THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 01:55

Nhà tù Phú Quốc biểu tượng tinh thần cộng sản bất diệt

Năm 1996, Nhà tù Phú Quốc (nhà lao Cây Dừa), tọa lạc tại thị trấn An Thới, huyện đảo Phú Quốc – Kiên Giang được công nhận là khu di tích lịch sử cấp quốc gia và được trùng tu tái tạo để đón tiếp du khách. Năm 2009, Bộ Văn hoá – Thể thaoDu lịch quyết định đầu tư hơn 19 tỷ đồng tu bổ, tôn tạo 12 hạng mục như nhà ăn, nhà bếp, nhà ban chỉ huy trạm giam, nhà ban chỉ huy quân cảnh, hàng rào kẽm gai, nhà giam giữ, chuồng cọp kẽm gai...phát huy giá trị di tích nhằm mở rộng việc trưng bày hiện vật, đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu lịch sử… của du khách trong và ngoài nước khi đến thăm Phú Quốc. 

Tinh thần cộng sản bất diệt nơi địa ngục trần gian

Thời Pháp, nhà tù Phú Quốc được gọi là Căn cứ Cây Dừa, có diện tích khoảng 40 ha, bao gồm bốn khu A, B, C, D, dùng để giam giữ những người chống Pháp. Căn cứ Cây Dừa chính thức hoạt động vào tháng 06/1953 đến tháng 07/1954 ngưng hoạt động (khi tù binh hai bên được trao trả). Năm 1956 chính quyền Sài Gòn cho sửa sang “Căn cứ Cây Dừa” cũ lập nên trại “Huấn chính Cây Dừa” để giam giữ tù binh cộng sản. Năm 1967, lại cho xây dựng trại giam Tù binh Cộng Sản Việt Nam. Đây là trại giam lớn nhất của chính quyền Sài Gòn ở miền Nam Việt Nam. Giam giữ gần 40.000 tù binh, trong đó có 4.000 người đã hy sinh tại đây.

 

Đoàn cán bộ TW Hội Cựu chiến binh Việt Nam đến thăm di tích lịch sử nhà tù Phú Quốc.


Theo chúng tôi tìm hiểu trong thời gian giam giữ tù binh tại nhà tù Phú Quốc có tất cả 19 hình thức tra tấn. Trong đó có những kiểu đối xử rất tàn bạo: luộc tù binh, nướng tù binh, đốt miệng và hạ bộ, đục lấy xương bánh chè, nướng dùi sắt đâm xuyên qua bắp chuối, đổ nước xà bông cho vào miệng...

1/. Giam trong chuồng cọp

Chuồng cọp Catso: Chuồng cọp này được làm bằng sắt, có chiều rộng 1,87 m, dài 2,58 m, cao 2,07 m. Loại chuồng cọp này thiết kế để đàn áp tù nhân. Người tù bị giam vào đây, cửa khoá kín không còn ánh sáng, đêm lạnh ngày nóng. Bị giam lâu ngày ở đây, khi thả ra tù nhân sẽ không còn thấy đường, sức khoẻ và tinh thần giảm sút nghiêm trọng.

Để trừng phạt tù binh là cán bộ, chiến sỹ cộng sản, giám thị đục xương bánh chè tra tấn cực hình những chiến sỹ cộng sản.

Lấy bao bố trùm lên người tù rồi ném vào chảo nước sôi, những hình thức tra khảo chỉ có trong thời Trung Cổ.

Để trừng phạt tù binh là cán bộ, chiến sỹ cộng sản, giám thị dùng những chiếc roi cá đuối dài tra tấn cực hình những chiến sỹ cộng sản.

Chuồng cọp kẽm gai: Đây là một trong các chuồng cọp được làm toàn bằng dây kẽm gai. Chuồng cọp này để ngoài trời, phân khu nào cũng có hai, ba cái. Có hai loại: loại nhốt 1 người và loại nhốt 3 – 5 người. Kích thước chuồng cọp rất đa dạng. Có loại tù nằm dưới đất cát, có loại tù nằm trên dây kẽm gai. Có loại chỉ ngồi chứ không nằm hay đứng được. Có loại chỉ ngồi lom khom. Có loại chỉ đứng lom khom chứ không đứng thẳng hay ngồi xuống được, muốn ngồi phải ngồi trên kẽm gai.

Tù nhân khi bị nhốt vào đây không được mặc quần áo dài, chỉ cho mặc quần cụt để phơi nắng phơi sương, hoặc phơi mưa suốt ngày đêm, mặc cho muỗi đốt. Tù nhân chỉ được ăn một phần cơm rất ít với muối hoặc ăn lạc chứ không có thức ăn. Mỗi ngày được 1 hoặc 2 ca nước uống. Tiêu, tiểu tại chỗ, không được cho ra ngoài. Những đêm lạnh cóng thì bị dội nước để cho giải khát hay rửa chuồng. Những ngày nóng nực thì bị dội nước muối hay bị đốt lửa bên ngoài để cho cọp nhớ những trận cháy rừng.

Bị giam trong chuồng cọp vài ngày là da bị lột, lên da non rồi lại bị cháy và lột tiếp. Có trường hợp tù nhân bị chết do quá nóng hay quá lạnh. Những người bị chết thì lôi xác ra đi vùi đâu đó quanh nhà tù. Nhưng nhiều chiến sĩ cách mạng đã chịu đựng được hàng tuần, hàng tháng trời mà vẫn không khai báo. Lại có hình thức đóng đinh vào đầu, đóng đinh xuyên gan bàn chân, đóng đinh vào đầu gối... mà những người gan lì nhất nghe qua cũng rùng mình.

2/. Tra tấn cực hình

Lộn vỉ sắt: các tấm vỉ sắt loại có lỗ tròn và đầy mấu để mắc vào nhau và lật ngửa làm “đường băng sân bay” rồi bắt tù binh cởi áo, cởi quần ngoài, chỉ còn chiếc quần đùi, người tù bị bắt cắm đầu xuống vỉ sắt lộn ra sau, sau vài lần là lưng người tù tóe máu, đầu bị bứt tóc, tróc da tơi tả.

Gõ thùng: lấy thùng phuy úp lên tù nhân đang ngồi xổm, rồi gõ vào thùng. Tù nhân sẽ bị đau đầu, sẽ bị điếc vì tiếng gõ mạnh và sức ép không khí. Cũng bằng cách gõ vào thùng phuy đổ đầy nước, bên trong thùng là tù nhân. Kiểu tra tấn này có thể khiến tù nhân bị hộc máu vì sức ép của nước.

Roi cá đuối: giám thị dùng những chiếc roi cá đuối dài, đem phơi để đánh tù. Trước khi bị đánh, tù nhân phải cởi áo để bị đánh vào da thịt trần. Roi cá đuối thường quấn lấy thân nạn nhân, rồi giật ra, làm da thịt bị đứt theo. Giám thị sau đó có thể lấy muối ớt xát vào da thịt nạn nhân.

 

Một góc nhà tù Phú Quốc.

Đóng đinh: những chiếc đinh 3 phân được dùng để đóng vào các ngón tay của tù binh trong quá trình tra tấn. Mỗi lần bị đóng đinh, xương ngón tay của người tù bị vỡ nát. Ngoài ra còn có loại đinh 7, 8 phân hoặc cả tấc để đóng vào thân người tù ở các vùng: cổ chân, khớp vai, mắt cá, ống quyển, đầu.

Có người bị đóng đinh đến chết, sau này khi bốc mộ vẫn còn đinh găm trong hài cốt.

Đóng kim: dùng những cây kim chích đã cũ, đóng từ từ vào 10 đầu ngón tay. Ăn cơm nhạt: tù nhân không được ăn muối, sau hai tháng mắt sẽ bị mờ, sau 5 – 6 tháng liền có người bị mù hẳn. Lấy bao bố trùm lên người tù rồi ném vào chảo nước sôi. Hay dùng bóng đèn công suất lớn để sát mặt người tù trong thời gian dài cho nổ con ngươi. Dùng lửa đốt miệng, bộ phận sinh dục. Đục răng và bẻ răng: kê đục vào sát chân răng của người tù, dùng búa đóng làm răng gẫy văng ra...

 

Cổng Di tích lịch sử “nhà tù Phú Quốc”.

Một góc nhà tù Phú Quốc.

 Những bộ hài cốt liệt sĩ

 Trại giam tù binh Phú Quốc có hai nghĩa địa chôn cất tù binh: đồi 100 và đồi 37. Hai nghĩa địa này được phân lô, đánh dấu vị trí an nghỉ của từng người, nhưng đến nay vẫn chưa tìm được bản đồ tổng thể cũng như chi tiết về nơi chôn cất từng người. Tỉnh ủy và UBND tỉnh Kiên Giang đã có chủ trương truy tìm hài cốt tù binh mang về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Phú Quốc.

Tại đồi 100 đã qui tập được 800 hài cốt, còn tại đồi 37 khoảng 20 hài cốt, tổng cộng đã qui tập được 845 hài cốt. Và cho tới nay vẫn chưa có số liệu nào chính xác về tù binh đã  ngã xuống tại trại tù Phú Quốc.

Tính đến tháng năm 2009, người ta đã tìm được tổng cộng 1.028 bộ hài cốt liệt sĩ tại nhà tù Phú Quốc. Hầu hết đều là liệt sỹ vô danh, không rõ họ tên, tuổi, quê quán, không rõ ngày hy sinh, do quá trình bị địch bắt giam, tù đày tra tấn đến chết ở đâu thì vùi xác tại đó.

Theo một số tư liệu lịch sử, hiện nay, dưới lòng đất vùng nhà tù Phú Quốc còn có gần 3.000 bộ hài cốt liệt sĩ chưa được tìm thấy. Nơi được xác định nhiều hài cốt liệt sĩ nằm lại là ngọn đồi phía Tây Nam nhà tù. Tại đây, người ta đã cho xây dựng Khu Tưởng niệm hoành tráng, đồ sộ. Mới đây, Đội K92 Kiên Giang phát hiện thêm 268 bộ hài cốt liệt sĩ, nâng tổng số hài cốt liệt sĩ hy sinh tại Nhà tù Phú Quốc đã được tìm thấy lên 1.336 bộ.

PHƯƠNG NGHI

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh