CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:25

“Thị thành ký” và “Cocktail” của Di Li được dịch ra tiếng Hà Lan

 

Tập tản văn “Thị thành ký” gồm 28 câu chuyện vừa bi, vừa hài về những tính cách đặc trưng của người Việt như thích chê vùi dập và khen bốc giời, hay kỳ thị, chuộng thương hiệu, nghiện mua sắm, thích đầu tư, luôn coi tất cả những gì xuất hiện ngoài trời là của riêng nhà mình, chỉ quan trọng “cửa trước” mà coi thường cửa sau... Nhà văn Di Li đã rất hài hước khi nói rằng: “Thậm chí khi đi vệ sinh, (chứ không phải đi xem phim hay ăn tiệc) người Việt cũng có thói quen rủ nhau cùng đi cho vui. Có người nếu không rủ được ai đi cùng thì đành đoạn cố nhịn chứ nhất định không chịu đi một mình”.

Bìa cuốn “Thành thị ký” và Cocktail”.

Theo Biên tập viên VOV Phạm Trung Tuyến: “Thành thị ký” là tập ghi chép giống như một cuốn khảo luận về tâm lý và văn hóa thị dân đương đại. Rất nhiều vấn đề khác nhau xung quanh thói, tật của thị dân đương đại đã được Di Li đem ra để lý sự. Từ cơn sốt mua sắm đã trở thành “căn bệnh” của tất cả nam, phụ, lão, ấu đến thói a dua chạy theo những giá trị vật chất tạm thời của người trẻ, và cả những sự lai tạp, hổ lốn, thậm chí là hụt hẫng về văn hóa sống của giới văn nghệ, thậm chí là trí thức… Độ phổ rộng của những vấn đề được Di Li đề cập trong tập ghi chép này khiến tôi tin rằng bất cứ ai đọc qua cũng sẽ cảm thấy bóng dáng của chính mình. Di Li đã khai thác tối đa những chất liệu cuộc sống mà cô tiếp nhận như người dân Bến Tre dùng trái dừa của họ, chẳng bỏ đi thứ gì. Có khác chăng chỉ ở chỗ không phải “lành làm gáo, vỡ làm muôi” đối với cái sọ dừa”.

Tập “Cocktail” bao gồm 18 truyện ngắn, là cuốn sách của tác giả trẻ Việt Nam đầu tiên được dịch sang tiếng Hà Lan qua sự chuyển ngữ của nhà thơ, dịch giả, giảng viên Dick Gebuys. Ông Dick Gebuys nói rằng: Ngay từ lúc phát hiện ra những câu chuyện của Di Li và bắt đầu đọc chúng trên phiên bản tiếng Anh, tôi đã thích văn phong của cô ấy cũng như nội dung các câu chuyện. Tôi nghĩ Di Li có một tài năng độc đáo khi đối diện những điều xảy ra hàng ngày bằng một nhãn quan dường như phi lý. Sự quan sát cuộc sống theo quan điểm hiện đại trái ngược với những tư tưởng và giá trị truyền thống nhưng luôn được miêu tả theo cách hài hước. Di Li không thích tư tưởng thực dụng mà những người phương Tây chúng tôi đang ảo tưởng rằng mọi thứ đã được lên kế hoạch và lập trình, trái lại, cô mặc nhiên bày tỏ quan điểm của mình về lối sống và hành vi của người phương Tây bằng phong cách viết đặc trưng và châm biếm. “Cocktail” được chuyển ngữ từ tập truyện ngắn đã được dịch sang tiếng Anh và phát hành năm 2012 “The Black Diamond”.

Nhà thơ Dick Gebuys vừa là người tổ chức và tích cực kết nối, điều hành các sự kiện giao lưu văn hóa và văn học Việt Nam-Hà Lan, là biên tập viên sách. Ngoài sáng tác thơ, ông còn viết truyện ngắn và kịch sân khấu. Kể từ năm 2004, ông bắt đầu sang Việt Nam, một đất nước mà ông không ngần ngại bày tỏ lòng yêu mến bằng cách viết cả một tập thơ mà hầu hết trong đó là về Việt Nam.

Được biết, đây là cuốn sách thứ 5 của nhà văn Di Li được ra mắt trong năm nay. Chị cho biết, sẽ còn 4 cuốn sách nữa được ra mắt bạn đọc vào 2 quý cuối năm, trong đó có tiểu thuyết trinh thám “Câu lạc bộ số 7”.

Như Hoa

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh