Nghệ sĩ nhân dân Việt Anh: "Từ một diễn viên quần chúng, tôi đã phấn đấu không ngừng"
- Văn hóa - Giải trí
- 20:16 - 15/09/2019
Nghệ sĩ nhân dân Việt Anh
"Tôi phấn đấu không ngừng, làm nghề diễn viên không phải chỉ hướng đến danh hiệu mà phải biến đam mê của mình thành nỗ lực. Từ một diễn viên quần chúng chưa biết gì về sân khấu, tôi đã không bỏ qua sự học hỏi nào trên con đường làm nghề, đúc kết kinh nghiệm diễn xuất" - Nghệ sĩ nhân dân Việt Anh trải lòng về quá trình vào nghề.
"Khi còn là nhân viên Phòng Kế hoạch thuộc Lực lượng Thanh niên xung phong TP Hồ Chí Minh, tôi may mắn được cử đi học tại Nhà Văn hóa quần chúng TP, nay là Trung tâm Văn hóa TP Hồ Chí Minh. Thời đó, tôi mê âm nhạc lắm, có thể hát nghêu ngao cả ngày, bài hát nào tôi cũng thuộc, nhất là nhạc Trịnh Công Sơn. Thế nhưng, sau khi nghe thầy tôi - nghệ sĩ nhân dân Huỳnh Nga - nói chuyện về sân khấu, tôi đã yêu say đắm bộ môn này và rồi từng bước dấn thân" – Nghệ sĩ nhân dân Việt Anh kể.
Nghệ sĩ nhân dân Việt Anh
Nhìn lại quá trình phấn đấu, ghệ sĩ nhân dân Việt Anh đã đánh dấu tên tuổi của mình qua hàng trăm vai diễn các thể loại và hầu như đều xuất phát từ lối diễn xuất phóng khoáng, tự do không theo một khuôn mẫu nào. Năm 2001, ông được nhà nước phong tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú. Ngày 29/8 vừa qua, ông vinh dự đón nhận danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân.
"Niềm vinh dự này tôi tặng con gái mình đang du học tại Úc. Trước khi sang Úc, cháu đã nói với tôi: "Ba hãy cố gắng lấy được danh hiệu nghệ sĩ nhân dân nhé!". Tôi đã phấn đấu không ngừng, khi đón nhận danh hiệu, tôi đã gọi điện thoại báo tin cho con gái" - ông nhớ lại.
Nghệ sĩ nhân dân Việt Anh nhắn gửi thế hệ diễn viên trẻ: "Tôi muốn nói với các bạn diễn viên trẻ hôm nay, những bạn đã và đang được đào tạo từ trường lớp, hãy bám chặt tình yêu nghệ thuật của bản thân, để từ đó có niềm tin phấn đấu. Hãy làm nghề một cách tử tế, nghiêm túc. Một diễn viên ban đầu chỉ vào vai diễn quần chúng vẫn có thể chạm tay đến danh hiệu cao quý. Đó là sự công nhận của nhà nước đối với trọng trách, nghĩa vụ và trên hết là tinh thần phục vụ nhân dân của người nghệ sĩ công dân".
Nghệ sĩ nhân dân Việt Anh và Nghệ sĩ ưu tú Hoài Linh trong vở "Dạ cổ hoài lang"
Tâm sự về ngày giỗ Tổ sân khấu, nghệ sĩ nhân dân Việt Anh trăn trở: "Tôi đã đến thắp hương trên bàn thờ Tổ nghiệp tại Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ TP Hồ Chí Minh, chiếc nôi đã nuôi dưỡng tình yêu nghệ thuật trong tôi. Tham gia giảng dạy suốt 15 năm, tôi mang ơn Sân khấu nhỏ 5B. Nhưng năm nay, khi về cúng Tổ, nhìn thấy cơ sở vật chất xuống cấp, tôi buồn lắm. Từ rất lâu, khi còn là giám đốc nhà hát này, tôi đã kiến nghị Đảng bộ, chính quyền TP Hồ Chí Minh quan tâm, cứu lấy Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần, vì đây là chiếc nôi của sân khấu xã hội hóa ở TP Hồ Chí Minh, lan tỏa đến cả nước. Lúc đó, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh đã quyết định cấp kinh phí 6,5 tỉ đồng để cải tạo, trang bị lại nhà hát. Cần nhất là thang máy để khán giả có thể dễ dàng lên tầng 4 của nhà hát, nhưng rồi đến nay vẫn không có kinh phí sửa chữa. Khán giả mê kịch 5B vẫn phải leo bộ lên 4 tầng lầu để xem kịch".