THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 08:02

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Chúng ta test tìm virus nhưng virus đã "test" lại cả hệ thống giáo dục

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

Sáng 11/11, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn. Ông Sơn là thành viên Chính phủ thứ ba đăng đàn, sau khi kết thúc phiên chất vấn thuộc nhóm vấn đề thứ hai về lĩnh vực Lao động - Thương binh và Xã hội dành cho Bộ trưởng Đào Ngọc Dung. 

Đây cũng là lần đầu tiên ông Sơn lên "ghế nóng" đăng đàn trả lời chất vấn trên Nghị trường.

Nhiều đại biểu quan tâm đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn về vấn đề dạy và học trực tuyến, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 có thể còn diễn biến phức tạp, kéo dài.

Việc dạy thêm giờ phải lên án

Đặt câu hỏi tới Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, đại biểu Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) nêu, dù Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiêm cấm dạy thêm và học thêm trong mùa dịch nhưng gần đây đã xuất hiện tình trạng dạy thêm và học thêm trực tuyến, thậm chí có tình trạng học sinh bị ép học thêm trực tuyến.

“Cử tri bức xúc kiến nghị Bộ cần tiến hành thanh tra việc dạy thêm, học thêm trực tuyến, quan điểm của Bộ trưởng bộ thế nào?”, đại biểu chất vấn.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung (đại biểu Quốc hội đoàn Thanh Hóa) tại phiên chất vấn

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung (đại biểu Quốc hội đoàn Thanh Hóa) tại phiên chất vấn

Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, bình thường, việc dạy thêm học thêm đã cần phải ngăn chặn. Khi học trực tuyến, học sinh căng thẳng hơn nên việc dạy thêm giờ phải lên án.

Thông tư 09 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành dạy và học trực tuyến đã quy định số giờ được dạy cho các cấp, các lớp.

“Nếu các trường thấy học sinh đi học quá giờ theo quy định, đề nghị các Sở Giáo dục và Đào tạo địa phương, kiểm tra, thanh tra học trực tuyến xem có hiện tượng này hay không. Chúng tôi cũng sẽ tăng cường kiểm tra, thanh tra để có đầy đủ căn cứ, chúng ta cần phải tích cực ngăn chặn việc này”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (Vĩnh Long), qua dịch bệnh ngành Giáo dục và Đào tạo thấy điểm gì cần khắc phục, Bộ trưởng Sơn nói: Chúng ta test để tìm virus nhưng virus đã test lại cả hệ thống của chúng ta. Sau chống chọi với dịch bệnh, nhiều điều được nhìn ra.

Theo ông, qua ứng phó với dịch bệnh, điều đáng mừng nhất là sự nhiệt thành, tận tụy, hy sinh của đội ngũ hơn 1 triệu giáo viên, đội ngũ quản lý giáo dục.

“Trong gian khó của dạy học trực tuyến, ứng phó với dịch bệnh, các thầy, cô không kêu ca”, Bộ trưởng nói, các thầy, các cô sáng tạo vô cùng trong công việc, đó là yếu tố quan trọng củng cố thêm cho chúng ta niềm tin.

Ông Sơn cũng cho biết, Bộ hết sức cố gắng, tuy nhiên qua dịch bệnh một số vấn đề nảy sinh nên phải điều chỉnh để làm tốt hơn.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long đặt câu hỏi chất vấn.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long đặt câu hỏi chất vấn.

Điều chỉnh quy trình nâng cao chất lượng sách giáo khoa

Đại biểu Nguyễn Thị Huế hỏi, Bộ sách Khoa học tự nhiên, Tiếng Việt của NXB Giáo dục Việt Nam có một số điểm thiếu tính khoa học và giáo dục. Trong đó, môn học tích hợp trong chương trình sách giáo khoa mới đang nảy sinh tình trạng 1 môn học có 3 giáo viên được lên lớp, do chuyên môn giáo viên khác nhau.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trả lời, khi có các ý kiến về sách giáo khoa, hội đồng chuyên môn đã trao đổi với các đơn vị, kịp thời điều chỉnh, sửa chữa nội dung trước khi đến tay học sinh.

“Về lâu dài, Bộ đang điều chỉnh về quy trình, điều kiện để đảm bảo sách giáo khoa có chất lượng ngày càng cao hơn”, ông Sơn cho biết.

Về dạy tích hợp 1 môn 3 học phần đang thực hiện lớp 6, Bộ trưởng cho biết, trong hướng dẫn của Bộ sắp xếp làm sao 3 giáo viên phân môn khác nhau dạy theo logic của nội dung thì thuận lợi. Còn đơn vị nào sắp xếp 3 giáo viên dạy song song cũng có lúng túng.

“Việc này trong quá trình triển khai, Bộ đã có tập huấn trên 9.000 giáo viên. Tuy nhiên, chúng tôi tiếp tục tăng cường trong triển khai thời gian tới, trong đó vai trò của các lãnh đạo cơ sở trường học hết sức quan trọng”, Tư lệnh ngành Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Danh Tú - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang đặt câu hỏi chất vấn.

Đại biểu Nguyễn Danh Tú - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang đặt câu hỏi chất vấn.

Phân rõ 3 nhóm đối tượng để có giải pháp lâu dài

Đối với những việc cần làm trong thời gian tới cần để tăng cường chất lượng dạy và học về lâu dài, đặc biệt là chất lượng dạy và học trực tuyến, Bộ trưởng cho biết, Bộ xác định phân rõ 3 nhóm đối tượng để có những giải pháp khác nhau.

Hiện cả nước có 350 quận, huyện, thị đang dạy học trực tuyến, học qua truyền hình; 316 đơn vị hành chính đang học trực tiếp.

"Như vậy có 3 nhóm: Nhóm vẫn đang học trực tiếp bình thường thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc và một số tỉnh trung du, miền Trung. Một nhóm đang chuẩn bị đưa học sinh quay trở lại trường học. Thứ ba là những nhóm có khả năng sẽ tiếp tục dạy và học trực tuyến thêm một thời gian nữa. Mỗi một nhóm sẽ có giải pháp riêng phù hợp", Bộ trưởng khẳng định.

Cũng liên quan đến vấn đề chất lượng việc học trực tuyến trong bối cảnh dịch COVID-19, trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang), Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, hiện nay chuyển sang dạy học trực tuyến không chỉ có riêng Việt Nam, "đây là một việc mà cả thế giới phải làm".

Đối với Việt Nam, ngành giáo dục đã có kinh nghiệm, đã chuẩn bị trong đợt dịch trước. Nhưng bước vào năm 2021, quy mô, tính chất, thời gian dạy học trực tuyến là chưa từng có tiền lệ, do đó chúng ta chưa có kinh nghiệm.

Đối với ngành giáo dục, thầy và trò vừa phải ứng phó với dịch bệnh, vừa phải chuyển sang dạy học trực tuyến trong điều kiện cả nước còn hết sức khó khăn. Theo thống kê hiện nay, hơn 1,86 triệu học sinh không có bất kỳ thiết bị gì trong tay để học tập. Có gia đình 2-3 anh chị em chỉ có chung một điện thoại để học.

Theo ông Sơn, đây là một việc "bất đắc dĩ": "Do đó, trước khi quan tâm đến chất lượng, cũng mong các đồng chí lãnh đạo các địa phương rất chia sẻ, quan tâm làm thế nào để hỗ trợ các cháu không có thiết bị học tập; một phần các cháu đang dần bỏ học vì không học được do thiếu thiết bị. Đây là vấn đề cấp bách hơn, trước khi chúng ta đánh giá xem các cháu học được gì", Bộ trưởng bày tỏ.

Thanh Nhung

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh