THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:05

Người chép sử bằng tranh

 

Vẽ như sợ mắc nợ                         

          Tháng 4/2014, Bảo tàng Mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh tổ chức triển lãm giới thiệu với công chúng yêu hội họa, những tác phẩm tiêu biểu mà họa sĩ Huỳnh Phương Đông đã miệt mài lao động sáng tạo trong suốt 70 năm. Tôi nhớ hôm đó, mặc dù tất bật đón tiếp các đồng nghiệp, người yêu tranh và giới truyền thông nhưng ông vẫn dành thời gian để ký họa tại chỗ những bức chân dung (vốn là sở trường của mình) để tặng một vài người bạn.

Họa sĩ Huỳnh Phương Đông; 

          Ông vẽ hào hứng, say sưa và rất nhanh chỉ vài nét chấm phá đã thể hiện được cái thần thái, cái  hồn của nhân vật trong ký họa của mình. Tính ông là thế, hứng lên là vẽ, vẽ bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, với nhiều chất liệu khác nhau, tùy từng thể loại tranh. Đó chính là cá tính sáng tạo của ông và cá tính ấy đã được tạo nên từ hoàn cảnh của cuộc chiến mà ông trực tiếp cầm súng dấn thân. Những năm tháng ở chiến trường, ngoài cây súng, ông luôn mang theo trong hành trang của mình những thứ không thể thiếu của một họa sĩ là bút vẽ, hộp màu, than chì, giấy. Trò chuyện với giới truyền thông, ông nói ở chiến trường sự sống và cái chết mong manh gang tấc, nên phải tranh thủ mọi thời gian, không gian để vẽ phác thảo, ký họa ngay tất cả những gì mắt thấy.

Ngày giải phóng Sài Gòn 30/4/1975.

           Hiện thực bi, hùng của cuộc chiến mà ông là người chiến sĩ-họa sĩ đã thôi thúc ông vẽ như một người sợ mắc nợ xương máu của đồng đội. Ông vẽ liên tục và miệt mài, bởi ông luôn tâm niệm trong mỗi trận chiến ấy, mình có thể ngã xuống bất cứ lúc nào, như bao số phận những người lính khác.

          Ông kể, những năm tháng ác liệt của cuộc chiến (1972 -1973), khi đi vẽ và tham gia chiến đấu ở chiến trường Đồng Tháp Mười, đơn vị ông từng bị hơn hai chục chiếc trực thăng Mỹ vây ráp xả đạn, nhiều đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại, còn ông may mắn trở về căn cứ an toàn. Sự mất mát ấy cứ ám ảnh ông cho tới tận bây giờ. Thời điểm đó, ông phác thảo, ký họa ngay trong chiến hào về hiện thực của cuộc chiến, đó là những khoảnh khắc, những diễn biến, những trận giao tranh ác liệt giữa hai phía còn mù mịt khói lửa đạn bom.

 

   Đó nhiều khi lại là những giây phút bình yên rất hiếm hoi đầy lạc quan, lãng mạn trong cuộc sống sinh hoạt thường ngày của những người lính ở căn cứ. Sau những trận giao tranh trở về hậu cứ, phần lớn những phác thảo ấy, được ông vẽ hoàn thiện thành bức tranh bằng chất liệu màu nước, sơn dầu sống động và ấn tượng. Hầu hết những tác phẩm nổi tiếng về đề tài chiến tranh của ông, đều được thai nghén và ra đời trong hoàn cảnh ấy.

          Trong đó, nổi bật nhất là những họa phẩm như: trận Ấp Bắc, trận Bình Gĩa, trận cầu chữ Y, trận chống càn Juction city… nói về các trận đánh quyết liệt và chiến thắng oai hùng, cùng cả nỗi đau về hy sinh mất mát của quân dân ta trong trong những khoảng thời gian, không gian khác nhau. Tất cả hiện thực ấy đều được ông thể hiện với những mảng màu, bố cục cận cảnh thật sinh động, thật “hoành tráng”, khiến người xem cảm nhận được cuộc chiến  khốc liệt trong lịch sử. Tranh của ông vì thế ngoài giá trị nghệ thuật, còn có giá trị như một biên niên sử ký bằng tranh về hiện thực chiến tranh, với những rung cảm vừa bi tráng, vừa đầy chất nhân văn.

Trận Ấp Bắc; 

          Nhiều đồng nghiệp của ông nhận xét, trong tranh của Huỳnh Phương Đông vừa có chất anh hùng ca, vừa phảng phất chất thơ, sự kết hợp hài hòa ấy được thể hiện bằng một bút pháp khỏe khắn, khiến người xem nhận ra phẩm chất anh hùng bất khuất và tính lạc quan của con người miền Nam trong chiến tranh. Trong số hàng loạt những phác thảo, ký họa ở chiến trường của ông có rất nhiều chân dung những người lính trẻ, nhiều người trong số ấy đã anh dũng hy sinh. Nhưng trong tranh của ông, họ vẫn còn sống mãi tuổi hai mươi.

          Những ký họa của ông từ chiến trường gửi ra triển lãm ở Hà Nội thời ấy, tạo dược ấn tượng sâu sắc và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong công chúng yêu hội họa miền Bắc. Trong đó, có nhiều ký họa được đưa vào tem bưu chính Việt Nam, phát hành vào năm 1968 như: “Đánh giặc đến cùng”, “Người trinh sát”, “Nữ dũng sĩ diệt Mỹ”, “Sau giờ chiến đấu”, “Trạm giao liên”…                          

          Và vẽ là để tri ân                                                       

          Cuộc chiến kết thúc nhưng đề tài về chiến tranh vẫn luôn ám ảnh ông, khiến ông trăn trở và tiếp tục vẽ nữa để tri ân các anh hùng liệt sỹ. Những phác thảo, ký họa còn dở dang khi ở chiến trường, giờ được ông hoàn thiện với một cái nhìn về cuộc chiến đã lùi xa một cách bình tâm hơn, sâu sắc và nhân văn hơn. Hầu hết những bức tranh nổi tiếng đều được ông hoàn thiện bằng chất liệu sơn dầu từ phác thảo những năm sau 1975, nên được ghi rõ năm vẽ phác thảo và năm hoàn thiện như: trận La Ngà (1947, 1993). trận Ấp Bắc (1963, 1982), trận Bình Gĩa (1964, 1999)…

          Đối với ông, suốt 70 năm lao động miệt mài sáng tạo nghệ thuật hội họa của mình, có hai giai đoạn được phân định rạch ròi. Đó là 30 năm sống, vẽ trong hoàn cảnh mưa bom, bão đạn của chiến tranh và 40 năm được sống, vẽ trong hòa bình. Ông thú nhận số lượng tác phẩm vẽ về đề tài chiến tranh vẫn chiếm nhiều hơn vẽ về đề hòa bình dựng xây đất nước. Bởi lẽ, suốt 40 năm qua, ông vẫn tiếp tục vẽ, tiếp tục hoàn thiện những phác thảo về đề tài chiến tranh.

          Chính vì thế, dù cuộc chiến đã chấm dứt 40 năm, nhưng người thưởng lãm tranh của ông hôm nay vẫn dễ dàng nhận ra những bước chân của ông đã in dấu khắp các mặt trận nóng bỏng, ác liệt nhất thời ấy. Đó là những trận chống càn bảo vệ căn cứ B2, những trận đánh phủ đầu ác liệt của quân và dân ta ở các căn cứ địch quân tại núi Bà Đen, Gò Dầu (Tây Ninh) đến giải phóng Lộc Ninh, Phước Long và cuối cùng là giải phóng Sài Gòn ngày 30/4/1975.

          Ông chia sẻ, đó chính là tấm lòng, tình cảm với biết bao trải nghiệm, trăn trở, cảm xúc của ông đối với cuộc chiến giành độc lập dân tộc. Đó là sự tri ân của ông đối với các đồng chí, đồng đội, các anh hùng liệt sỹ đã vĩnh viễn ra đi trong cuộc chiến hào hùng và có quá nhiều đau thương mất mát. Ông luôn cảm thấy mình chưa thể ghi chép được hết, vẽ thành tranh được hết tất cả sự ác liệt và những gian khổ, hy sinh, phẩm chất anh hùng, gương sáng tuyệt vời của những người lính trong chiến tranh. Là người từng dấn thân trải nghiệm qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ với tư cách là người chiến sĩ-họa sĩ, mỗi bức tranh của ông thể hiện đều như thấm máu của đồng đội mình.

          Ký họa của ông luôn toát lên tâm thế của một người trong cuộc, được vẽ và tỏa sáng bởi một tâm hồn người họa sĩ tài hoa, lãng mạn. Những ký họa về cảnh vật, trận đánh hay những nhân vật với những nguyên mẫu là những người ông từng gặp gỡ, từng chung sống và chiến đấu ở chiến trường.

          “Tất cả được ông vẽ với sự rung cảm, trải nghiệm sâu sắc, chân thực tạo nên nét độc đáo, đặc trưng và tiêu biểu trong hội họa của ông. Sắc màu trong tranh ông trong sáng, dù trong cảnh tàn phá của đạn bom thì vẫn thấp thoáng những mảng màu xanh của bầu trời và cỏ cây thật lãng mạn và tràn đầy niềm tin hy vọng”-Đó là nhận xét không chỉ của các họa sĩ trong nước, mà của cả những họa sĩ nước ngoài khi xem triển lãm tranh của ông.

          Có thể thấy, chính ông đã ghi chép chân thực một phần lịch sử của đất nước, qua hai cuộc kháng chiến đầy gian khổ hy sinh và hào hùng, bằng ngôn ngữ hội họa.    

Sinh năm 1925, năm nay họa sỹ Huỳnh Phương Đông vừa tròn tuổi 90, nhưng niềm đam mê, khao khát vẽ của ông dường vẫn nguyên vẹn như thuở vừa tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Thực hàng Gia Định (1945) đã dấn thân vào chiến khu tham gia kháng chiến.           

Tác phẩm của ông vừa có giá trị nghệ thuật cao, vừa là tư liệu lịch sử quý về chiến tranh như: Trận La Ngà, Trận Ấp Bắc, Trận Bình Gĩa…đã được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ Thuật đợt II, năm 2007.

Lương Định

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh