Khoá họp 37 Hội đồng nhân quyền tại Geneva: Thông qua 41 Nghị quyết
- Tây Y
- 13:30 - 27/03/2018
Toàn cảnh phiên họp lần thứ 37 Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc tại Geneva, Thụy Sĩ. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Theo tin từ Bộ Ngoại giao, trong bốn tuần làm việc, Hội đồng nhân quyền đã thảo luận về các vấn đề thuộc chương trình nghị sự thường kỳ những năm vừa qua như quyền trẻ em, người khuyết tật, chống phân biệt chủng tộc, ngăn ngừa nạn diệt chủng… Hội đồng xem xét tình hình nhân quyền tại một số quốc gia như Myanmar, Triều Tiên, Syria, Nam Sudan, Iran… và thảo luận các biện pháp tăng cường hỗ trợ kỹ thuật trong việc đảm bảo và thúc đẩy quyền con người cho Lybia...
Như thường lệ, Hội đồng thông qua báo cáo rà soát định kỳ phổ quát của 14 nước thuộc Chu kỳ rà soát thứ 3. Phiên thảo luận cấp cao kỷ niệm 70 năm Tuyên ngôn nhân quyền và 25 năm Tuyên bố và Chương trình hành động Viên cũng được tổ chức trong khuôn khổ Khoá họp.
So với cùng kỳ năm ngoái, có sáu nghị quyết với nội dung mới được giới thiệu tại Khoá họp này, gồm Nghị quyết về tình hình nhân quyền tại Đông Ghouta, Syria, Nghị quyết kỷ niệm 100 năm ngày sinh Nelson Mandela, Nghị quyết về thúc đẩy hợp tác đôi bên cùng có lợi trong lĩnh vực nhân quyền và ba Nghị quyết liên quan đến thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì phát triển bền vững và việc thúc đẩy, bảo vệ nhân quyền.
Trong số 41 nghị quyết của Hội đồng tại Khoá họp, 26 nghị quyết được thông qua bằng đồng thuận, gồm Nghị quyết về quyền riêng tư trong kỷ nguyên số, Nghị quyết về vai trò của quản trị tốt trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, quyền của người thuộc nhóm nước, dân tộc, tôn giáo hay ngôn ngữ thiểu số, Nghị quyết kỷ niệm 100 năm ngày sinh Nelson Mandela, Nghị quyết về quyền văn hoá và bảo vệ các di sản văn hoá, Nghị quyết về bảo vệ quyền trẻ em trong các tình huống nhân đạo, Nghị quyết về bình đẳng và không phân biệt đối xử với người khuyết tật, Nghị quyết về hỗ trợ kỹ thuật và xây dựng năng lực nhằm cải thiện nhân quyền tại Lybia…
Bên cạnh đó, Hội đồng nhân quyền đã phải xem xét, thông qua bằng bỏ phiếu 15 nghị quyết, trong đó nổi bật là Nghị quyết về tình hình nhân quyền tại Đông Ghouta, Syria, Nghị quyết về tình hình nhân quyền tại Myanmar, Nghị quyết về đối phó với vấn đề ma tuý toàn cầu và khía cạnh nhân quyền, Nghị quyết về quyền tự quyết của người Palestine, Nghị quyết về nhân quyền và các biện pháp cưỡng chế đơn phương, Nghị quyết về tình hình nhân quyền tại Iran…
Việc thông qua bằng bỏ phiếu đối với nhiều nghị quyết phản ánh khác biệt về quan điểm, lợi ích của các nước, nhóm nước trên nhiều vấn đề liên quan đến nhân quyền.
Tham dự Khoá họp, Đoàn Việt Nam tích cực đóng góp xây dựng nội dung nhiều dự thảo nghị quyết, tham gia đồng bảo trợ 6 nghị quyết, trong đó có các nghị quyết liên quan đến bảo vệ nhóm xã hội yếu thế, việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững… Đại sứ Dương Chí Dũng phát biểu tại phiên thảo luận cấp cao về định hướng nhân quyền dưới ánh sáng của Tuyên ngôn nhân quyền, phiên đối thoại với báo cáo viên đặc biệt về quyền lương thực, phiên thảo luận về tình hình nhân quyền Myanmar, về quyền của người khuyết tật…
Thay mặt ASEAN phát biểu quan điểm chung tại phiên thảo luận về Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát, Đại sứ khẳng định đây là cơ chế quan trọng giúp thúc đẩy đối thoại và hợp tác quốc tế về nhân quyền, nhấn mạnh các nguyên tắc khách quan, minh bạch, không lựa chọn, xây dựng, không đối đầu và không chính trị hoá trong cả quá trình; khẳng định ASEAN luôn sẵn sàng hợp tác vì thành công của Cơ chế. Phát biểu của Đại sứ tại phiên thông qua báo cáo rà soát định kỳ phổ quát của Thuỵ Sỹ được các đoàn hoan nghênh, đánh giá cao.
Bên lề Khóa họp, Việt Nam cùng với Ấn Độ, Nhật Bản, Pháp, Phillipines, Bangladesh, Maldives và Tổ chức Viễn thông quốc tế (ITU) đã tổ chức Tọa đàm quốc tế về "Vai trò của công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT&TT) trong việc thúc đẩy các quyền kinh tế, văn hoá, xã hội và giảm bất bình đẳng".
Sự kiện diễn ra thành công, thu hút đông đảo đại diện từ các nước, tổ chức quốc tế và tổ chức phi chính phủ, được các nước đồng bảo trợ và các đại biểu tham dự đánh giá cao.
Sự tham gia của Việt Nam một lần nữa thể hiện thái độ tích cực và có trách nhiệm đối với công việc chung của Hội đồng nhân quyền Liên Hợp Quốc trên tinh thần đối thoại và hợp tác, góp phần đảm bảo hoạt động của Hội đồng nhân quyền Liên Hợp Quốc phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế.