THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:10

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đàm Sơn:Người "săn ảnh" trên mọi miền đất nước

 

Tuy là người cùng xứ Lạng, nhưng mãi tới tháng 11/2013 tôi mới có cơ duyên gặp anh trong dịp cùng tham gia trại sáng tác văn học, nghệ thuật khu vực miền Trung và Tây Nguyên ở Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk). Là người cùng xứ gặp nhau nên cũng nhanh chóng thân thiện và có nhiều chuyện để bộc bạch những lúc cùng lai rai. Nói tới những gian nan vất vả của mình trong suốt hơn 30 năm cầm máy, anh dường như không hề cảm thấy nản lòng mà ngược lại rất hào hứng phấn chấn tiếp tục cuộc dấn thân. Nhiếp ảnh nghệ thuật đã trở thành niềm đam mê cuốn hút anh theo nó tới suốt đời, anh nói vậy. Anh dường như đã dốc hết tâm lực và cả tiền bạc cho niềm đam mê máu lửa của mình với nghề với nghiệp. Anh bảo: “Nghề khác tôi không biết, nhưng với nhiếp ảnh nghệ thuật ngoài sự chịu khó săn tìm cảnh, vật để chớp lấy cái khoảnh khắc đắc ý nhất, còn có yếu tố may rủi.” Tôi ngẫm có thể anh nói đúng, bởi chính anh là người may mắn và có duyên với tuyết rơi ở Mẫu Sơn vào năm 2003. Đó là năm đầu tiên xuất hiện băng tuyết ở đỉnh Mẫu Sơn. Những bông hoa tuyết trắng tinh đọng kết trên những cành cây tuyệt đẹp không khác gì ở châu Âu. Chụp được một tác phẩm đã định danh như băng tuyết ở Mẫu Sơn mà cho tới nay chưa có nhiếp ảnh gia nào vượt qua được, theo anh đó là khoảnh khắc may mắn trời cho.

 Tác phẩm "Tiếng sáo chú thương binh", một trong số nhiều tác phẩm từng đoạt huy chương tại các cuộc triển lãm ảnh nghệ thuật các tỉnh miền núi phía Bắc của nghệ sĩ nhiếp ảnh Đàm Sơn

 

Từ đó tới nay năm nào anh cũng có mặt ở Mẫu Sơn khi băng tuyết xuất hiện và anh vẫn là người có duyên, vẫn có những bức ảnh đẹp ấn tượng về băng tuyết Mẫu Sơn. Nhưng không thể có được bức ảnh thứ hai như anh đã chớp được trong cái khoảnh khắc rung động tràn đầy mỹ cảm như năm đầu tiên nữa. Có thể nói anh là người luôn năng động săn tìm những những cảnh vật, những góc độ của nhịp sống hàng ngày để chớp lấy trong khoảnh khắc mà anh cảm thấy rung cảm nhất, sống động nhất. Chính vì thế anh đã có được những tác phẩm tạo được ấn tượng vừa có tính thẩm mỹ cao về nghệ thuật, vừa có tính tư tưởng sâu sắc. Tác phẩm “Nhịp sống miền biên ải” là một ví dụ trong số ấy. Tác phẩm đặc tả tiền cảnh là núi đá Phai Vệ sừng sững như một pháo đài khổng lồ, phía dưới là sân vận động Đông Kinh đang diễn ra sự kiện thể thao sôi động tạo nên sức sống đang vươn lên thật mạnh mẽ và hoành tráng của thành phồ trẻ miền biên ải xứ Lạng. Với tác phẩm này anh đã nhận được Giải A, Giải thưởng Hoàng Văn Thụ của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Lạng Sơn. Năm 2010, hưởng ứng cuộc vận động sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lạng Sơn phát động, tác phẩm “Kết hoa dâng Bác” cùa anh đoạt Huy chương Bạc. Tại Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc vào các năm 2009,  2010, 2011 anh liên tiếp  nhận Huy chương Bạc với các tác phẩm: “Miền chiều”,  “ Kết hoa dâng Bác” và “Mẹ Kim”…Dù đã sắp bước sang tuổi 60, nhưng xem ra sức đi và sức tìm tòi sáng tạo của anh còn rất sung mãn. Những ngày ở thành phố Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk), anh cùng các đồng nghiệp đi dường như không bỏ sót một địa danh nổi tiếng nào của Tây Nguyên hùng vĩ, với niềm đam mê làm sao chớp được những khoảnh khắc tâm đắc nhất vào ống kính của mình.  

Lương Định/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh