Người cựu chiến binh hơn 40 năm đưa đồng đội trở về
- Người có công
- 17:54 - 02/11/2018
Một mình ôm đồng đội trở về
Chiến tranh đã lùi xa vào dĩ vãng, nhưng đối với cựu chiến binh Hoàng Huy ký ức về cuộc chiến - về một thời khói lửa vẫn còn vẹn nguyên.
Chúng tôi gặp ông trong căn nhà nhỏ trên con phố Vũ (phường Đại Phúc, Tp. Bắc Ninh). Hàng ngày người lính già Hoàng Huy vẫn cần mẫn ngồi thu thập thông tin dù là nhỏ nhất về những người đồng đội đã cùng chiến đấu, hy sinh tại chiến trường ghi vào cuốn sổ nhật ký được ông coi như bảo vật trong gia đình.
Lục lại những trang ký ức, ông chia sẻ với chúng tôi, vào năm 1970 ở cái tuổi mười tám đôi mươi đẹp nhất của cuộc đời, chàng trai trẻ Hoàng Huy cũng như bao bạn bè cùng trang lứa tình nguyện viết đơn xung phong nhập ngũ, tham gia chiến đấu giải phóng đất nước. Nhập ngũ tại Tiểu đoàn Đặc công 406 (Quân khu 5) ông Huy đã cùng các đồng đội hành quân “xẻ dọc núi rừng Trường Sơn”: Từ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, đến Kon Tum, Gia Lai trải qua vô số các trận chiến ác liệt, lập không ít các chiến công, hiển hách.
CCB Hoàng Huy cùng thân nhân đưa hơn 42 liệt sỹ trở về và thông tin trên 200 liệt sĩ
Ông Huy cho biết, là đơn vị đặc công chủ lực, đánh biệt kích thám báo nên đơn vị của ông luôn đi đầu trong những trận đánh quyết liệt với quân địch. Trong hồi ức của mình ông Huy còn nhớ như in những ngày tháng 4/1972, khi đơn vị đang chiến đấu tại căn cứ Đại Đức (Hoài Ân, Bình Đinh). 1 tiểu đoàn của ta đã đối đầu với cả một trung đoàn của địch với khí tài trang bị tận răng, kèm theo ba trung đoàn khác chỉ một ngày sau kéo lên tiếp viện. Trong những trận tập kích các đồn chốt của địch vào ban đêm, các chiến sỹ quân ta đã phải cắt 10 lớp dào thép quân địch xông vào chiến đấu. Trong đêm tối nhá nhem chỉ nhìn thấy những ánh sáng lóe lên từ những đường đạn bắn ra, cái vòng sinh tử chỉ tính từng giờ từ phút.
Trận chiến không cân sức ấy khiến đơn vị của ông tổn thất nặng nề, tận mắt chứng kiến những người đồng đội kề vai sát cánh lần lượt ngã xuống, trong lòng ông không khỏi xót xa. “Trong thâm tâm tôi luôn khắc ghi đến một ngày hòa bình nếu còn sống, mình sẽ đưa hài cốt anh trở về quê hương”, ông Huy chia sẻ.
Nói đến đây, giọng ông Huy như nghẹn lại bồi hồi xúc động. Ông kể cho chúng tôi nghe về câu chuyện của liệt sĩ Trần Quang Xà ở thôn Trần, xã Hạp Lĩnh, huyện Tiên Du (nay là phường Hạp Lĩnh, thành phố Bắc Ninh). Liệt sĩ Xà hy sinh ngày 10-3-1974 tại dốc Vĩnh Tuy, xã Tịnh Hiệp, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi), khi đó là Phó Ban quân y trong một lần đi xuống đồng bằng mua thêm thuốc cho đơn vị không may gặp phải sự tập kích của quân địch, phải đến nhiều ngày sau đơn vị mới tìm được thi thể liệt sĩ Xà. Đích thân ông Huy cùng đồng đội đã lo hậu sự, hẹn một ngày hòa bình sẽ đưa liệt sĩ Xà trở về.
Danh sách thông tin các liệt sĩ được ông Huy ghi chép cẩn thận
Đến năm 1976, ngay sau khi phục viên chuyển ngành ông Huy đã quyết tâm thực hiện lời hứa năm xưa với người đồng đội đã ngã xuống. Tự mình chuẩn bị một chiếc va li, túi polietilen, 5 lít rượu cùng hương hoa trở lại chiến trường xưa đưa đồng đội về. Suốt 4 ngày đêm, trên chiếc xe Phi long – Tiến lực ra Bắc không một phút giây nào ông Huy giời chiếc va li chứa hài cốt đồng đội. Lo sợ bị kẻ gian ăn cắp vì nghĩ rằng trong va li có của nả, nếu để thất lạc là sẽ là có lỗi với đồng đội và gia đình, nên ngay cả khi ngủ ông vẫn để chiếc va li trên đầu giường. Chỉ đến khi trao tận tay hài cốt liệt sĩ Xà cho gia đình, ông Huy mới có thể thở phào nhẹ nhõm. Tâm niệm bao năm với người đồng đội ông đã hoàn thành
Những bước chân không ngừng nghỉ
Vào năm 2007, nhân một cuộc gặp mặt giữa cựu chiến binh tiểu đoàn 406, ông Huy cũng hơn 300 đồng đội mới có cơ hội được tụ hội. Mọi người đều có một tâm niệm quay lại chiến trường xưa và những người còn sống cố gắng nhớ lại các vị trí chiến đấu và nơi các đồng đội đã hy sinh, để thực hiện nghĩa cử báo tin cho các gia đình thân nhân được biết để đón hài cốt liệt sĩ trở về quê hương. Là thành viên ban liên lạc, cũng từ đó ông Huy đã bắt đầu thực hiện công việc thu thập, tìm kiếm thông tin về các liệt sĩ từ đồng đội và các đơn vị quân đội rồi báo tin cho các gia đình, thân nhân.
Bất cứ khi nào xác định chính xác các thông tin về một liệt sĩ đã hy sinh, chỉ với một chiếc xe máy cũ kỹ ông lại tức tốc lên đường báo tin cho các gia đình thân nhân liệt sĩ, bất kể họ ở đâu từ Thanh Hóa, Nghệ An cho đến các tình Bắc Giang, Thái Nguyên, Phú Thọ, Thái Bình, Nam Định….Kinh phí cho các chuyến đi được tích cóp được chút lương hưu ít ỏi, có khi chẳng đủ ông Huy chỉ nhờ đến sự hỗ trợ từ vợ con, mà không nhận bất cứ sự cảm ơn của gia đình thân nhân nào. “ Các gia đình mất người thân đã là một thiệt thòi. Nên việc đưa được một liệt sĩ về, với tôi là một trách nhiệm nghĩa tình với những người đồng chí đồng đội”, ông Huy chia sẻ.
Bản đồ, la bàn, kính lúp, đèn pin và chiếc máy ảnh là những vật dụng theo CCB Hoàng Huy đi tìm hài cốt liệt sỹ.
Lo ngại trước việc nhiều gia đình liệt sĩ đi theo các nhà ngoại cảm rởm, từ những dữ liệu thông tin thu thập được ông cùng thân nhân các liệt sĩ lặn lội các chiến trường xưa để tìm đồng đội. Với hành trang theo ông ngoài cuốn nhật ký còn có tấm bản đồ, đèn pin, la bàn, kính lúp và chiếc máy ảnh. Tuy nhiên, theo ông Huy, do chiến tranh đã qua đi nhiều năm, công việc tìm kiếm hài cốt, quy tập mộ liệt sĩ gặp rất nhiều khó khăn, địa hình chiến trường xưa nay đã có nhiều thay đổi, có nơi trở thành làng xóm, có nơi trở thành những nông trường sản xuất…rất khó xác định.
Ông Huy kể, nhiều lần ông đã phải cất công vào Phòng Chính sách, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 xin trích lục, hồ sơ, vị trí của các liệt sĩ trong các thời kỳ. Sau đó từ những thông tin có được, ông mới về Sở LĐ-TB&XH của các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định nơi ông cùng các đồng đội đã chiến đấu lấy lại các danh sách phần mộ liệt sĩ.
“Một trong những khó khăn lớn đó là rất nhiều các liệt sĩ tại các nghĩa trang chưa xác định được danh tính. Vì vậy, căn cứ vào các hồ sơ, tôi phải tìm đến từng địa phương, gặp gỡ những người làm công tác quy tập, người dân địa phương để xác định rõ vị trí các liệt sĩ hy sinh trong các trận đánh, được quy tập tại lô nào, hàng nào. Sau đó, mới cùng các gia đình làm thủ tục xin xét nghiệm mẫu AND để xác minh chính xác danh tính liệt sĩ. Công việc này tuy mất nhiều công sức nhưng đảm bảo độ chính xác trong quá trình thực hiện” – ông Huy chia sẻ.
Trong những năm qua, đích thân ông đã đưa 42 hài cốt liệt sĩ trở về quê hương, gia đình, cùng với đó là thông tin về 200 phần mộ liệt sĩ cho các gia đình thân nhân mà chưa hề có bất cứ sai sót nào xảy ra. Theo thời gian, danh sách thông tin về các liệt sĩ ngày một dày lên, cùng với đó là nhiều gia đình thân nhân được giúp đỡ tìm kiếm lại được hài cốt của người thân.
Tháng 11/2011, khi ông đang trên đường làm thủ tục đưa hài cốt liệt sĩ Nguyễn Văn Hùng, sinh năm 1952 quê ở Quang Hưng, huyện Phù Cừ (Hưng Yên) về thì bất ngờ bị tai nạn giao thông, chấn thương sọ não. Sau tai nạn đó, gia đình nhiều lần khuyên nhủ ông nghỉ ngơi. Tuy nhiên, điều đó cũng chẳng thể cản bước chân ông. Sau những đêm trăn trở, thao thức vì những người đồng đội chưa trở về, ông quyết định tiếp tục công việc của mình.
Hàng tuần ông Huy vẫn luôn theo dõi các chương trình nhắn tìm đồng đội, nếu có bất cứ thông tin về liệt sĩ, đơn vị mà ông biết thì ngày trước ngày sau ông sẽ tìm cách liên hệ hoặc trực tiếp đến báo tin cho các gia đình liệt sĩ. “Nếu còn sức khỏe tôi vẫn còn làm công việc này. Tôi chỉ mong sao mình có thật nhiều sức khỏe để có thể đưa được nhiều hơn nữa các đồng đội trở về với quê hương”- ông Huy chia sẻ.