THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:25

Nghệ nhân Lâm Ngọc Vinh: Người đem bonsai Việt ra thế giới

 

Vốn là người có năng khiếu về hội họa, điêu khắc ông Lâm Ngọc Vinh rất mê thú chơi non bộ, bonsai, cây cảnh. Thời còn đang làm quản lý một trang mạng, khi áp lực công việc căng thẳng đầu óc, ông thường tìm đến nhà một số nghệ nhân chuyên về non bộ, bonsai để chiêm ngưỡng tác phẩm của họ, như là một cách thư giãn tìm lại sự cân bằng tĩnh lặng trong cuộc sống. Dần dà ông cảm thấy càng yêu thích, đam mê và quyết tâm dấn thân và nghề tạc đá non bộ và tạo thế, tạo dáng bonsai.

Nghệ nhân Lâm Ngọc Vinh bên tác phẩm non bộ được ông tỷ mẩn đục, đẽo tạo dáng một cách hết sức công phu

 

Ngoài học hỏi kinh nghiệm của những nghệ nhân nổi tiếng trong vùng, ông còn lên mạng tìm đọc tất cả những tư liệu về non bộ, bonsai trong nước và quốc tế. Với căn nhà có diện tích sân vườn khá rộng ở xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP.Hồ Chí Minh, những lúc rảnh rỗi ông thường tìm mua một số loại cây cảnh về để chăm sóc, uốn thế, tạo dáng, tỉa tót theo ý tưởng và thẩm mỹ của mình. Với đôi bàn tay khóe léo và đôi mắt tinh tường cùng cảm xúc thẩm mỹ của mình ông đã biến những cây cỏ bình thường, trở nên sinh động có hồn cốt,với những thế, những dáng kỳ thú ấn tượng.

 

 Non bộ của nghệ nhân Lân Ngọc Vinh là những tác phẩm nghệ thuật sinh động được giới chơi non bộ trong và ngoài nước yêu thích  

 

 Cũng như tất cả các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật trưng bày bonsai thường không tuân theo phong cách truyền thống, hay sự chỉ dẫn cụ thể nào. Nhưng nó vẫn có những quy tắc riêng cho việc tạo ra những cây bonsai đẹp. Những quy tắc này hầu hết đều bắt nguồn từ Nhật Bản cách nay vài thế kỷ. Ông Lâm Ngọc Vinh đã tìm đọc và học theo những quy tắc cơ bản này mà tạo dáng, thế cho bonsai của mình. Nhờ đó ông đã thành công và trở thành một trong những nghệ nhân có nhiều sản phẩm bonsai đẹp, ấn tượng, độc đáo được giới sành điệu về nghệ thuật bonsai tâm phục.

Thành công trong việc đưa bon sai vào non bộ đã tạo cho mỗi tác phẩm nghệ thuật non bộ của ông trở nên sinh động hơn, kỳ thú hơn  


 Từ thành công trong nghệ thuật bonsai, ông quyết tâm theo đuổi ý tưởng đưa bonsai vào non bộ để tạo ra một tổng thể của hòn non bộ, dù to hay nhỏ cũng trở nên sinh động có non xanh, nước biếc, có chim chóc, hươu, nai và có tiều phu gánh củi, lão ngư câu cá rất sơn thủy hữu tình.. .Đó chính là những điểm nhấn tạo nên cái đẹp, sự độc đáo đầy quyến rũ của nghệ thuật bonsai và non bộ của nghệ nhân Lâm Ngọc Vinh hiện nay. Tuy nhiên theo kinh nghiệm của ông, việc đưa bonsai vào non bộ cũng thật tỷ mỷ và công phu trong chăm sóc, vì cây thường hay bị khô héo và chết trong một thời gian ngắn. Sau nhiều lần thử nghiệm và thất bại, cuối cùng ông cũng đã tìm ra được một cách thích hợp để đưa đất vào giá thể non bộ giúp cho cây phát triển tốt và tuổi thọ tăng từ 8 – 10 năm mới phải thay đất mới.

Những tác phẩm bon sai của nghệ nhân Lâm Ngọc Vinh luôn được tỉa tót, uốn, tạo dáng thật công phu, mang tính triết lý sâu sắc 

 

Đó là cách khoét đá non bộ để tạo ra những hốc trống đưa một lượng đất vào vừa giúp cho cây sống tươi tốt, vừa làm cho non bộ thêm sinh động như thật trong tự nhiên. Công đoạn khoét đá rất quan trọng cần sự tỷ mẩn, công phu đảm bảo yếu tố mỹ thuật mới tạo ra được nét đẹp, dáng đẹp, thế đẹp và độc đáo của non bộ. Ông cho rằng, một tác phẩm non bộ được cho là đẹp phải đạt tới hai yếu tố, đó là phải toát lên được hồn cốt và thể hiện được sức sống của thiên nhiên cây, cỏ, hoa, lá.

         Nghệ nhân Lâm Ngọc Vinh luôn tìm tòi sáng tạo để tạo ra những tác phẩm bon sai với nhiều thế, đáng khác nhau với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau

 

Là một nghệ nhân lấy nghề làm non bộ và trồng bonsai để kinh doanh, nhưng ông không cho ra đời những sản phẩm giống nhau như một bản sao chép trùng lắp, mà tất cả đều là một tác phẩm nghệ thuật  tạo hình, tạo dáng, sắp đặt khác nhau, ý tưởng khác nhau, nhiều cung bậc cảm xúc thẩm mỹ khác nhau. Ông luôn là người tìm tòi, sáng tạo không ngừng trong từng tác phẩm non bộ và bonsai. Chính điều này tạo ra sự khách biệt giữa nghệ nhân “làm hàng’ và nghệ nhân “làm nghệ thuật” và vì thế non bộ, bonsai của ông trở nên một thương hiệu đắt khách trên thị trường trong và ngoài nước hiện nay.

Lương Định/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh