THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:25

Nghệ thuật chèo: Gian nan tìm đường đổi mới

Bài học từ quá khứ

Thời những năm 1960, 1970, sân khấu chèo cực kỳ ăn khách, phải khó khăn lắm mới có thể chen chân vào mua vé, nhưng đến những năm 1980 môn nghệ thuật này bị lấn át bởi nghệ thuật cải lương và trở nên lao đao. Những buổi diễn vắng khách triền miên khiến cho không ít nghệ sĩ trăn trở, khát khao tìm một lối đi mới cho nghệ thuật chèo.

Vở chèo “Nàng Sita”.

Đạo diễn Doãn Hoàng Giang là một trong những người tiên phong thổi làn gió mới vào sân khấu chèo truyền thống. Ngày đó, trên sàn diễn của Nhà hát Chèo Hà Nội, đạo diễn họ Doãn liên tiếp dựng những vở diễn theo phong cách mới như “Nàng Sita”, “Ngọc Hân công chúa”, “Biển khổ”…Đã có không ít ý kiến phản đối cách làm mới sân khấu chèo của ông vì đã phá vỡ chất chèo đặc trưng, đặc biệt là tiểu xảo hát nhép mà Doãn Hoàng Giang là người đầu tiên đưa vào sân khấu kịch hát dân tộc. Nhưng cách lý giải của những người làm nghề khi ấy thật dễ hiểu: Một gương mặt đẹp dễ thu hút người xem hơn. Chính vì thế, dù không biết hát nhưng với vẻ đẹp trời phú Lâm Bằng vẫn trở thành một “ngôi sao” dưới bàn tay của thầy “phù thủy” Doãn Hoàng Giang.  Lâm Bằng cùng với Quốc Chiêm đã  trở thành cặp diễn viên sáng giá của sân khấu chèo và thu hút khá đông khán giả. Dù cách thức này không tồn tại được lâu, khi mà khán giả đã bắt đầu thấy nhàm khi các vở diễn cứ na ná nhau về phong cách và diễn viên Lâm Bằng mà họ ngưỡng mộ thực ra là… hát nhép. Song đạo diễn Doãn Hoàng Giang vẫn được coi là “người hùng” khi đã vực dậy một nhà hát đang trong cảnh buồn thảm.

Theo nhà viết kịch Trần Đình Ngôn thì thời gian này có đến 70% các nhà hát trên cả nước bước vào cuộc cách tân, đổi mới nghệ thuật chèo để chiều theo thị hiếu của khán giả. Các loại chèo lai tạp được một số nghệ sĩ tận dụng triệt để nhằm lôi kéo những đối tượng người dân có điều kiện bỏ tiền mua vé. Chèo thực sự không còn đất sống tại các thành phố mà chỉ lay lắt tại các vùng quê để phục vụ khán giả lớn tuổi. Chính vì thế, tay nghề của các diễn viên, đạo diễn cũng... “cùn” dần, nhiều diễn viên quên mất cách hát và diễn chèo chính thống. “Sự cách tân giúp các nghệ sĩ kiếm ăn trong khoảng 10 năm thì lại giết chết một thế hệ làm nghề” - ông Ngôn nói.

Vở chèo “Đường trường duyên phận”.

Khó đổi mới khi còn quá yếu

Trong điều kiện hiện nay, để hút khách nghệ thuật truyền thống không thể không làm mới chính mình. Nhưng muốn cách tân bằng cách nào thì cũng phải chắc cái gốc mà cái gốc, của chèo đã lung lay ghê gớm sau lần đổi mới trước đó. “Nhiều đoàn mời tôi dựng vở. Làm việc với họ tôi mới thấy nhiều diễn viên gần như không nắm được những kỹ thuật cơ bản của chèo truyền thống. Vì thế, dựng một vở cho ra đúng chất chèo đã khó, nói gì việc nâng cao hay đổi mới nữa”, đạo diễn Bùi Đắc Sừ, nguyên giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam cho biết. Sau quá nhiều năm sử dụng loại chèo “lai tạp”, nhân tài của nghề mất đi, người còn hoạt động thì rất khó để quay lại với chèo truyền thống. Đó là lỗi của việc đổi mới mà không giữ cái gốc. Cũng chính vì thế mà sự đổi mới của chèo ngày hôm nay rất  khó tạo được “làn sóng mới” trong đời sống sân khấu.

Cách đây mấy năm, đạo diễn Doãn Hoàng Giang khá bạo tay khi đưa những màn múa nóng bỏng ở chốn phòng the cùng giàn âm thanh ánh sáng hiện đại trong vở diễn có kinh phí lên đến hàng tỷ đồng mang tên “Oan khuất một thời”. Nhưng khi trình diễn, người trong nghề phát hiện, tác phẩm đã mắc những lỗi cơ bản về lịch sử khiến nó chẳng thể tiến xa hơn. 

Nhiều vở tìm kiếm hơi thở hiện đại vào cho vở diễn bằng cách khai thác những vấn đề xã hội với tiết tấu nhanh, gọn. Tuy nhiên, cái mới không nằm ở đề tài hiện đại hay cổ xưa mà ở phong cách. Vì từ lâu sân khấu chèo đã dựng đề tài xã hội, và câu chuyện xưa cũ vẫn có thể tạo sức nóng với đời sống đương đại. Mỗi đạo diễn có cách nhìn khác nhau trong việc tạo cho vở diễn hơi thở mới phù hợp với đời sống hiện đại và phải được kế thừa trên nguyên lý truyền thống. Vì thế, nếu truyền thống kém thì đương nhiên sự đổi mới cũng hỏng.

Theo nhiều nghệ sĩ tên tuổi, trong điều kiện hiện nay giữ được sân khấu chèo đã là mừng, chứ vực dậy thì rất khó, bởi nội lực của những người làm nghề đang rất yếu.  

KIM NGỌC/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh