THỨ BẨY, NGÀY 09 THÁNG 11 NĂM 2024 11:39

Nghệ thuật cải lương đang cần gì?

Sự xuống cấp đáng báo động

NSƯT Lê Chức nguyên giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam quan tâm đến hai chữ “theo” và “sánh”: “Theo” được người và thế cuộc, “sánh” được với cái bên ngoài cần vươn tới. NSƯT Lê Chức cũng nhấn mạnh tính chất của môn nghệ thuật này: “Cải lương là loại hình sân khấu được trau dồi để đi tìm sự tươi tắn trong cách tân không ngừng nghỉ nhằm đáp ứng tức thì cho một nhu cầu nào đó mới nảy sinh trong đời sống xã hội, kinh tế hay tâm lý của con người đương đại”. Nếu đúng là như thế thì cải lương phải luôn sát cánh cùng cuộc sống nhiều biến động, phải tiến bộ không ngừng để theo kịp nhu cầu của con người hiện đại. Thế nhưng, mấy chục năm qua, nghệ thuật cải lương đã chứng tỏ những điều ngược lại với tên gọi của mình: Không cải cách, không tiến bộ cũng chẳng thể theo kịp với văn minh. Nếu so với thời kỳ hoàng kim cách đây không lâu, thì cải lương đã nhanh chóng thụt lùi và để lại một lỗ hổng lớn, đến nỗi người ta tự hỏi: Cải lương còn sống hay đã chết?

Một thực thể là bản thân không còn sinh lực thì mọi sự tiếp sức từ bên ngoài chỉ có thể giúp nó cầm cự qua ngày đoạn tháng. Cải lương của chúng ta phải chẳng đang trong tình trạng đó? Cầm cự, thoi thóp, tồn tại một cách vật vờ? Nghệ sĩ cải lương thì tứ tán mỗi người một ngả, sinh nhai bằng nhiều cách khác nhau, nghệ sĩ nổi tiếng có khi cả năm không tham gia vở nào.

Theo NSƯT Trần Minh Ngọc thì cải lương hiện tại đã ít nhiều bị “kịch hoá” bởi những đạo diễn kịch nói sang làm cải lương. “ Đáng lẽ, phải giữ gìn và phát triển những đặc trưng đã ổn định, đã thành tinh hoa của sân khấu cải lương thì chúng ta lại xoá bỏ để thay thế bang thứ ngôn ngữ khác lạ”- đạo diễn họ Trần nhận xét về hệ quả của việc lạm dụng quá nhiều những yếu tố của kịch nói vốn xuất phát từ phương Tây cho môn nghệ thuật dân tộc.

Một cảnh trong vở: “Cội nguồn”, do Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang dàn dựng.

Ông cũng cho rằng, nhiều đặc điểm của sân khấu cải lương đã bị thay đổi, ví như trước đây vai trò chính là soạn giả, nay thay là đạo diễn rồi diễn viên. Vì thế, chúng ta thiếu kịch bản cải lương hay, các tác giả thường chỉ chăm chút cho cấu trúc, mâu thuẫn nội dung mà ít để ý đến giai điệu, sự trữ tình của âm nhạc.

Bên cạnh đó là kỹ thuật biểu diễn cũ, không có gì khác so với thời hoàng kim, cảnh trí trên sân khấu vẫn là ước lệ, đôi khi không ăn nhập gì với nội dung, phục trang, hóa trang sặc sỡ không theo tính chân thực, chất liệu vẫn chỉ là những gì bóng bẩy. Đặc biệt, ca diễn của các diễn viên thiếu hẳn cá tính, thiếu cái độc đáo, luyến láy chỉ có ở nghệ sĩ này mà không có ở nghệ sĩ khác, nhiều nghệ sĩ trẻ mới nổi đã tự kiêu, thiếu sự hợp tác, không thích hát chung, thậm chí  không thuộc tuồng, ỷ vào máy nhắc thành ra hát nhép thì khó lấy lòng khán giả.

Hiện nay phong cách của các nghệ sĩ cải lương hầu như giống hệt nhau, vì thế mất hẳn đi tính hấp dẫn riêng của mỗi nghệ sĩ khi cất lên lời ca. Khán giả đến với cải lương là muốn thưởng thức làn điệu cải lương do một nghệ sĩ nào đó mà họ yêu mến trình diễn, chứ không hẳn là xem nội dung tuồng tích vì có thể tuồng tích ấy họ đã thuộc lòng.  Bây giờ, mỗi khi mở  tivi, nếu không nghe giới thiệu thì không biết là ai đang chơi đàn, ai đang hát. Và đa số các giọng ca bây giờ đều kém hẳn các nghệ sĩ đi trước, vì thế mà mất khán giả.

Giải pháp nào?

Sở dĩ cải lương rơi vào hiện trạng bi đát thế này là do các đơn vị chuyên nghiệp và nghiệp dư hoạt động chưa đúng với nghĩa cốt tử của hai chữ cải lương. Nhiều đơn vị vá víu vội vã, hổ lốn các tiết mục. Những đơn vị chuyên nghiệp thì tự nghiệp dư hoá chính mình trong việc chuẩn bị cảnh trí, phục trang khiến khán giả không thể đoán định được thời điểm lịch sử được đề cập trong vở diễn. Không ít đơn vị tận dụng trang trí, phục trang của vở diễn cũ cho tác phẩm mới. Thậm chí, những vở diễn có nội dung khác nhau ở những thời điểm lịch sử khác nhau lại có cảnh trí phục trang, lời thoại, ca từ tương tự nhau, diễn viên cũng na ná nhau.

Xưa nay, cải lương vẫn được nhà nước đầu tư với số tiền tuy không nhiều nhưng cũng không thể nói là ít. Thế nhưng, cần đầu tư thế nào cho hiệu quả thì hầu như chẳng ai nói đến. Thực tế là đa số những người có năng khiếu ca cải lương hiện nay thì trình độ học vấn kém, trái lại, thí sinh có trình độ cao thì lại không có năng khiếu, vì thế việc đào tạo thế hệ cải lương trẻ là rất khó. Nhưng nếu có tài năng, chúng ta lấy gì đảm bảo họ sẽ gắn bó mãi với cải lương? Vì thực tế đã có nhiều tài năng bỏ đi khi nghệ thuật này lao đao.

Thêm nữa, giáo án, tài liệu về nghệ thuật cải lương trong các trường rất nghèo nàn, thiếu những tác phẩm có tính chuyên sâu, khoa học nên các sinh viên sau khi ra trường vẫn bị hạn chế về kiến thức. Vì thế, việc cấp bách là cần phải mở thêm khóa đào tạo các tác giả cải lương trong các trường đại học, cao đẳng. Song, ai cũng biết một thực tế là các lớp đào tạo thuộc bộ môn kịch hát dân tộc tại các trường nghệ thuật hiện nay chủ yếu thiếu thí sinh thi tuyển. Có những khoa mấy năm liền không tuyển đủ chỉ tiêu. Các bạn trẻ, mấy ai chọn cho mình một con đường mà họ biết chắc là tương lai không có gì hứa hẹn?

Vậy cải lương đang cần gì cho việc phát huy, phát triển để bắt kịp thời đại mới? Hiện nay chưa có một thiết chế nghiên cứu thực nghiệm nào cả, chỉ mạnh ai nấy làm. Phải chăng vì thiếu mất sự tổng kết có tính chất nghiêm túc, khoa học cho lịch sử phát triển 100 năm của cải lương mà chúng ta chưa thể tìm ra những biện pháp hữu hiệu để tiếp tục phát huy nghệ thuật này trong thời đại kỹ thuật số?      

KIM NGỌC/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
4 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh