THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:52

Người con đa tài của núi rừng Tây Nguyên

Người đánh thức tiếng chiêng

Nhịp sống xô bồ với bao nhiêu thứ lo toan. Nhưng trong những buôn làng xa xôi, thỉnh thoảng ta vẫn gặp những con người với phẩm chất nghệ sĩ và tinh thần trách nhiệm cao cả, họ đang âm thầm gìn giữ vốn văn hóa truyền thống quý báu cho con cháu mai sau.

Theo số liệu thống kê của sở văn hóa thể thao và du lịch tỉnh Đắk Lắk, số nghệ nhân biết nghề truyền thống trên 3000 người. Số nghệ nhân chỉnh chiêng trên 300 người. Nghệ nhân Ma Quyết được biết đến là người nhiệt tình chỉ dạy, truyền lửa cho thế hệ trẻ về nghệ thuật cảm âm và truyền âm để cồng chiêng âm vang có hồn, có điệu. Những giai điệu gần gũi, thân thương, gắn với cuộc sống hằng ngày của người dân nơi đây được ông giữ gìn, yêu quý và truyền dạy đến mọi người. Cũng chính điều đó làm ông ngày càng gắn bó mật thiết hơn với niềm đam mê nhạc cụ của dân tộc cho dù cuộc sống thay đổi, làm giảm đi nhiều những điều kiện để phát huy hết niềm đam mê, yêu thích ấy.

Nghệ nhân Ma Quyết hướng dẫn các em nhỏ đánh cồng chiêng

Từ lâu ông đã nung nấu ý định truyền dạy cồng chiêng  cho thế hệ trẻ trong làng vì sợ sau này những người lớn tuổi biết đánh cồng chiêng không còn thì thế hệ con cháu sẽ không gìn giữ và bảo tồn được bản sắc văn hóa truyền thống. Thế nhưng do cuộc sống khó khăn, điều kiện chưa cho phép nên chưa thể thực hiện. Năm 2017, Phòng văn hóa thông tin huyện Krông Bông mở lớp chiêng trẻ, ông là người tiên phong trong công tác giảng dạy. “Dạy các em nhỏ đánh cồng chiêng đúng âm, đúng nhịp vất vả rất nhiều so với dạy cho người lớn, nhưng chỉ cần tụi nhỏ chịu học là tôi đầy nhiệt huyết”. Ông là người hiếm hoi trong buôn biết chỉnh 2 bộ chiêng quý, theo ông  nghệ thuật chỉnh chiêng rất khó, đòi hỏi người nghệ nhân thật sự am hiểu về cồng chiêng, có thể sử dụng được tất cả các chiêng trong bộ cồng chiêng, từ chỗ sử dụng thành thạo từng chiếc một qua thời gian mới có thể cảm âm, thẩm âm chính xác. Trong thực tế, chỉ cần chỉnh sai một chút có thể khiến chiếc chiêng bị hỏng.

Lôi 3 bộ cồng chiêng lớn - nhỏ đủ loại và một chiếc trống cổ to của người M’ Nông được ông cất cẩn thân bên hông nhà, hồ hởi khoe: Đây là “báu vật”, tài sản lớn nhất mà thuở xưa ông bà phải đổi vài chục con bò mới có được. Dù thương lái đến nhà hỏi mua giá cao, ông vẫn nhất quyết không bán.


Từ nhỏ, ông theo cha đi khắp các buôn làng hát kể sử thi, diễn tấu và chỉnh cồng chiêng. Được đắm mình trong các lễ hội văn hóa truyền thống của dân tộc cùng với những tiếng chiêng vang vọng núi rừng. Thứ âm thanh khi ngân nga sâu lắng, khi thôi thúc trầm hùng, hòa quyện với tiếng suối, tiếng gió… Vì thế, những giai điệu truyền thống dân gian này cũng như tình yêu với quê hương đã thấm dần vào trái tim, tâm hồn ông. Kể từ đó, ông theo các già làng trong buôn học cách đánh chiêng. Nhờ siêng năng tập luyện, năm15 tuổi, ông đã trở thành người đánh chiêng giỏi, thuộc làu nhiều bài chiêng, bài hát của dân tộc mình. “Trước đây, ở trong làng có nhiều người biết đánh chiêng và có nhiều bộ chiêng quý. Nhưng xã hội hiện đại, môi trường sống thay đổi nên lớp trẻ đã dần không còn yêu thích cồng chiêng nữa, chúng đã vô tình lãng quên những bản sắc văn hóa của cha ông. Vì thế, mình nghĩ việc truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ là điều quan trọng cần phải làm” ông chia sẻ thêm.

Đam mê đan lát

Bước trong nhà ra nở nụ cười hiền từ, khi chúng tôi tìm đến nhà ông trên con đường nhựa ngoằn nghèo vào buôn Ja, xã Hòa Sơn dừng trước ngôi nhà sàn gỗ đơn sơ của vợ chồng nghệ nhân Ma Quyết mùi thơm nồng của rơm phảng phất qua mũi. Để khách hiểu thêm về dân tộc mình ông nói: Người M’Nông thích sinh sống trên những sườn đồi, bìa rừng gần những con suối, con khe nhỏ. Cuộc sống yên bình với những mùa gieo gặt, trồng khoai sắn trên nương rẫy, săn bắt hái lượm trong rừng và đánh bắt tôm, cá ở dưới suối, khe. Cuộc sống chủ yếu dựa vào thiên nhiên, chính từ sự che chở của thiên nhiên,  các vật dụng sinh hoạt được làm từ thiên nhiên, để rồi văn hóa M’nông được khẳng định từ đó.

Ông Ma Quyết chia sẻ về cách đan gùi

Chỉ cần nhìn những chiếc gùi cao cả mét đựng các vật dụng sinh hoạt hàng ngày được xếp ngay ngắn trong gia đình sẽ biết được ông là người đan lát giỏi. Thấy chúng tôi mân mê chiếc gùi còn thơm mùi nắng, như chạm đúng mạch trái tim, ông say sưa nói: Đối với đồng bào M’nông, gùi (gọi là sah) có vai trò rất quan trọng. Đây là vật dụng không thể thiếu trong sinh hoạt gia đình cũng như trong các nghi lễ, lễ hội lớn của người M’nông. Gùi của người M’nông không biết hiện hữu trong đời sống từ bao giờ, chỉ biết rằng từ nhỏ ông đã được bố truyền dạy cho cách đan.

Cứ thế, lớn lên ông lại tiếp tục truyền dạy cho con cháu trong gia đình. “Buôn này, hầu hết các gia đình đều có thể tự tay đan rổ, thúng, sàn, nia… bằng tre nứa để sử dụng thay vì mua các vật dụng bằng kim loại hay bằng nhựa. Gùi ông đan đều được người trong buôn hoặc ở các buôn khác đặt mua. Người đan gùi cũng đầu tư công sức, sáng tạo hoa văn trang trí, người thợ đan cài các sợi nan đã được nhuộm màu từ nhựa cây rừng, hoặc lật mặt cật, mặt lòng của nan để có được màu sắc như ý. Để tạo ra những sản phẩm vừa giữ gìn nét đặc trưng của người M’Nông vừa phục vụ thị hiếu người tiêu dùng”. 

Lê Nhuận

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh