CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 05:58

Nghệ sĩ nhân dân Minh Hằng – Thu Hà: Như con ong cần mẫn

Nghệ sĩ nhân dân Trần Hạnh: Hạnh phúc với những đạm bạc cuộc đời Nghệ sĩ nhân dân Trung Anh: Tình yêu còn lại Ba nghệ sĩ Công an vinh dự được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân

Trong đợt trao danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú lần thứ 9, 2019 vừa qua, cả hai nhan sắc yêu kiều của làng nghệ thuật đã tha thướt lên nhận danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân. Với họ, danh hiệu này là động lực thúc đẩy và là trách nhiệm để người nghệ sĩ càng trân trọng, nâng niu, gìn giữ nghề tổ.

Nghệ sĩ  nhân dân Minh Hằng bước tới gió thu sang

Hôm đón nhận danh hiệu Nghệ sĩ  nhân dân tại Nhà hát Lớn Hà Nội, nom chị rực rỡ như một bông hồng tươi thắm. Chị mặc một chiếc áo dài nhung đỏ, đầu quấn khăn càng thêm ấn tượng. Miệng cười, mắt cười. Xét duyệt giải thưởng Nghệ sĩ  ưu tú, Nghệ sĩ  nhân dân 3 năm mới có một lần. Vào mùa hè năm 2015, lúc đấy Minh Hằng cũng đã có đơn đề nghị Hội đồng xét duyệt Nghệ sĩ  nhân dân cho chị, nhưng tiếc thay, theo tiêu chuẩn chị bị thiếu một huy chương bạc. Vậy là lần ấy chị trượt.

Nghệ sĩ nhân dân Minh Hằng – Thu Hà: Như con ong cần mẫn - Ảnh 1.

Nghệ sĩ Minh Hằng hôm nhận danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân tại Nhà Hát Lớn Hà Nội.

Minh Hằng thổ lộ: “Kể cũng buồn vì theo nghiệp diễn 37 năm, cống hiến hết mình cho sự nghiệp sân khấu và điện ảnh, vậy mà chỉ vì thiếu mất một tấm huy chương bạc nên chưa được ghi nhận xứng đáng.” Chị bảo: “Có khi đến lúc về hưu tôi mới được nhận danh hiệu Nghệ sĩ  nhân dân” .

Và, quả thật đúng vậy. Năm 2016 chị cầm sổ hưu sau đêm diễn tưng bừng ở Nhà hát Lớn Hà Nội, chia tay với bạn bè, đồng nghiệp. Nhưng mà, thật ra, với chị tấm sổ hưu đó chẳng qua chỉ là thủ tục hành chính vì là một diễn viên thì làm gì có chuyện nghỉ hưu. Nhất đó lại là người chăm chỉ làm việc, như con ong cần mẫn chưa từng biết đến nghỉ ngơi. Chị bảo nếu hợp vai, Nhà hát sẽ gọi lên chị vẫn diễn như thường.

Là diễn viên khóa 1 của Nhà hát Tuổi Trẻ, cùng với các đồng nghiệp như Lê Khanh, Lan Hương, Chí Trung, Ngọc Huyền, Anh Tú ghi tên, định vị, đánh dấu mình vào bản đồ những nghệ sĩ “solist” của Nhà hát. Kể tên dàn diễn viên sáng giá của Nhà hát Tuổi Trẻ từ ngày mới thành lập cho đến giờ không thể thiếu Nghệ sĩ  nhân dân Minh Hằng. Tính cho đến ngày hôm nay, chị đã tròn 40 năm gắn bó với sự nghiệp sân khấu và điện ảnh, cả một gia tài các vai diễn.

Chị sinh năm 1961, tuổi Tân Sửu, mạng Thổ. Sách xưa có nói “Tân biến vi toan”, nhưng có lẽ chị được mùa sinh, vì nếu là trâu, thì chắc hẳn chị là con trâu vàng. Những người cầm tinh con trâu thường chăm lắm, từ tờ mờ sáng khi mọi người còn đang ngủ thì nó ra đồng để làm việc, cả ngày lội bùn, hì hục kẽo kẹt làm đến chiều tối mới về nhà. Việt Nam lại là nước nông nghiệp có nền văn minh lúa nước, hình ảnh con trâu mộc mạc, gần gũi với làng quê Việt Nam.

“Trâu ơi ta bảo trâu này, trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta,...” hay “làm hùng hục như trâu húc mả”. Trâu mà, chả mấy khi được nghỉ ngơi, sự chăm chỉ ăn vào máu huyết. Nói đến tuổi trâu, lại bất giác nhớ đến Nghệ sĩ  nhân dân Tự Long, giờ anh đã lên Phó Giám đốc Nhà hát chèo Quân đội, sinh năm 1973, cũng cầm tinh con trâu.

Nghệ sĩ Tự Long nhận danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân từ đợt trước cách đây 3 năm. Có lần anh từng thổ lộ: “Tuổi trâu nên anh phải làm rất nhiều...”. Minh Hằng cũng vậy, nếu ai biết chị đều nói chị rất chăm, chăm với mọi công việc. Nếu vị đạo diễn sân khấu hay điện ảnh nào đã giao kịch bản vào tay Minh Hằng thì thực là yên tâm, bởi một người chăm chỉ và cầu toàn, chị sẽ nghiền ngẫm kịch bản, tính toán đâu vào đó, đo ni đóng giầy cho nhân vật.

Hơi đặc biệt so với các diễn viên khác, nhiều người chỉ có thể chuyên về một dạng vai, hoặc bi, hoặc hài. Chị với lợi thế ngoại hình, lại có cái duyên hiếm nên “tự nhiên như nhiên”, nhẹ nhàng vào đa dạng các loại vai, từ chính kịch cho đến hài kịch. Ở chính kịch ta sẽ thấy ở đó nhân vật có chiều sâu của tâm hồn giông gió. Chị sẽ diễn cho ra những khoảng lặng, những nốt thăng, khiến khán giả bị cuốn vào cùng thổn thức với nhân vật.

Với hài kịch, Minh Hằng đặc biệt duyên, cái duyên dáng, dí dỏm mà cũng rất tinh tế. Nét duyên không thể thiếu với người làm nghề. Đúng là như định mệnh, chị sinh ra để theo nghiệp diễn không thể nào khác được.

Nhiều khi chị nhớ về những người bạn, những khuôn mặt thân quen đã đi cùng với mình bao năm trời từ cái ngày còn là cô bé, cậu bé bỡ ngỡ khi mới bước chân vào nhà hát. Giờ thì mỗi người một phương. Bạn bè thủa ấy phụ nữ đa phần đã về hưu cả, Minh Hằng cầm sổ hưu đầu tiên, sau rồi tới Lan Hương, đầu năm nay là Lê Khanh.

Thời gian thấm thoát trôi, mới ngày nào cùng là diễn viên trong đoàn kịch, còn tưng bừng đi diễn khắp các nơi. Đoàn kịch 1 thời ấy vui lắm, cả đoàn 20 con người thường xuyên đi diễn các tỉnh xa. Còn nhớ, một hôm tối trời, kéo phông màn sân khấu ra, ở hàng ghế khán giả chỉ có hai người.

Nghệ sĩ  nhân dân Anh Tú lúc này là trưởng đoàn quyết định, “hai khán giả thì cũng diễn” . Và đêm diễn ấy, suốt hai tiếng đồng hồ, các diễn viên của đoàn kịch 1 chẳng vì thế mà nản, vẫn hết lòng từ dầu đến cuối, vở diễn căng tràn cảm xúc. Có lẽ đấy là buổi diễn gây ấn tượng mạnh với cả diễn viên và khán giả.

Chị nhớ đến Tú (Nghệ sĩ  nhân dân Anh Tú). Tú có tài, không chỉ có khả năng thiên bẩm trong diễn xuất, mà công tác đạo diễn Tú cũng xuất sắc. Họ đã cùng nhau trên sân khấu suốt 30 năm, đóng với nhau rất ăn í không biết bao nhiêu vai. Vậy mà giờ Tú đã đi xa, xa lắm, Tú đến một nơi nào đó, không biết ở đó có ánh đèn sân khấu hay không?! Còn Hằng, chị không cho phép mình buông, còn sống là còn làm nghề. Còn hơi thở là còn giữ lửa. Lửa nghề vẫn bùng bùng trỗi dậy mỗi sớm mai thức dậy.

Có lẽ, cuộc sống không chỉ có những nốt nhạc vui mà còn có những nốt nhạc buồn. Ở tuổi của chị, danh lợi đã vang xa. Tiếng tăm nghề nghiệp, tiền bạc dồi dào. Chồng chị là một doanh nhân có tiếng, ông lấy Minh Hằng khi tuổi cũng đã cao. Còn chị, qua mấy lần giông bão, vẫn chưa tìm được bến đỗ, rồi như cơ duyên hay định mệnh, chị trở thành vợ của ông từ cái ngày cách đây đã 15 năm.

Tuy được chồng hết lòng yêu chiều, và con cái riêng của chồng cũng yêu quý kính trọng mẹ, nhưng từ trong sâu thẳm chị vẫn có nỗi buồn. Cả đời chị chưa một lần được làm mẹ, âu đó cũng là một điều thiệt thòi, có lẽ cũng chính vì lẽ đó, mà chị càng lăn xả vào làm nhiều hơn, say với nghiệp diễn hơn.

Ở tuổi này, không còn vẻ thanh tân gợi cảm như thủa còn thanh nữ, cũng không vẻ rừng rực, tràn trề sinh lực của người đàn bà tuổi hồi xuân, nhưng chị lại có nét đẹp đằm thắm, quyến rũ chết người của người phụ nữ đã đi qua bao chặng mưa gió của cuộc đời.

Nghệ sĩ  nhân dân Thu Hà lá ngọc cành vàng

Nghệ sĩ nhân dân Thu Hà mặc một chiếc dài trắng, điểm xuyết những bông hoa nhẹ rơi trên tấm vải voan tha thướt của chiếc áo dài. Chị vẫn vậy, lúc nào cũng nền nã, yêu kiều, kể cả giờ đây khi bước vào tuổi 50. Mà, đúng thật, chị là một nhan sắc hiếm có khó tìm của nền nghệ thuật nước nhà.

Nghệ sĩ nhân dân Minh Hằng – Thu Hà: Như con ong cần mẫn - Ảnh 2.

Nghệ sĩ Thu Hà trong vòng vây của báo giới hôm nhận danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân.

Ngay từ những năm cuối thập niên 80, và những năm đầu của thập niên 90 thế kỉ trước, thời ấy phim mì ăn liền lên ngôi, cả một dàn diễn viên ảnh lịch mỹ nữ miền Nam như Diễm Hương, Việt Trinh, Mộng Vân, Y Phụng xinh như mộng thì Thu Hà là nữ diễn viên miền Bắc duy nhất được đón nhận ở miền Nam.

Chị đóng phim nhựa, phim video. Sau khi đóng video cùng với diễn viên Trịnh Thịnh trong bộ phim “Lá ngọc cành vàng”, thì người ta cũng quên luôn cái tên Thu Hà, mà thay vào đó mọi người đều gọi chị là “lá ngọc cành vàng”.

Đúng là tên hợp với người, dáng vẻ mong manh như sương khói, mắt to tròn trong veo, mái tóc dầy và dài thả xuống bờ vai mảnh khảnh. Câu “chè Thái, gái Tuyên” quả không sai.

Đất vùng cao phủ đầy sương mù bảng lảng, với những đền chùa nằm cheo leo trên núi non trùng điệp, cả nguồn nước thanh sạch ấy đã tạo nên người con gái yêu kiều, xinh đẹp, nền nã. 13 tuổi Thu Hà đã tham gia kịch trong quân đội, chưa đầy 20 tuổi trở thành biên chế chính của Nhà hát kịch Hà Nội. Một nhà hát tiêu biểu của thủ đô với những vở kịch chất lượng cao, luôn gây được ấn tượng mạnh cho khán giả.

Cùng với những diễn viên gạo cội, Nghệ sĩ nhân dân Hoàng Cúc, Nghệ sĩ nhân dân Hoàng Dũng, Nghệ sĩ nhân dân Minh Hoà, Nghệ sĩ  ưu tú Minh Vượng, Nghệ sĩ nhân dân Trung Hiếu, Thu Hà là cái tên chiếm được đông đảo cảm tình của công chúng. Nhận danh hiệu Nghệ sĩ  nhân dân lần này, ở nhà hát còn có một gương mặt thân quen - nghệ sĩ Công Lý và một người rất đặc biệt nữa là bác Trần Hạnh đã ở tuổi 91.

Cách đây vừa tròn 3 năm, khi đấy là đợt xét duyệt Nghệ sỹ nhân dân,Nghệ sỹ ưu tú lần thứ 8, Nghệ sỹ nhân dân Hoàng Dũng đang làm Giám đốc Nhà hát kịch Hà Nội cho biết: Xét về tiêu chuẩn huy chương thì Hà thừa lên Nghệ sỹ nhân dân rồi, nhưng Hà không làm hồ sơ xét duyệt.

Có lẽ, chị không đành lòng khi bậc tiền bối trước mình cả cuộc đời đóng góp cho sự nghiệp nghệ thuật nước nhà cả trong lĩnh vực sân khấu và điện ảnh cho đến khi tuổi đã gần đất xa trời mà vẫn chưa được vinh danh xứng tầm, thì mình là bậc hậu bối cũng không nên đi trước để nhận giải.

Nhan sắc rực rỡ, tươi xinh là vậy, lại tài năng trong nghiệp diễn xuất nhưng chị là người rất kín đáo, khuôn phép, sống gần gũi giản dị. Không có những phát ngôn chấn động, tránh mọi tai tiếng có thể. Lần nào gặp các nhà báo, chị cũng chỉ muốn nói đến nghề và vai diễn, không muốn nhắc tới cuộc sống riêng tư. Với mọi người đời sống riêng của Thu Hà có nhiều ẩn số.

Nghệ sĩ nhân dân Minh Hằng – Thu Hà: Như con ong cần mẫn - Ảnh 3.

Nghệ sĩ Nhân dân Thu Hà, nhan sắc đã bỏ quên thời gian.

Thật ra, người đàn bà đẹp thì đa phần đường tình duyên đều trắc trở, trái ngang. Thu Hà cũng không ngoại lệ. Chị đã kinh qua dòng sông với những khúc quanh đôi khi tưởng chừng nghiệt ngã, những khúc gấp của số phận khó có thể quật ngã con người trông mong manh, nhạy cảm này. May sao, tất cả yếu tố tác động đó cũng không làm mất đi ở Thu Hà sự trẻ trung và trong trẻo.

Ngay kể cả bao lần có biến cố lớn của gia đình, chị vẫn vững vàng chèo chống. Điều thôi thúc trong chị, phải đứng vững và không bao giờ được đầu hàng số phận. Nghệ sĩ  nhân dân đạo diễn sân khấu Doãn Hoàng Giang kể: Vào lúc ông nhận kịch bản dựng cho Nhà hát kịch Hà Nội, vở diễn đấy có vai rất hợp với Hà, nhưng lúc đó Hà lại đang trải qua cú sốc trong gia đình, nhưng Hà đã dẹp chuyện buồn sang một bên để đảm nhận vai diễn.

Và, đúng là, người sinh ra để theo nghiệp diễn xuất, chị vẫn diễn thật tốt, như những ngày đó chưa từng có nỗi buồn. Còn điều kì lạ là, hình như thời gian bỏ quên người phụ nữ xinh đẹp này. Khi chị 40 tuổi, Nghệ sĩ  nhân dânDoãn Hoàng Giang vẫn mời Thu Hà vào vai chỉ 16, 17 tuổi, mà kì lạ, Hà đóng đạt lắm, cứ như vai diễn đấy là để cho mình vậy.

Khuôn mặt phúc hậu, dịu hiền, Hà thường được các đạo diễn chọn đóng chính kịch và hợp vai.

Chị kể tuy không sinh ra ở Hà Nội nhưng chị gắn bó với nơi này cả một quãng thời gian rất dài nên mảnh đất này đã quá đỗi thân thương. Chị thích đạp xe đạp lòng vòng trong buổi sáng mùa thu, ngắm những chiếc lá lay động, hồ nước trong xanh của Hồ Gươm nơi gần Nhà hát và nhà riêng của chị. Thu Hà có hai con trai với hai người chồng khác nhau. Con lớn năm nay đã 22 tuổi, và một cậu con 12 tuổi.

Người chồng hiện tại hơn chị 15 tuổi, ông là một doanh nhân. Vì Thu Hà rất kín tiếng, chị không muốn nhắc đến đời sống riêng tư, còn Nghệ sỹ nhân dân Thu Quế (diễn viên Nhà hát kịch Quân đội) người bạn thân của chị tiết lộ Hà rất được chồng yêu chiều, ông mua cho vợ hàng chục túi hàng hiệu, đồ dùng gì của Hà cũng rất xịn.

Còn Hà, chị chỉ muốn làm người phụ nữ nhỏ bé, nương nép, tựa vào vai chồng để vun vén cho tổ ấm nhỏ. Chị thổ lộ: “Gia đình vẫn luôn là ưu tiên số một”. Đấy mới thực sự là một người đàn bà đúng nghĩa.

Theo MỸ TRÂN/Anninhthegioi

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh