV) thì bộ đôi này mới thực sự làm mưa làm gió trong lĩnh vực đa cấp.
Trước thời điểm bị bắt và khởi tố về hành vi “Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”, Thủy sống tại quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Nguyễn Thị Thuỷ từ chủ tiệm gội đầu trở thành Phó tổng giám đốc LKV
Theo lý lịch, Thủy học hết phổ thông tại quê nhà, sau đó làm lao động tự do để kiếm sống. Từ năm 16-40 tuổi, bị can này đã kinh qua nhiều nghề nghiệp như thợ may, mở tiệm gội đầu cắt tóc, làm móng nhưng đều không ổn định.
Vài năm trước đây, Thủy tham gia một số công ty kinh doanh đa cấp, trở thành thành viên và học hỏi được nhiều mánh khoé liên quan đến lĩnh vực kinh doanh đa cấp.
Trước khi gia nhập LKV, Thủy tham dự khóa học về đa cấp (do Bộ Công thương tổ chức) trong vòng một ngày nhằm lấy chứng chỉ.
Sau khi gia nhập vào LKV, Thủy đề nghị Giang phải cho mình đứng đầu một hệ thống. Đề nghị này ngay lập tức được Giang đồng ý.
Vươn vòi tới 27 tỉnh, thành
Thuỷ đứng đầu một nhóm gọi là “Quản lý phát triển kinh doanh của doanh nghiệp”. Nhóm của Thủy thực hiện tổ chức hệ thống kinh doanh, sự kiện, thu hút khách hàng; cố vấn chiến lược phát triển; quản lý kinh doanh… Đến tháng 6/2015, Thuỷ được Giang bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc của LKV.
Trong khi đó, bị can Lê Xuân Giang (Chủ tịch Hội đồng quản trị LKV- 46 tuổi, quê Hưng Yên) vốn là quân nhân, nhập ngũ năm 1991 và xuất ngũ năm 2001 với quân hàm chuẩn uý.
Trước khi trở thành Chủ tịch HĐQT của LKV, Giang từng điều hành một số công ty như Tân Thành Phát, Đức Giang Vina nhưng không thành công. Năm 2005, Giang lập ra Công ty cổ phần Tập đoàn Thiết bị y tế BQP với mục đích mượn danh của Bộ Quốc phòng để làm ăn.
Tiếp đó, Giang tiếp tục thành lập Công ty Quốc tế Hưng Việt, kinh doanh các sản phẩm như bóng đèn, thiết bị điện. Dần dần, Giang chuyển sang sản xuất mặt hàng thực phẩm chức năng, máy khử độc ozone, vật lý trị liệu...
Đến năm 2014, Giang xin Bộ Công thương cấp phép kinh doanh lĩnh vực đa cấp đổi tên Công ty Quốc tế Hưng Việt thành Công ty cổ phần Liên kết sản xuất thương mại Việt Nam.
Hồ sơ tại cơ quan Điều tra cũng thể hiện: Chỉ trong vòng 1 năm, khoảng từ tháng 6/2014 - 7/2015, chiếc vòi bạch tuộc của LKV đã vươn tới 27 tỉnh thành trong cả nước; có ít nhất 60 ngàn người tham gia vào LKV, huy động hơn 1900 tỉ đồng vào tài khoản
Để đưa về khoản doanh thu khổng lồ 1.900 tỉ đồng, những kẻ cầm đầu công ty Liên kết Việt đã dùng nhiều thủ đoạn rất xảo quyệt. Giang và Thủy đã lôi kéo nhiều người là cán bộ quân đội đã nghỉ hưu đến tham dự các lớp tập huấn hoặc hội nghị khách hàng, để tạo thêm niềm tin cho người dân. Bản thân Lê Xuân Giang khi xuất hiện trước khách hàng, luôn mặc quân phục đeo quân hàm trung tá hoặc đại tá. Hàng loạt hội nghị khách hàng được tổ chức với những tên gọi rất kêu như: Đại thắng, anh hùng…
Trước đó, Cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố 7 bị can về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” .Các bị can bị khởi tố và bắt tạm giam gồm: Lê Xuân Giang (Lê Xuân Hà, chủ tịch HĐQT); Nguyễn Thị Thủy, Lê Văn Tú (Phó tổng giám đốc); Nguyễn Xuân Trường, Vũ Thị Hồng Dung, Lê Thanh Sơn (Nhóm quảng bá, tuyên truyền, phát triển hệ thống đa cấp ở các tỉnh); Trịnh Xuân Sáng (phụ trách công nghệ thông tin). |