THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:26

Ngôi nhà hy vọng của trẻ em tật nguyền

Lớp học tình thương

Dưới cái nắng hanh hao của những ngày đầu tháng tư, chúng tôi đến lớp học của các em khuyết tật nhà Hy Vọng. Vừa bước vào khuôn viên trường đã nghe văng vẳng bên tai tiếng đàn êm ái, dịu nhẹ, tiếng hát trong trẻo, thiết tha, sâu lắng từ lớp học tầng hai vọng lại. Nhìn những ánh mắt lấp lánh, nụ cười thân thương hiện hữu trên khuôn mặt các em, trong lòng không khỏi bồi hồi xúc động, cảm nhận được sự gần gũi, thân thiện ở lớp học tình thương này.

 Ở đây mỗi em có mỗi hoàn cảnh không giống nhau, nhưng điều có chung một nỗi đau là mang trên mình những khiếm khuyết trên cơ thể. Nhưng không vì thế mà các em từ bỏ, thôi mơ về khát vọng sống. Lớp học được dạy dỗ ở nhiều lứa tuổi với nhiều dạng khuyết tật khác nhau. Từ các em bị bệnh đao (Down), thiểu năng trí tuệ, câm, khiếm thị, khiếm thính đến tự kỷ...

Vừa hết giờ giải lao, nghe cô giáo thông báo “Các con vào lớp học!”, tất cả đã vào lớp ngồi ngay ngắn dở sách vở ra đọc, nhưng cũng có em ngôi loay hoay chọc phá.

Ngôi nhà hy vọng của trẻ em tật nguyềnTrung tâm Bảo trợ tỉnh Khánh Hòa, nơi nuôi dưỡng, chăm sóc 72 trẻ mồ côi, khuyết tật.

Khác với các lớp học bình thường, lớp học dành cho trẻ khuyết tật các cô phải nỗ lực gấp bội, trong giờ học chưa có một phút ngưng nghỉ. Đang giảng bài Khoa học lớp 4, lại phải quay sang hướng dẫn các em lớp 1, có em thì “quậy” lên không chịu học khi đó cô lại ân cần chỉ bảo.

Cô giáo Hồ Thị Lệ Hoàng chia sẻ: Lớp học nhiều độ tuổi, mỗi em một tính. Nên phải hiểu rõ đặc điểm của từng em, để dung hòa các em lại với nhau. Như em H khi mới được đưa vào trung tâm bị tự kỷ rất nặng, em chỉ lầm lì, không nói được.

Nhưng sau một thời gian, được cô giáo và các bảo mẫu chăm sóc, dạy bảo tận tình. Hiện nay H đã nói được, và dần hòa nhập với tất cả mọi người. Không chỉ riêng H mà nhiều em bị khiếm thính và tự kỷ vẫn còn mặc cảm với số phận vẫn chưa hoàn toàn cởi mở. Các cô và bảo mẫu vẫn hay trò chuyện, chia sẻ, an ủi để các em sớm hòa nhập, mở lòng với mọi người.

Từ khi mới chào đời các em đã mang trên mình những mất mát, chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống. Nhưng đến với ngôi nhà chung Hy Vọng được sự ân cần dìu dắt của các thầy cô giáo, sự chăm sóc của các dì, các mẹ đã phần nào vơi đi những bất hạnh đó. Cô Bùi Thị Thủy người đã giảng dạy lâu năm trong ngôi trường này chia sẻ “Các em điều có hoàn cảnh đáng thương, phải chịu những thiệt thòi.

Khi không có nhiều cơ hội để thể hiện mình trong các hoạt động xã hội, như bao đứa trẻ lành lặn khác. Ngoài ra các em còn thiếu thốn sự đùm bọc của gia đình, tình thương yêu của cha mẹ. Vì thế các cô trong trung tâm vẫn luôn hết mình dạy dỗ, yêu thương các em.

Để phần nào hàn gắn vết thương của số phận, vơi đi nỗi đau mà những trái tim bé bỏng đang gánh chịu”. Với các cô, đến với lớp học dành cho trẻ khuyết tật là cả một tấm lòng yêu thương con trẻ, tâm huyết với nghề, mới có thể dìu dắt mong các em sớm có thể hòa nhập được với cộng đồng, xã hội.

Ngôi nhà hy vọng của trẻ em tật nguyềnGiờ học trong ngôi nhà Hy vọng.

Nơi thắp sáng ước mơ

Vừa đứng trước lớp, tôi đã nghe các cô trong trung tâm bảo trợ xã hôi nói “Bé Huyền hát hay lắm!. Còn bé Sơn thì đàn giỏi”. Mới bước chân vào trường tôi đã có dịp nghe Huyền hát, giọng hát cao vút, trong trẻo của một cậu bé 7 tuổi bị khiếm thính. Dáng người nhỏ thỏ vẫn còn e dè khi tiếp xúc với người lạ. Khi được hỏi về ước mơ sau này. Cậu bé có phần rụt rè nói, “Cháu thích hát lắm!. Sau này cháu muốn làm ca sĩ, được đứng trên sân khấu biểu diễn”.

Cũng như Huyền em Đặng Hữu Sơn từ khi sinh ra chưa một lần được nhìn thấy ánh sáng mặt trời. Nhưng với tình yêu, lòng đam mê ca hát cậu đã tập tành mày mò chơi các loại nhạc cụ. Từ những bỡ ngỡ, khó khăn ban đầu của một cậu bé bị khiếm thị, được sự hướng dẫn tận tình của thầy giáo dạy nhạc. Bây giờ Sơn đã chơi thành thạo ghi nhớ tất cả những nốt trên phím đàn organ. “Em muốn mình chơi đàn thật giỏi. Để sau này được làm một nghệ sĩ đàn, được đứng trên các sân khấu biểu diễn góp vui cho mọi người”, Sơn tâm sự.

Hay em Nguyễn Thanh Hoài Đức bị khiếm thính vẽ rất đẹp, em cũng ước mơ sau này mình trở thành một họa sĩ tài ba, chu du khắp nơi, vẽ lên những bức tranh thanh bình của quê hương Việt Nam. Ngôi nhà chung Hy Vọng không chỉ nơi nuôi dưỡng mà còn là nơi thắp lên niềm tin cho các em khuyết tật. Ở đây các em được phát huy khả năng của mình, đàn hát, vẽ tranh, biết viết, biết đọc...và tự mình làm chủ bản thân, không phụ thuộc vào các sinh hoạt cá nhân dù mang trên mình những khiếm khuyết.

Bà Võ Thị Thu Hằng (phó giám đốc trung tâm) cho biết: Hiện nay trung tâm đang nuôi dưỡng, dạy dỗ cho 72 cháu mồ côi và khuyết tật. Trong đó có 2 lớp dành cho trẻ khuyết tật với số lượng khoảng 30 em. Các em điều là học sinh khuyết tật nặng và gia đình thuộc hộ nghèo. Hàng ngày từ thứ hai đến thứ sáu các em được học văn hóa và tham gia các buổi sinh hoạt…Cuối tuần, nhiều em được gia đình đón về.

Ngoài việc học tập, trung tâm còn tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí nhằm khuyết khích, phát huy năng khiếu, kỹ năng sống, giúp trẻ  hòa nhập với cộng đồng như các chương trình: hội trại hè, liên hoan văn nghệ cho trẻ khuyết tật, các chương trình thiếu nhi…

Trong thời gian tới sẽ tiếp tục triển khai các chương trình hướng nghiệp, dạy nghề tạo việc làm. Đồng thời các cô giáo, sẽ lên kế hoạch giảng dạy các kỹ năng cơ bản về may vá, thủ công mỹ nghệ để trẻ sớm được tiếp thu, học hỏi những kinh nghiệm, để có thể tự phục vụ bản thân.

Rời khỏi trường trong lòng chúng tôi gợn lên một nỗi buồn hoang hoải khó tả. Mong rằng với niềm đam mê, ước mơ cháy bỏng được làm ca sĩ, nghệ sĩ đàn, họa sĩ… của các em trong ngôi nhà Hy Vọng sẽ thành hiện thật. Khi chính các em tự mình vật dậy những nỗi đau, giữ vững ngọn lữa niềm tin để thắp sáng ước mơ, vượt lên số phận và sớm hòa nhập với cộng đồng trở thành người có ích cho xã hội.

Bích Phượng

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh