Nghiên cứu cơ bản đầu tiên của Việt Nam được quân đội Mỹ tài trợ
- Giáo dục nghề nghiệp
- 21:55 - 21/10/2019
Ngày 18/10, tại hội trường Đại học Bách khoa Hà Nội, trong chiếc váy hồng nổi bật, Phó giáo sư Huỳnh Thị Thanh Bình bước lên bục nhận bằng chứng nhận hỗ trợ dự án nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo từ Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink và trung tá Vinnie Nguyen, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quân đội Mỹ tại châu Á -Thái Bình Dương, đại diện quân đội Mỹ.
Nghiên cứu của Phó giáo sư Bình về tiến hóa đa nhiệm để giải quyết các bài toán tối ưu trên đồ thị và mạng nơron được đánh giá có tính ứng dụng cao nhằm giải quyết bài toán tối ưu trong phân phối hàng hóa, thiết kế mạng hay trong quân sự. Đây cũng là đề tài đầu tiên ở Việt Nam được quân đội Mỹ tài trợ cho nghiên cứu cơ bản, thời gian kéo dài ba năm.
Vào tháng 4, chị Bình cùng nhóm nghiên cứu đã sang phòng nghiên cứu của quân đội Mỹ (US Army Research Lab) ở Adelphi, bang Maryland để trao đổi về đề tài. "Tôi bị ấn tượng bởi lab nghiên cứu của quân đội Mỹ to bằng cả trường đại học Bách khoa. Họ làm việc chuyên nghiệp nên khi được thông báo nhận tài trợ từ cơ quan này, tôi rất vui", chị Bình nói.
Phó giáo sưHoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội tin rằng, dự án đầu tiên và quan trọng do Phó giáo sư Huỳnh Thị Thanh Bình làm chủ nhiệm sẽ mở ra nhiều cơ hội hơn để trường Bách khoa và quân đội Mỹ làm việc trên nhiều lĩnh vực khác trong tương lai. "Chúng tôi đánh giá rất cao sự tham gia và hỗ trợ của Đại sứ quán Mỹ và Trung tâm nghiên cứu quân đội Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương", ông Sơn nói.
Theo chuyên Toán từ cấp THCS, đến khi lên THPT chị Bình đỗ vào lớp chuyên Toán của trường Hà Nội - Amsterdam và lớp chuyên Tin đầu tiên do Đại học Bách khoa Hà Nội mở. Dù đã nhập học lớp chuyên Toán, thấy bạn bè kể chuyên Tin "hay hay", chị Bình liền bỏ trường Ams, qua Bách khoa học rồi cái duyên ấy đã gắn bó chị với trường từ đó.
Trở thành giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội, đến nay, chị còn là thành viên của Hội đồng Hiệp hội Điện Điện tử Châu Á Thái Bình Dương (Member of Executive Committee, IEEE Asia Pacific), đóng vai trò là trưởng ban hoạt động sinh viên và thành viên ban Quản lý chất lượng hội thảo.
Chị Bình đã có hơn 90 bài báo trên các tạp chí, hội thảo quốc tế, trong đó có hàng chục bài đăng trên tạp chí thuộc danh mục ISI (các tạp chí có uy tín của ngành khoa học tự nhiên) và báo cáo trong các hội thảo đầu ngành. Mỗi năm, chị Bình lại đặt chân đến ít nhất một quốc gia để dự các hội thảo sau khi gửi bài và được chấp nhận. Dù chi phí rất lớn, chị cũng không bỏ qua bởi báo cáo được hội thảo đầu ngành chấp nhận là rất ít.
Hội thảo đầu ngành cũng là cơ hội để chị tiếp xúc với các giáo sư hàng đầu thế giới trong lĩnh vực của mình. Từ đó, nữ giảng viên sinh năm 1975 sẽ kết nối, mời họ đến dự các hội thảo trong nước, hỗ trợ cho trường và sinh viên.
Là nữ hiếm hoi trong ngành nhưng chị Bình không gặp nhiều khó khăn trong quá trình nghiên cứu vì từ những năm cấp 2, chị đã học ở lớp chuyên với đa số là nam. "Nhiều người nghĩ phụ nữ học ngành kỹ thuật, công nghệ sẽ vất vả hơn nam giới, nhưng tôi lại thấy không có vấn đề gì. Thậm chí, điều đó mang lại cho tôi nhiều niềm vui", chị Bình nói.
Ở Bách khoa, Phó giáo sư Bình thường được gọi với biệt danh "Ngọc nữ khoa học", có thể ở phòng lab từ thứ hai đến thứ bảy làm nghiên cứu. Nhiều người hỏi "không sợ chồng con buồn hay sao", chị Bình chỉ cười bởi chị được chồng con rất ủng hộ theo đuổi con đường này.
Chồng chị, dù rất bận rộn với công việc ở ngân hàng, vẫn hỗ trợ vợ trong mọi việc. Chị có tên trong ban phụ huynh ở lớp của con nhưng mọi người trong trường biết đến chồng còn nhiều hơn chị. Đổi lại, chị giữ nguyên tắc không mở máy tính khi về nhà và dành những buổi cuối tuần cùng gia đình đi xem hòa nhạc hay chơi quanh thành phố. Chủ nhật đưa con đi học piano, chị cũng tham gia một lớp piano để xả stress.
Mỗi tuần có hai lớp ở trường với hai môn Toán rời rạc và Tính toán tiến hóa, chị tự biến mình thành bạn với sinh viên. Nữ giảng viên luôn đi ăn trưa với các em rồi trêu đùa "ăn trưa với cô cũng là công việc".
"Những buổi đi ăn cùng sinh viên khiến tâm hồn tôi như trẻ lại, bớt căng thẳng sau những ngày tập trung nghiên cứu trên phòng lab", chị Bình chia sẻ. Còn với học viên cao học Đinh Anh Dũng, "Ngọc nữ khoa học" là một người rất gần gũi khiến anh và các học viên, sinh viên cũng thoải mái hơn.
Nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, chị Bình muốn nhắn nhủ các bạn nữ có khả năng nhưng vẫn còn băn khoăn chuyện thi khối ngành kỹ thuật, công nghệ cần tìm hiểu kỹ rồi mạnh dạn đi theo hướng suy nghĩ của mình. "Ở bất kỳ lĩnh vực nào, không phân biệt nam hay nữ, chỉ cần có ý chí, tập trung đi sâu, bạn đều có thể gặt hái được những thành quả", chị Bình nói.