Nghị quyết 54 - Cơ hội để TP. Hồ Chí Minh “cất cánh”
- Huyệt vị
- 21:34 - 29/04/2018
Ông Nguyễn Viết Sê, Trung tâm thông tin và dự báo KT-XH quốc gia, (Bộ KH&ĐT).
Xuất phát từ thực tiễn, đề xuất của Chính phủ và chính quyền địa phương, Quốc hội khóa 14 đã ban hành Nghị quyết số 54/2017/QH14 (NQ54) về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Hồ Chí Minh, tập trung vào các lĩnh vực quản lý đất đai, đầu tư, tài chính- ngân sách nhà nước; quy định cơ chế ủy quyền giữa các cấp chính quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố quản lý nhằm hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh tiếp tục phát triển ổn định và phát huy hơn nữa vai trò là đầu tầu kinh tế lớn nhất của cả nước.
Tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội
Trên lý thuyết có thể nhận định NQ54 có nhiều tác động quan trọng tới phát triển kinh tế - xã hội TP. Hồ Chí Minh thông qua những động lực và nguồn lực mới được bổ sung. NQ54 đang được nhân dân và chính quyền TP. Hồ Chí Minh phấn khởi đón nhận và triển khai tích cực.
NQ54 là điều kiện để tăng thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố. Trước hết và quan trọng nhất là nguồn lực tài chính. Ngân sách nhà nước do thành phố quản lý tăng lên khá, bao gồm ngân sách tăng lên theo tăng trưởng kinh tế, qui mô nguồn thu đã được dự tính trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và ngân sách tăng lên do thực hiện NQ54.
Nguồn tăng thu theo NQ54, ngân sách do thành phố tăng thêm hàng năm bao gồm, nguồn tăng thu do Chính phủ bổ sung tối đa 70% số tăng thu ngân sách trung ương từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách thành phố, số tăng thu từ các khoản thu ngân sách trung ương hưởng 100% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao. Đây là nguồn thu lớn và quan trọng nhất, nếu thành phố phấn đấu tích cực, tăng thu từ 10% trở lên so với dự toán do Chính phủ giao, thì hàng năm thành phố sẽ có thêm hàng chục ngàn tỷ đồng cho ngân sách địa phương; nguồn thu từ tăng mức thuế hoặc thuế suất đối với một số hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường. Mức tăng thuế hoặc thuế suất không quá 25% so với mức thuế hoặc thuế suất hiện hành. Ước tính hàng năm thành phố sẽ có thêm hàng ngàn tỷ đồng; nguồn tăng thu từ 50% khoản thu tiền sử dụng đất thành phố được hưởng khi bán tài sản công gắn với tài sản trên đất, ước tính cũng lên hàng ngàn tỷ đồng; nguồn thu từ số thu được do thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước do thành phố quản lý làm đại diện chủ sở hữu, với số vốn ước tính khoảng 67.000 tỷ đồng thu về cho ngân sách thành phố trong 3, 4 năm; nguồn tăng thu từ việc điều chỉnh một số loại phí và lệ phí trong phạm vi thẩm quyền của địa phương.
Sơ bộ dự kiến các nguồn tăng thu hàng năm kể trên có thể tương đương 50 - 60% hoặc cao hơn số chi ngân sách hiện nay thành phố đang chi cho đầu tư phát triển hàng năm (khoảng 35.000 tỷ đồng). Phần lớn số ngân sách tăng thêm nói trên được dành cho đầu tư phát triển, sẽ góp phần quan trọng để giải quyết tình trạng quá tải về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố.
Thu hút nguồn vốn trong và ngoài nước
Bên cạnh nguồn thu ngân sách nhà nước, để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, thành phố được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn Chính phủ vay ngoài nước về cho thành phố vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 90% số thu ngân sách thành phố được hưởng theo phân cấp. Đây là nguồn hỗ trợ quan trọng khi cần thiết và phải tính toán chặt chẽ tới hiệu quả đầu tư và khả năng trả nợ đúng hạn.
Vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước sẽ có tác động lôi kéo, thu hút ngày càng nhiều hơn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài trong và ngoài thành phố đầu tư kinh doanh phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Ước tính, nếu vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn thành phố hàng năm sau khi thực hiện đầy đủ NQ54 có thể tăng thêm 20 - 25% so với trước khi có Nghị quyết, cùng với hiệu quả vốn đầu tư được cải thiện, có thể góp phần đưa mức tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn thành phố (GRDP) tăng thêm khoảng 1 - 1,5%/năm.
Nguồn lực vốn đầu tư phát triển xã hội, trong đó có vốn ngân sách nhà nước là tiền đề để huy động có hiệu quả hơn các nguồn lực khác như đất đai, lao động, vốn xã hội cho tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa phương. Ước tính nguồn vốn đầu tư phát triển tăng thêm khi thực hiện NQ54 sẽ có thể tạo thêm hàng trăm ngàn việc làm mới hàng năm, vừa góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa kéo giảm tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn. Nhiều nguồn lực được bổ sung cùng với địa phương được phân cấp nhiều thẩm quyền quản lý hơn theo qui định của NQ54, sẽ là những tiền đề quan trọng để TP. Hồ Chí Minh có thể tranh thủ tốt hơn nhiều cơ hội trong và ngoài nước cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là cơ hội về thu hút đầu tư và hợp tác quốc tế. Để tranh thủ được cơ hội thành phố cần chuẩn bị tốt về những nội lực cần có.
Cần tháo gỡ “nút thắt”…
Mặc dù NQ54 sẽ mang lại nhiều nguồn lực và động lực mới rất quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, nhưng có lẽ còn quá sớm và chưa đủ cơ sở để khẳng định với những nguồn lực mới do NQ54 mang lại có thể tạo ra những “đột phá” thật sự căn bản, đủ sức xoay chuyển mạnh mẽ mô hình tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố, bởi những “nút thắt to lớn” về chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng thể chế khó có thể giải quyết cơ bản bằng “cơ chế thí điểm” trong phạm vi tương đối hẹp và thời gian ngắn. Hơn nữa nhiều vấn đề sẽ phát sinh cần được tính toán kỹ trong quá trình thực hiện NQ54.
Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ huy động thuế, phí hiện nay của nước ta cao hơn nhiều, mặc dù thu nhập bình quân đầu người ở nước ta thấp hơn nhiều so với các nước ASEAN-6, nhưng do áp lực trả nợ công đến hạn, áp lực cắt giảm thuế theo lộ trình thực thi các hiệp định thương mại, đầu tư mà nước ta đã ký kết, Chính phủ buộc phải tiếp tục điều chỉnh, bổ sung các luật thuế, phí quan trọng trên phạm vi cả nước để tăng nguồn thu cho ngân sách quốc gia.
Mặt khác, tỷ lệ huy động thuế cộng phí so với tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh hiện đang cao hơn nhiều so với mức trung bình của cả nước. Vì vậy khi thành phố điều chỉnh tăng thu các loại thuế, phí cần đánh giá đầy đủ các tác động của công cụ thuế, phí, để tránh các tác động “xấu không mong muốn” như làm suy giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp, ảnh hưởng tới đời sống và lòng tin của người lao động.