CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:12

Nghỉ lễ ngày 27/7: Cần thiết, có giá trị lịch sử tri ân anh hùng liệt sĩ bao đời

Đại biểu Lê Thanh Vân - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội (đoàn Cà Mau).

 

Ngày thương binh liệt sĩ 27/7: Nên hiểu rộng là vinh danh anh hùng liệt sĩ bao đời

Tại thảo luận tổ về các vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau của Bộ luật Lao động (sửa đổi), phát biểu của đại biểu Lê Thanh Vân - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội (đoàn Cà Mau) về việc lựa chọn ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7) là một ngày nghỉ lễ trong năm thực sự làm rung động và thuyết phục những đại biểu Quốc hội có mặt tại tổ.

Ông Vân nhấn mạnh sự ủng hộ quan điểm, chủ trương này của Chính phủ. “Nên có ngày nghỉ lễ này. Trong tờ trình, tôi thấy có một ý rất hay, đấy là gọi ngày này là Ngày Tri ân. Theo tôi, nên gọi là “Ngày Tri ân”, vì mấy lẽ sau đây:

Ngày Tri ân hàm nghĩa là “tưởng nhớ”, “nhớ ơn” với những người xả thân vì nước. Thứ nữa, khái niệm “thương binh, liệt sĩ” là phạm trù lịch sử, nên hiểu rộng ra, có giá trị không chỉ tưởng nhớ đến các anh hùng liệt sĩ trong thời đại chúng ta, mà còn tưởng nhớ đến các anh hùng liệt sĩ trong quá khứ như: Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung... - những cái tên chói ngời trong lịch sử, cũng như bao người con đất Việt đã ngã xuống bao đời.

Với sự thiêng liêng và ý nghĩa đó, ngày này mang tính bền vững và không còn trong giới hạn trong thời đại chúng ta nữa.

“Chúng ta không mong đất nước còn có chiến tranh, mong đất nước mãi mãi hòa bình. Khái niệm “thương binh, liệt sĩ” sẽ lùi xa dần theo lịch sử và trở nên có ý nghĩa bao trùm, dành để tưởng nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ của những cuộc chiến tranh vệ quốc xuyên suốt chiều dài lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc ta... Với sự tri ân này, sự kiện về chiến tranh chống Pháp, Mỹ, giữ vững biên cương... cũng sẽ trở thành một trong rất nhiều sự kiện lịch sử vẻ vang như đánh Tống, bình Chiêm... xa xưa”, vị đại biểu tỉnh Cà Mau phân tích về ý nghĩa sâu sắc của ngày 27/7 một cách thuyết phục.

Do đó, theo ông Vân, chọn ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7) trở thành ngày nghỉ lễ là rất có giá trị lịch sử, giá trị giáo dục - từ tiền lệ bằng pháp lý sẽ trở thành một sinh hoạt mang tính lịch sử, đạo đức xã hội - là hôm nay và mai sau, chúng ta đã ngược dòng lịch sử để ôn cố tri tân, giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn.

Ông nêu ví dụ, như ngày Tết Vu Lan, nguồn gốc là vị bồ tát có tên Mục Kiền Liên muốn giải nghiệp ác cho mẹ, được Phật tổ bày cách giải nghiệp cho mẹ ông bằng cách hộ phúc của 500 tăng ni. Sau này, ngày đó trở thành lễ Vu lan, ngày tưởng nhớ đến đấng sinh thành.

“Tôi nghĩ, nếu phương án chọn ngày 27/7 làm một ngày nghỉ lễ mà được thông qua, không chỉ tưởng nhớ, tri ân các anh hùng liệt sĩ trong suốt chiều dài 4.000 năm lịch sử mà trở thành truyền thống báo ân đối với bậc sinh thành của mình, với cha ông - quan trọng là giáo dục truyền thống”, ông nói.

Theo đó, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội ”hiến kế”: “Chính phủ nên có thuyết minh theo hướng này, tôi tin xã hội sẽ ủng hộ”.

 

Các đại biểu thảo luận tại tổ về Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi)

 

Các quốc gia đều chọn ngày anh hùng liệt sĩ làm ngày nghỉ lễ

Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Hữu Chính, Chánh án Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội (đoàn Hà Nội) rất đồng tình cho rằng, việc bổ sung ngày nghỉ 27/7 trở thành Ngày Tri ân là rất có ý nghĩa. “Đây là ngày để chúng ta tưởng niệm công lao đóng góp của những người có công với nước, những người đã hy sinh cho Tổ quốc, theo tôi có ý nghĩa không kém gì ngày giỗ Tổ nên tôi rất ủng hộ”, ông Chính nói.

Đại biểu Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội) đồng quan điểm, so với các nước trên thế giới, ngày nghỉ của ta là ít nên có thêm ngày nghỉ ngơi thực sự giúp tái tạo sức lao động. Vì vậy, có thêm một ngày nghỉ vào 27/7 thì ông rất ủng hộ.

Nhìn ra thế giới, việc lựa chọn những ngày nghỉ lễ đều có giá trị lịch sử gắn với dựng nước, giữ nước, chống giặc ngoại xâm, như Canada, Pháp chọn ngày 11/11 hàng năm để tưởng niệm tất cả những người hy sinh vì Tổ quốc, với phương châm "tưởng nhớ, đoàn kết và khoan dung".

Nước Mỹ chọn ngày thứ hai cuối cùng của tháng 5 là ngày tưởng niệm liệt sĩ.

Nga chọn ngày 9/5 là ngày nghỉ lễ mừng Chiến thắng phát xít Đức, trong lễ mừng có tưởng nhớ đến những người hy sinh.

Hàn Quốc, từ năm 1956, chọn ngày 6/6 là ngày tưởng niệm những người lính Hàn Quốc đã hy sinh; Indonesia chọn ngày 10/11 là Ngày Anh hùng…

Do đó, đối với Việt Nam, việc chọn ngày 27/7 vừa phù hợp với truyền thống văn hóa và  đạo lý dân tộc, đồng thời phù hợp nguyện vọng của nhân dân. Như quan điểm của nhiều người và đặc biệt như đại biểu Lê Thanh Vân nêu, ngày 27/7 là dành tri ân các anh hùng liệt sĩ trong suốt chiều dài mấy nghìn năm dựng và giữ nước của dân tộc.

Không xới lên những niềm đau mà những người đã ngã xuống, hi sinh tuổi xanh cho Tổ quốc quyết sinh, bao đời họ đã để mảnh đất này mãi mãi nở hoa. Hà cớ gì, không chọn ngày Thương binh - Liệt sĩ làm Ngày Tri ân, để mãi đến mai sau luôn hiểu và trân quý những giá trị truyền thống cha ông, “nước chúng ta, nước những người chưa bao giờ khuất”; để thêm một lần nữa, mỗi năm, các anh hùng liệt sĩ bao đời, một lần nữa được tôn vinh...  

Mới đây, trong cuộc điều tra của tờ báo điện tử hàng đầu Việt Nam là tờ Vnexpress, lấy ý kiến rộng rãi dư luận về việc nên hay không nên chọn ngày 27/7 làm ngày nghỉ lễ trong năm, thật bất ngờ, có đến 11.000 trong tổng số 14.000 người ủng hộ chủ trương của Chính phủ lấy ngày Thương binh - Liệt sĩ làm 1 ngày nghỉ lễ. Do đó, các đại biểu quốc hội cho rằng, chúng ta phải đo được tâm lý xã hội, đa phần người dân rất đồng thuận về lựa chọn ngày này là 1 ngày nghỉ lễ trong năm.

Thành Công

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh