Nghiên cứu, đề xuất hỗ trợ kịp thời đối với người dân có hoàn cảnh khó khăn
- Tây Y
- 15:53 - 13/11/2021
Sáng nay 13/11, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.
Kết quả biểu quyết cho thấy, có 480/480 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành. Như vậy, với 100% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.
Theo đó, Nghị quyết nêu rõ, sau 2,5 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trí tuệ và trách nhiệm cao, với tinh thần luôn luôn đổi mới, Quốc hội đã hoàn thành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên của nhiệm kỳ khóa XV trong không khí dân chủ, thẳng thắn, sôi nổi, xây dựng và đã thành công tốt đẹp.
Các đại biểu Quốc hội đã tập trung chất vấn đối với những vấn đề trọng tâm trong các lĩnh vực y tế, lao động, thương binh và xã hội, giáo dục và đào tạo, kế hoạch và đầu tư, là các vấn đề được cử tri và nhân dân cả nước đang rất quan tâm.
Các Bộ trưởng được phân công trả lời đúng trọng tâm, rõ ràng, đầy đủ các vấn đề được đại biểu Quốc hội chất vấn…
Nghị quyết nêu rõ, Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao những kết quả đạt được và các giải pháp, cam kết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng các Bộ: Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ trưởng, Thủ trưởng.
Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ tập trung thực hiện những giải pháp, cam kết, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được chất vấn. Cụ thể:
Đối với lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội
Đẩy nhanh việc triển khai các gói hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, bảo đảm thuận lợi, chính xác, nhanh chóng.
Rà soát, nghiên cứu để có đề xuất hỗ trợ kịp thời đối với người dân có hoàn cảnh khó khăn nhưng không thuộc đối tượng theo quy định đã ban hành, quan tâm nhóm đối tượng yếu thế.
Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, trục lợi chính sách.
Khẩn trương đánh giá, làm rõ nguyên nhân, có giải pháp tổng thể để phục hồi, phát triển thị trường lao động trong nước.
Trong năm 2021, ban hành và triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động và an sinh xã hội phù hợp với tổng thể Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội;
Trong đó, đặc biệt quan tâm việc phân bố lại dân cư và lao động trên phạm vi toàn quốc; xây dựng phương án hiệu quả khắc phục tình trạng số lượng lớn người lao động di chuyển tự phát khỏi các tỉnh, thành phố lớn, các vùng kinh tế trọng điểm, bảo đảm an sinh xã hội tại các địa phương, nhất là các địa phương có người lao động hồi hương;
Có giải pháp “giữ chân” và “thu hút” lực lượng lao động quay trở lại nơi làm việc, khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động tại các vùng kinh tế trọng điểm.
Năm 2022, hoàn thành Đề án nâng cao năng lực dự báo cung - cầu lao động. Năm 2024, thực hiện liên thông cơ sở dữ liệu về thị trường lao động.
Đồng thời, rà soát, ban hành chính sách bảo trợ đối với trẻ em mồ côi do dịch COVID-19, bảo đảm trẻ em có nơi nương tựa, không bị bỏ rơi. Tăng cường các biện pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, đặc biệt quan tâm phòng, chống xâm hại trẻ em.
Ngoài ra, tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với công tác trợ giúp xã hội và công tác thiện nguyện bảo đảm công khai, minh bạch.
Tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân có sai phạm trong việc thực hiện chính sách trợ giúp xã hội và quản lý vận động, tiếp nhận, sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện; lợi dụng thiên tai, dịch bệnh, các hoàn cảnh khó khăn để kêu gọi hỗ trợ từ thiện, trục lợi.
Quan tâm giải quyết những vấn đề quan trọng như: đổi mới hệ thống giáo dục nghề nghiệp, chính sách xã hội hóa về bảo trợ xã hội; tình trạng người lao động bán sổ bảo hiểm xã hội;
Và tiền lương đối với nhóm đối tượng có mức lương hưu thấp và nghỉ hưu trước năm 1995; việc triển khai chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững... đặt trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19.
Đối với lĩnh vực y tế
Cần tổng kết việc thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 đã thực hiện trong các đợt dịch vừa qua để xây dựng chiến lược phòng, chống dịch trong thời gian tới. Trước ngày 01/01/2022, ban hành Chiến lược tổng thể phòng, chống dịch COVID-19.
Nâng cao năng lực phân tích, dự báo để khẩn trương hoàn thiện, ban hành và tổ chức triển khai hiệu quả, thông suốt, thống nhất Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch với các phương án, kịch bản cụ thể, sát với tình hình, không để lúng túng, bị động, bất ngờ.
Sớm khắc phục những vấn đề chưa thống nhất, thiếu nhất quán trong chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện…
Đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo
Đánh giá đầy đủ, chính xác tác động của dịch COVID-19, cả thách thức và cơ hội đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo, chủ động xây dựng chiến lược tổng thể, kế hoạch triển khai của ngành giáo dục và đào tạo thích ứng với dịch bệnh.
Triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 88/2014/QH13, tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; kiểm soát chặt chẽ chất lượng biên soạn, thẩm định sách giáo khoa;
Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chính sách cho học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Bố trí đủ kinh phí thực hiện các chương trình, dự án, đề án đã được Quốc hội, Chính phủ phê duyệt liên quan đến chế độ, chính sách cho học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.
Khẩn trương nghiên cứu, tham mưu ban hành các chính sách đặc thù để bảo đảm chế độ chính sách cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, người lao động trong các cơ sở giáo dục mầm non; sớm khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên tại các địa phương, nhất là ở các tỉnh miền núi.
Đối với lĩnh vực kế hoạch và đầu tư
Khẩn trương xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, ban hành và triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, gắn với nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế, kế hoạch tài chính, kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025.
Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội phải có sự điều hành linh hoạt, hiệu quả, kết hợp giữa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và phối hợp với các chính sách vĩ mô khác, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, chú trọng cả về tổng cung và tổng cầu, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các khu vực thực sự cấp bách và cần thiết, có khả năng hấp thụ vốn, theo lộ trình phù hợp trong giai đoạn 2022 - 2023.
Đồng thời, xây dựng những chương trình quản lý rủi ro, đảm bảo cho việc huy động, phân bổ các nguồn lực được công khai, minh bạch, đúng mục đích, hiệu quả, chống thất thoát, lãng phí, chống lợi ích nhóm, tiêu cực và tham nhũng trong quá trình phân bổ và sử dụng chính sách hỗ trợ này.