CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:57

Nghìn lẻ một đêm và văn minh A Rập

 

“Nghìn lẻ một đêm và văn minh A Rập” mở ra cánh cửa để độc giả bước vào thế giới phủ một bức màn bí ẩn như gương mặt của nàng Sheherazade sau chiếc khăn voan: Nền văn minh A Rập - nền văn hóa giàu truyền thống cùng những tư tưởng ban sơ của đạo Hồi - nơi đã khởi sinh những câu chuyện giàu giá trị nhân văn trong “Nghìn lẻ một đêm”.

Trong cuốn sách, tác giả chia sẻ: “Bộ “Nghìn lẻ một đêm” phản ánh một hiện thực Hồi giáo rất khác biệt so với hình ảnh về đạo Hồi phổ biến trong suy nghĩ của phần đông nhân dân thế giới ngày nay. Do xuất xứ dân gian từ nhiều nguồn cội: Ấn Độ, Ba Tư, Thổ Nhĩ Kì, A Rập... các truyện trong ‘Nghìn lẻ một đêm’ đều bàng bạc tinh thần nhân văn sâu sắc.

Rất nhiều thắc mắc về “Nghìn lẻ một đêm” như: Nguồn gốc thật sự của “Nghìn lẻ một đêm” từ đâu? Có bao nhiêu chuyện kể trong toàn bộ “Nghìn lẻ một đêm”? “Nghìn lẻ một đêm” có phải là sáng tạo của một phụ nữ? Cuốn sách cũng sẽ đưa ra những lý giải cho câu hỏi, tại sao “Nghìn lẻ một đêm” lại có sức cuốn hút đến mê hoặc, trở thành “tác phẩm văn học mang tính toàn cầu, tồn tại bất chấp thời gian” như thế.

Bìa cuốn “Nghìn lẻ một đêm và văn minh A Rập”.

Ngoài ra, độc giả cũng sẽ được khám phá rất nhiều câu chuyện thú vị và nghi án văn chương xung quanh “người anh em sinh đôi” với “Nghìn lẻ một đêm” có tên “Nghìn lẻ một ngày” – tác phẩm được đánh giá là “công trình hoàn hảo nhất của nghệ thuật kể chuyện theo phong cách thế kỉ 18”.

Trong “Nghìn  lẻ  một  ngày”,  người kể chuyện là  một  bà  vú kể cho nàng công chúa mắc chứng bệnh ghét đàn ông, tới mức bày cách giết hại không thương tiếc mọi chàng trai đến ngỏ lời cầu hôn, để  thuyết phục nàng rằng, trên đời, người trần mắt thịt cũng như thần linh, ai cũng có tình yêu nam nữ, và “trong đời chỉ nên yêu một lần, song đã yêu thì yêu đến trọn đời”. Với một chuỗi chuyện kể li kì, cuốn hút, khung cảnh trải rộng từ kinh đô Bagdad và vịnh Ba Tư sang tận triều đình Trung Hoa, bối cảnh và cách kể chuyện giống như “Nghìn lẻ một đêm”, nhưng khi biết được nguồn gốc thực sự và số phận của “Nghìn lẻ một ngày”, độc giả sẽ vô cùng kinh ngạc.

Có thể nói, những câu chuyện tương truyền do nàng Sheherazade kể hầu bạo chúa Shariar trong “Nghìn lẻ một đêm” là di sản tuyệt vời của sáng tác truyền khẩu dân gian nhân loại, tồn tại đến nay hơn một nghìn năm. Năm 1704, độc giả Pháp lần đầu được biết đến “Nghìn lẻ một đêm” qua bản dịch của học giả Antoine Galland.

Tác phẩm mau chóng lan tỏa khắp thế giới trở thành “dấu gạch kết nối văn hóa phương Đông và văn hóa phương Tây”. Ở Việt Nam, “Nghìn lẻ một đêm” đã xuất hiện trên các cột báo ra đều kì cách đây hơn một thế kỉ. Bản dịch “Nghìn lẻ một đêm” do nhà báo Phan Quang chuyển ngữ từ bản tiếng Pháp của Antoine Galland ra mắt độc giả Việt Nam lần đầu tiên năm 1981 và tới nay đã tái bản trên 30 lần.

Dịch giả Phan Quang chia sẻ: “Tôi vốn say mê “Nghìn lẻ một đêm” từ ngày còn bé, và khi bắt tay chuyển từ tiếng Pháp sang tiếng Việt bản của Antoine Galland, vào những năm 70 thế kỉ trước, tôi đọc tất cả những gì gặp được có liên quan đến bộ truyện cổ. Với phương châm ‘Đọc có ghi mới hiểu’, tôi kiên trì ghi chép, gặp đâu chép đó một số điểm tâm đắc kèm theo cảm nhận của mình, cũng có lúc nhìn rộng ra chút ít để yên tâm là mình hiểu đúng.” Cuốn sách thể hiện sự dày công sưu tầm, nghiên cứu, ghi chép của nhà báo Phan Quang và sự khéo léo trong việc sắp xếp bố cục, chi tiết để lôi cuốn độc giả.

Phùng Hà

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh