THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:24

Người chép cuốn Điều lệ Đảng trong nhà lao Phú Quốc

Từ nhà giáo trở thành dũng sĩ diệt xe cơ giới

Gần nửa thế kỷ trôi qua, những trang giấy của cuốn Điều lệ Đảng- tài liệu để các chiến sĩ cộng sản nghiên cứu, học tập trong nhà tù của địch, đã ố màu thời gian. Nhớ hôm đó, khi tận tay trao kỷ vật quý giá là cuốn Điều lệ Đảng cho ông Lâm Văn Bảng, Giám đốc Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt và tù đày, ông Bốn đã không thể kìm nén xúc động: “Đây là kỷ vật thiêng liêng nhất của đời tôi, tôi đã gìn giữ hơn 40 năm qua, định bụng sẽ mang theo khi về với Bác, với tổ tiên. Nhưng nghĩ lại, chính cuốn Điều lệ Đảng này đã trở thành bảo mệnh giúp anh em bạn tù chúng tôi sát cánh bên nhau giữ tròn khí tiết và niềm tin của người công sản, trung với Đảng, hiếu với dân, cùng đồng cam cộng khổ đấu tranh với đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, chờ đến ngày phá bỏ xiềng gông trở về với đồng bào yêu quý. Nay, tôi trao tặng lại cho Bảo tàng truyền thống của các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, để các thế hệ sau biết rõ về tấm lòng kiên trung của chúng tôi với Đảng quang vinh…”.

Trang viết của Điều lệ Đảng.

Sinh năm 1947 ở xã nghèo Hòa Thạch (huyện Quốc Oai, TP. Hà Nội), khi đang làm giáo viên trường làng thì ngày 22/2/1968, Phùng Văn Bốn gác sách bút, tình nguyện đi bộ đội. Sau 2 tháng huấn luyện gấp, ngày 18/4/1968, anh tình nguyện vào Nam chiến đấu và được phân công vào C1 E5 D434 F320b, thuộc quân chủng bộ binh. Ròng rã hơn 3 tháng hành quân trên đường mòn Hồ Chí Minh, nếm trải bao trận sốt rét rừng, Phùng Văn Bốn cùng đồng đội cũng tiến vào được Quảng Nam. Bằng bản chất vững vàng về chính trị của người giáo viên, anh được chỉ định vào Chi ủy để lãnh đạo chiến sĩ trên suốt đường hành quân. Vào đến Quảng Nam, đơn vị của Phùng Văn Bốn có nhiệm vụ mở đường để đơn vị phía sau đánh giặc. Anh trở thành tay súng cừ khôi bắn cháy 4 xe tăng của Mỹ. Ngày 9/9/1969, Phùng Văn Bốn được đặc cách kết nạp vào Đảng, lễ tuyên thệ được tổ chức ngay bên cạnh xác chiếc xe tăng mà anh vừa bắn cháy.

Nhớ lại niềm vui quá lớn đến với mình năm xưa, thương binh Phùng Văn Bốn rưng rưng nước mắt, kể: “Đó là kỷ niệm suốt đời tôi không thể quên, có lẽ đây là huyền thoại chiến tranh chỉ ở Việt Nam mới có, đó là lúc tuyên thệ tôi mặc… chiếc quần đùi. Trước đó, trong lúc quần nhau với giặc, quần áo tôi đã rách tơi tả, mặt mũi lem luốc”. Gần 30 tháng là một tay súng cự phách diệt xe tăng địch, Phùng Văn Bốn được cấp trên phong tặng danh hiệu Dũng sỹ diệt xe cơ giới.

Ông Bốn đang điều trị tại Bệnh viện. 

Cuộc chiến không đơn độc

Ngày 23/7/1970, Đại đội của Phùng Văn Bốn gồm 32 người nhận lệnh đi công tác đột xuất từ cấp trên. Theo đội hình, Đại đội trưởng đi đầu đoàn quân, Phùng Văn Bốn, khi đó là Đại đội phó đi cuối. Khi đi đến thôn Bình Triều (huyện Thăng Bình, Quảng Nam) thì đơn vị bị giặc phục kích. Anh Bốn cùng đồng đội vừa rút lui vừa chống trả quyết liệt. Bị địch bắn gãy bàn chân phải, gãy xương ống chân trái, mảnh đạn cứa cổ chân phải, bụng dưới bên phải, thêm vết thương nặng ở đùi bên trái, Phùng Văn Bốn cố lê lết và tránh được ở một bụi cây.

 Đến ngày thứ 3 (26/7/1970), quân địch ở đồn chợ Đước đi tuần, phát hiện thấy vết máu, chúng kêu gọi đầu hàng. Thấy người lính nằm im bất động, chúng gọi dân, bắt cáng đưa về đồn. Tại đây, có một nhà báo đến phỏng vấn nên bọn giặc không dám thủ tiêu “tù binh cộng sản”, mà đưa về Tổng y viện Duy Tân (Đà Nẵng) để chữa trị. Đây là cơ duyên để Phùng Văn Bốn gặp được người tốt (trong đầu anh phỏng đoán là người của Đảng), người đó đã đổi áo mới cho anh và dặn “nếu bọn giặc hỏi thì trả lời là lính mới, chúng sẽ không thẩm tra được gì”. Ngay phút giây đầu, anh Bốn đã được người đó nhắc nhủ rằng “hãy tin vào ngày chiến thắng…”.

Nằm viện được gần 1 tháng, Phùng Văn Bốn được đưa về giam ở Phòng Nhì – Đà Nẵng. Nhớ lời “người tốt” đã dặn, dù bị địch hỏi cung, đánh đập dã man nhưng anh một mực nhận là “lính mới Phùng Văn Đắc”, bị tổng động viên đi bộ đội. Cứ mỗi lần bị giặc gọi đi hỏi cung, anh lại có người căn dặn “bên cạnh chú luôn có người của Đảng. Dù giặc hỏi gì mình cũng trả lời với tư cách của người chiến thắng”. Phùng Văn Bốn thấy rất vững tâm và nghĩ rằng: Trong cuộc chiến này, mình không đơn độc.

Nếm trải đủ các ngón đòn tra tấn phủ đầu, bọn giặc không khai thác được gì liền đưa Phùng Văn Bốn đi giam một tháng biệt lập. Khi đó, trên người anh chỉ có một chiếc quần đùi, còn chiếc áo, anh đã tặng lại chị em tù nữ khi họ “đến tháng”.

Trao tặng cuốn Điều lệ Đảng.

Viết tiếp bản hùng ca chiến thắng

Hết thời gian ở Phòng Nhì, Phùng Văn Bốn bị giặc đưa về giam ở nhà tù Đà Nẵng. Khi biết Bốn trước kia là thầy giáo, tên Trung tá Tâm lý chiến của Mỹ đến gặp và gọi anh là “giáo sư”. Khi kẻ địch vặn hỏi về mục tiêu giáo dục của Việt Nam, anh đã khẳng khái trả lời: Mục tiêu đầu tiên của chúng tôi là: Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào”. Tên trung tá Mỹ gật đầu thán phục và rút thuốc lá mời anh Bốn.

Lặng người hồi lâu khi nhớ về những năm tháng sống trong nhà lao của giặc, ông Bốn kể: “Trong tù, tôi được tổ chức Đảng phân công dạy học cho các chiến sĩ cùng bị giam cầm. Dù ở trong tù nhưng Đảng có tổ chức rất nghiêm, chúng tôi học chính trị, triết học dưới mọi hình thức, nhưng vẫn che mắt được bọn cai ngục”.

Trong nhà tù Đà Nẵng khi đó có một Đảng ủy gồm 5 chi bộ. Theo yêu cầu của Đảng ủy, cần có 1 cuốn Điều lệ Đảng để sinh hoạt nên Đảng ủy quyết tâm phục dựng lại Điều lệ Đảng. Bước đầu, Đảng ủy giao cho 5 chi bộ xây dựng khung của Điều lệ Đảng, sau đó giao cho 5 Chi bộ nhận về tự sưu tầm, ai nhớ gì về Điều lệ Đảng thì sẽ viết, rồi trao đổi lẫn nhau để nghiên cứu, bổ sung. “Bàn bạc làm thì dễ, khi thực hiện thật khó khăn. Tai mắt của bọn cai ngục ở khắp nơi, giấy và bút lại là vấn đề rất khó, như tìm đường lên trời vậy. Cuối cùng tất cả các loại giấy được huy động: Giấy khám bệnh, giấy gói cá, giấy thực đơn nhà bếp, mép của tờ báo “Tia sáng” – (Tờ báo duy nhất bọn giặc cho anh em tù binh đọc) -  được nhặt nhạnh, giấu giếm, còn bút thì xin của anh nuôi, lấy cắp khi đi khám bệnh”, ông Bốn nhớ lại.

Gần 1 năm sau thì tài liệu về Điều lệ Đảng hoàn thành. Đảng ủy tập hợp lại, chính thức giao cho thầy giáo Phùng Văn Bốn chép lại thành 1 cuốn Điều lệ Đảng hoàn chỉnh. Ông Bốn xúc động nói: “Tôi lợi dụng mọi lúc, mọi nơi để viết, lính ngục sơ hở là tôi viết. Nhiều lần tôi viết Đều lệ Đảng ở tờ giấy dưới, còn tờ trên là những bài toán về hình học. Khi giặc hỏi, tôi giấu tờ dưới xuống cát, chỉ còn tờ giải toán ở trên thì đưa ra. Có lần bọn giặc bắt tôi, bảo là giải toán cũng phạt. Bọn chúng giam tôi ở ngoài trời 15 ngày, bắt ăn đói, nhịn khát”.

Ngày đó, khi anh Bốn đang chép  dở Điều lệ Đảng thì bị chuyển ra Phú Quốc, rất may bọn giặc cho tất cả anh em của 5 Chi bộ ra và vẫn được ở một khu. Anh Bốn lại viết tiếp. Bọn cai ngục phát hiện ra “anh làm toán” liền cho ra ở “Két sô” 15 ngày, không cho ăn muối, chỉ có cơm hẩm và nước, khi anh kiệt sức thì chúng mới trả về phòng giam”. Vừa hồi tỉnh, anh Bốn lại tìm mọi sơ hở của bọn cai ngục để thực hiện tâm huyết của mình. Cuối cùng cuốn Điều lệ Đảng đã hoàn thành, anh còn còn chép ra được 5 cuốn chuyển cho 5 Chi bộ.

5 cuốn Điều lệ Đảng đã trở thành niềm tự hào, là kim chỉ nam, là niềm tin tất thắng của các chiến sĩ cách mạng trong nhà lao Phú Quốc. Những Điều lệ của Đảng tỏa sáng trong địa ngục tối tăm, soi đường, chỉ lối cho các chiến sĩ đấu tranh vì một mục tiêu cao cả, vì tấm lòng của một đảng viên chân chính dành cho Tổ quốc, đồng bào thân yêu. Từ khi được chuyền tay cuốn Điều lệ Đảng, mục đích đấu tranh của các chiến sĩ cách mạng trong nhà lao Phú Quốc có hướng đi rõ ràng. Nhiều cuộc đấu tranh thắng lợi, khiến bọn cai ngục phải nhượng bộ trước các yêu cầu, quyền sống, quyền con người tối thiểu của các chiến sỹ tù đày.

Tháng 3/1973, trong cuộc trao đổi tù binh, thương binh Phùng Văn Bốn đã được trở về trong vòng tay của đồng bào, trở về với Đảng. Hành trang người cựu tù Phú Quốc mang về với quê hương chỉ duy nhất có cuốn Điều lệ Đảng mà anh đã dùng hết tâm huyết, trí thông minh, lòng dũng cảm chép lại ở trong ngục tù… 

 

Gần 6 năm cống hiến cho cuộc kháng chiến chống Mỹ bằng cả tay súng cừ khôi và trí tuệ, Phùng Văn Bốn đã được tặng thưởng:

+  2 Huân chương chiến sĩ giải phóng

+ Huân chương kháng chiến chống Mỹ

+ 5 Bằng Dũng sĩ diệt Mỹ - Diệt xe cơ giới.

+ Kỷ niệm chương chiến sỹ Cách mạng bị địch bắt tù đầy.

Ngoài ra, ông còn được nhận Kỷ niệm chương chiến sỹ Trường sơn đường Hồ Chí Minh; Kỷ niệm chương CCB Việt Nam; Huy chương vì sự nghiệp giáo dục.

Phạm Thị Dần

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh