THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 08:14

Quốc hội “chốt” năm 2022, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 67%

Đại biểu Quốc hội (đoàn Thanh Hóa) bấm nút biểu quyết thông qua

Đại biểu Quốc hội (đoàn Thanh Hóa) bấm nút biểu quyết thông qua

Chiều 12/11, Quốc hội thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.

Tốc độ tăng GDP khoảng 6-6,5%

Nghị quyết nêu rõ: Mục tiêu thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của Nhân dân cùng với tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ hiệu quả người dân và doanh nghiệp.

Tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên cả nước, trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương và duy trì các động lực tăng trưởng trong dài hạn. Kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế.

Các chỉ tiêu chủ yếu gồm: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6-6,5%; GDP bình quân đầu người đạt 3.900 đô la Mỹ (USD); Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân khoảng 5,5%.

Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội đạt 27,5%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 67%, trong đó có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 27-27,5%; Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 04%; Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm khoảng 01-1,5%...

Trước khi Quốc hội bấm nút thông qua, một số ý kiến cho rằng mức tăng trưởng GDP khoảng 6-6,5% khó hoàn thành; nên đặt mức tăng trưởng GDP khoảng 5-5,5%.

Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2022 được xây dựng trên cơ sở phân tích, dự báo bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế, có tính đến những yếu tố thuận lợi, khó khăn của năm 2021 trên nền tăng trưởng thấp (khoảng 2%), bám sát định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm.

Vì thế, “việc đặt chỉ tiêu khoảng 6%-6,5% thể hiện quyết tâm cao của Chính phủ, đồng thời để bảo đảm hài hòa, linh hoạt trong thực hiện các mục tiêu năm 2022, do đó, xin Quốc hội cho giữ như dự thảo”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nói.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị cần xây dựng lại một số chỉ tiêu kinh tế với các kịch bản tăng trưởng ở các mức độ khác nhau; đặt mục tiêu cao hơn đối với chỉ tiêu lao động qua đào tạo; tăng tỷ lệ bội chi lên 5% GDP.

Về vấn đề này, ông Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cùng với Chính phủ đang khẩn trương xây dựng Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch COVID-19, trong đó có nội dung cân đối ngân sách và bội chi, sẽ sớm trình Quốc hội xem xét.

“Việc xây dựng kịch bản tăng trưởng, các chỉ tiêu chủ yếu đã được cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng, vì vậy, xin Quốc hội cho giữ như dự thảo Nghị quyết”, ông Thanh nói.

Toàn cảnh phiên toàn thể tại hội trường Diên Hồng, các đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua Nghị quyết

Toàn cảnh phiên toàn thể tại hội trường Diên Hồng, các đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua Nghị quyết

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia

Quốc hội đề nghị các cơ quan liên quan tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Quốc hội đề nghị các cơ quan liên quan, cụ thể, thứ nhất, tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Triển khai đồng bộ, hiệu quả Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch COVID-19 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (sau khi được cấp có thẩm quyền quyết định). Đẩy mạnh huy động các nguồn lực xã hội và ưu tiên bố trí nguồn ngân sách nhà nước để tập trung nâng cao năng lực hệ thống y tế và các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách khác.

Thực hiện các chính sách, giải pháp để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Điều hành các chính sách tài chính, tiền tệ linh hoạt, hiệu quả để hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh, kết nối cung cầu lao động, thúc đẩy xuất khẩu, đẩy mạnh đầu tư…

Song song, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế… Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án quan trọng quốc gia, các chương trình mục tiêu quốc gia; Khẩn trương nghiên cứu, triển khai Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động…

Về phát triển nhanh hệ thống kết cấu hạ tầng, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm, tăng cường kết nối vùng, liên vùng, khu vực, quốc tế, nhất là các công trình hạ tầng giao thông quan trọng. 

Đơn cử như: Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 (hoàn thành một số dự án thành phần: Cam Lộ - La Sơn; Dầu Giây - Phan Thiết; Vĩnh Hảo - Phan Thiết; Mai Sơn - Quốc lộ 45); dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ; dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành; sớm đưa vào hoạt động một số tuyến đường sắt đô thị ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh…

Kịp thời khắc phục những bất cập, hạn chế, chậm trễ trong chuẩn bị đầu tư, phân bổ vốn đầu tư công; sớm trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư các dự án quan trọng quốc gia có tính liên vùng, liên tỉnh giai đoạn 2021- 2025.

Ngoài ra, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo. Phê duyệt, triển khai Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Phê duyệt và triển khai các chiến lược, quy hoạch giáo dục nghề nghiệp…

Các chỉ tiêu chủ yếu

1. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6-6,5%.

2. GDP bình quân đầu người đạt 3.900 đô la Mỹ (USD).

3. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 25,5-25,8%.

4. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 04%.

5. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân khoảng 5,5%.

6. Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội đạt 27,5%.

7. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 67%, trong đó có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 27-27,5%.

8. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 04%.

9. Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm khoảng 01-1,5%.

10. Số bác sĩ trên 01 vạn dân đạt 9,4 bác sĩ.

11. Số giường bệnh trên 01 vạn dân đạt 29,5 giường bệnh.

12. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 92% dân số.

13. Tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 73%.

14. Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 89%.

15. Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 91%.

 

Thành Công

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh