CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:07

Sẽ đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho các em có hoàn cảnh

Ông Tô Đức cho biết: “ Ngày 30/6/2015, Bộ LĐ-TB&XH có công văn gửi UBND TP.Hồ Chí Minh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn khẩn trương kiểm tra, làm rõ lý do, chủ trương dừng hoạt động đối với cơ sở này, phương án của thành phố về việc chăm sóc, nuôi dưỡng số trẻ em ở đây nếu cơ sở phải dừng hoạt động và báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH trước ngày 3/7/2015. Bên cạnh đó, UBND TP. Hồ Chí Minh cần có giải pháp để đảm bảo việc chăm sóc, nuôi dưỡng, học tập của các đối tượng không bị gián đoạn; sớm ổn định tâm lý, tình cảm của các cháu...”

Được biết, sau khi có thông tin vụ việc, Cục Bảo trợ xã hội đã cử đoàn công tác vào TP. Hồ Chí Minh nắm bắt, xử lý bước đầu việc ngừng hoạt động Mái ấm tình thương Hạnh Phúc. Thông tin như thế nào, thưa ông?

           - Cục có một đoàn công tác vào trực tiếp làm việc với UBND TP. Hồ Chí Minh, Sở LĐ-TB&XH TP, Phòng LĐ-TB&XH huyện Bình Chánh, và tới xem xét hoạt động của cơ sở trên. Kết quả xác minh, cơ sở Ngôi nhà Hạnh Phúc tại địa chỉ B7/16AD4, tổ 129, ấp 3 xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh do vợ chồng ông Nguyễn Văn Hoàng (SN 1970, hộ khẩu thường trú tại số 159/42, đường Trần Văn Đang, phường 11, quận 3) và bà Ngô Thị Kim Vân (SN 1966, hộ khẩu thường trú tại số 238A, đường Hàn Hải Nguyên, phường 1, quận 11) làm chủ. 

Ông Tô Đức, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội

           Ông Hoàng và bà Vân mua lại mảnh đất trên của ông Đỗ Văn Lung với hình thức mua bán giấy tay để xây nhà ở, đất thuộc diện quy hoạch giải tỏa chưa đền bù của dự án đô thị Hạnh Phúc. Cơ sở vật chất để chăm sóc trẻ gồm: căn nhà cấp bốn, gác lửng, mái tôn, vách tường, trần nhà đóng la phông, diện tích 110 m2 và cộng thêm phần đất trống lợp mái tôn kế bên nhà với diện tích 100 m2 do ông Hoàng, bà Vân thuê của ông Lung với giá 1.000.000đ/tháng, thời gian thuê từ năm 2011 đến nay. Tháng 2/2006, ông Hoàng và bà Vân bắt đầu mở điểm giữ trẻ, lúc đầu chỉ nuôi giữ với số lượng trẻ ít (khoảng 5 trẻ). Từ năm 2010, số lượng trẻ tăng lên và tại thời điểm kiểm tra tổng số người là 32 người, độ tuổi lớn nhất là 23 tuổi và nhỏ nhất là 7 tuổi, trong đó trẻ em dưới 16 tuổi là 24 trẻ (14 nam, 10 nữ), gồm trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh khó khăn.

    Vợ chồng ông Hoàng và bà Vân tiếp nhận trẻ chỉ có giấy khai sinh của trẻ, không có các giấy tờ liên quan khác. Hiện ông Hoàng vẫn còn giữ được liên lạc với gia đình các trẻ...

             *Theo ông  hoạt động chăm nuôi, giữ trẻ của ông Hoàng, bà Vân có vi phạm qui định mở cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc trẻ em không.

     - Ngày 12/11/2013, UBND xã Bình Hưng kiểm tra địa điểm trên và xác định cơ sở ngôi nhà Hạnh Phúc chưa có giấy phép hoạt động theo đúng quy định của pháp luật. Phòng LĐ-TB&XH huyện Bình Chánh đánh giá cơ sở trên không đáp ứng điều kiện thành lập cơ sở bảo trợ xã hội theo quy định tại Nghị định 68/2008/NĐ-CP. Do vậy, UBND xã Bình Hưng đề nghị cơ sở ngưng hoạt động nuôi giữ trẻ không phép tại địa điểm trên và phải giao trả các trẻ về với gia đình trong thời gian 7 ngày. Ông Hoàng đã chấp thuận với đề nghị của UBND xã Bình Hưng, đồng thời đề nghị gia hạn thời gian giao trả các trẻ đến ngày 31/5/2015 vì hiện tại các trẻ đang đi học và gia đình các cháu đều ở xa. Tiếp sau đó, ngày 3/6/2015, UBND xã Bình Hưng kiểm tra tình hình giao trả trẻ về gia đình theo như nội dung ông Nguyễn Văn Hoàng thống nhất tại biên bản ngày 18/3/2014.

      Tuy nhiên, thực tế ông Hoàng vẫn chưa thực hiện, do vậy UBND xã Bình Hưng tiếp tục đề nghị ông Hoàng và bà Vân thực hiện giao ước trả trẻ, thời hạn thực hiện trước ngày 15/6/2015...

             *Xin ông cho biết hướng xử lý tiếp theo của UBND TP. Hồ Chí Minh như thế nào?

     -Tại buổi làm việc với đoàn công tác, Sở LĐ-TB&XH TP.Hồ Chí Minh cho biết sẽ phối hợp với UBND huyện Bình Chánh để có hướng xử lý theo quy định của pháp luật. Trường hợp chấm dứt hoạt động cơ sở nhà Hạnh Phúc, Sở LĐ-TB&XH dự kiến hướng xử lý theo hướng bảo đảm quyền và lợi ích đầy đủ cho trẻ theo quy định của pháp luật. Đối với trẻ có gia đình, nếu gia đình có điều kiện thì giải quyết hồi gia; trường hợp gia đình có hoàn cảnh khó khăn, tiếp nhận trẻ vào chăm sóc nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội khác.

     Đối với những trẻ đang theo học văn hóa, học nghề: đảm bảo trẻ được tiếp tục học văn hóa, học nghề. Đảm bảo công tác giáo dục, sinh hoạt văn hóa, thể chất được duy trì. Trước khi chuyển đến các cơ sở bảo trợ xã hội khác, trẻ và thân nhân, gia đình sẽ được thực hiện tư vấn tâm lý...

           * Thưa ông, sau vụ sai phạm nuôi giữ trẻ ở chùa Bồ Đề (quận Long Biên, TP.Hà Nội), việc quản lý các nhà mái ấm, tình thương, cơ sở nuôi dưỡng trẻ có hoàn cảnh đặc biệt được chấn chỉnh như thế nào?

- Sau vụ việc chùa Bồ Đề, nhằm chấn chỉnh hoạt động của các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội trên phạm vi cả nước, ngày 19/8/2014, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 6371/VPCP-KGVX thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo UBND các cấp tăng cường công tác kiểm tra việc quản lý và hoạt động của các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội. Đến nay, 63 tỉnh, thành phố đã hoàn tất công tác triển khai rà soát, kiểm tra, hướng dẫn, chấn chỉnh hoạt động các cơ sở chăm sóc.

Qua rà soát cơ sở bảo trợ xã hội đã được thành lập theo Nghị định số 68/2008/NĐ-CP gồm 381 cơ sở (trong đó có 180 cơ sở công lập, nuôi dưỡng 24.600 đối tượng; 201 cơ sở ngoài công lập, nuôi dưỡng 9.500 đối tượng, có 54 cơ sở tôn giáo nuôi dưỡng 2.700 đối tượng). Các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trên 10 đối tượng chưa thành lập theo Nghị định số 68/2008/NĐ-CP gồm 123 cơ sở, nuôi dưỡng 4.200 đối tượng. Những cơ sở này tập trung chủ yếu ở các đô thị, thành phố lớn như: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Vũng Tàu, Đồng Nai... (Ngôi nhà Hạnh Phúc là một trong số các cơ sở này)...

Tôi khẳng định, về mặt văn bản qui định, hướng dẫn quản lý nhà nước về cơ sở bảo trợ xã hội rất đầy đủ. Phần còn lại là khâu thực thi, quản lý, thanh kiểm tra hoạt động các cơ sở bảo trợ của UBND các tỉnh, thành phố, Sở LĐ-TB&XH...để đảm bảo tất cả các đối tượng trẻ em, người có hoàn cảnh khó khăn, không nơi cư trú đều được chăm sóc đầy đủ...

Thanh Phúc

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh