Tuyển sinh đại học: Chú trọng tuyển học sinh có phẩm chất và thái độ tốt
- Giáo dục nghề nghiệp
- 00:42 - 17/10/2019
Trường đại học chưa sử dụng hết quyền
Thi cử là yếu tố quyết định đến việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Nếu ra đề thi Trung học phổ thông quốc gia như hiện nay sẽ chưa thực sự đánh giá hết năng lực của thí sinh. Các trường ĐH có những yêu cầu năng lực thí sinh khác nhau, nhưng đều dựa vào kết quả kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia, nên hay không?
Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới cho rằng: "Đây là kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông quốc gia, các trường ĐH có thể dựa hoàn toàn vào kết quả này để tuyển sinh hoặc bổ sung thêm kỳ thi tuyển sinh khác. Tuy nhiên, cần phải gây sức ép đối với các trường ĐH và coi phương án tuyển sinh của trường như một tiêu chí để xếp loại trường ĐH. Nếu trường ĐH chỉ dựa vào kết quả cuộc thi bình thường thế này sẽ không thể đứng ở thứ hạng cao. Ở các nước phát triển, những trường ĐH lớn không tuyển sinh dựa vào kết quả thi phổ thông".
Đồng quan điểm với GS Thuyết, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam GS.TS Phạm Tất Dong nêu quan điểm, trường ĐH đã được tự chủ chỉ nên căn cứ một phần về điểm thi Trung học phổ thông quốc gia để xét tuyển sinh. Những trường ĐH thuộc Top đầu như Sư phạm Hà Nội, Mỹ thuật T.Ư, Bách khoa Hà Nội... cần có cách tuyển sinh riêng, với những yêu cầu khác mà ở giáo dục phổ thông không đáp ứng được.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng khẳng định, các trường ĐH chưa phát huy hết quyền tự chủ của mình nên vẫn tuyển sinh theo hướng đánh giá học sinh có giỏi hay không... Trong khi các nước phương Tây, trường ĐH tuyển cả các em học sinh tham gia hoạt động xã hội tốt, thậm chí thể thao giỏi.
Mong có quy chế thi riêng
Trong khi đó, lãnh đạo các trường ĐH không đồng tình với việc cho rằng họ ỉ lại, lười tuyển sinh. Phó giáo sư, tiến sĩ Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội nhận định, yếu tố quan trọng nhất trong tuyển sinh đầu vào ĐH là năng lực để các em tiếp thu, chứ không phải năng lực để làm một việc cụ thể như GS Nguyễn Minh Thuyết nói.
"Chúng tôi kiểm tra xem các em có tư duy, khả năng tính toán, tiếp thu. Dựa trên kết quả kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia, môn Toán, Lý, Hóa là đáp ứng yêu cầu chứ không phải Bách khoa Hà Nội lười tổ chức thi riêng. Một số chương trình đặc biệt như tài năng, nhà trường hoàn toàn tổ chức kỳ thi riêng được. Trong quá trình học ĐH, sinh viên sẽ được rèn luyện, kiểm tra, có đào thải chứ không phải vào bao nhiêu, ra bấy nhiêu" - Phó giáo sư, tiến sĩ Sơn nhấn mạnh.
Phó giáo sư, tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh cũng đồng tình, bởi mỗi năm nhà trường loại tới 500 sinh viên để giữ gìn thương hiệu. Nhà trường cũng tuyển sinh đa dạng đầu vào từ học bạ Trung học phổ thông, thi Trung học phổ thông quốc gia, đánh giá năng lực. Tuy nhiên, cuộc khảo sát khoa học của trường cho kết quả, tuyển sinh dựa vào điểm thi Trung học phổ thông quốc gia vẫn là tốt nhất.
"Chúng tôi chỉ cần đầu vào ở mức chung, nền tảng Trung học phổ thông, chủ yếu vẫn là môn Văn, Toán, tiếng Anh. Những trường sư phạm, thể thao cần có thi năng khiếu riêng" - ông Dũng cho hay. Theo ông Dũng, trường ĐH tổ chức thi tuyển sinh riêng cũng có mặt mạnh và yếu.
"Chúng tôi kết hợp lấy kết quả điểm thi Trung học phổ thông quốc gia với thi năng khiếu cũng có tiêu cực. Vì thế, mỗi lần ra đề thi Vẽ, chúng tôi đều mời giáo viên từ trường khác. Nếu để giáo viên trong trường ra đề thi Vẽ, họ sẽ tổ chức luyện thi. Ngay cả thi đánh giá năng lực ở TP Hồ Chí Minh cũng có một số giáo viên ra đề rồi mở lớp ôn thi theo hình thức này".
Vì thế, các trường ĐH vẫn mong muốn được sử dụng kết quả kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia để xét tuyển ĐH sẽ tiết kiệm kinh phí lại lựa chọn được thí sinh đầu vào tốt. Bây giờ chỉ mong muốn Cục Quản lý chất lượng cải tiến ngân hàng đề thi sao cho bao quát, nhất là môn Toán tăng được khả năng tư duy của thí sinh.
Phản hồi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc các trường ĐH nên chú trọng tuyển học sinh có phẩm chất và thái độ tốt, Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội bày tỏ: Để sinh viên thành công trong ĐH cũng như trở thành công dân tốt, ngoài kiến thức và năng lực rất cần phẩm chất.
Hiện nay chưa có quy chế, văn bản nào quy định, hướng dẫn các trường ĐH kiểm tra hay phỏng vấn thí sinh. Vì thế, trong quy chế thi Trung học phổ thông quốc gia hay tuyển sinh ĐH nên có nội dung này, các trường công khai để được xã hội ủng hộ. Còn trong trường hợp chưa có quy chế, không được xã hội đồng tình ủng hộ thì một mình trường ĐH sẽ rất khó để làm.