Nghệ nhân Lý Lết: Bậc thầy kiến trúc chùa Khmer
- Y học 360
- 13:20 - 16/10/2015
Nghe danh ông đã lâu, nhưng tôi mới thực sự được biết đến tài năng cũng như tâm huyết của ông đối với nghệ thuật kiến trúc truyền thống Khmer, qua việc thực hiện trùng tu nguyên trạng ngôi chùa Dơi (Wathsêrâytecho Mahhatup) sau vụ hỏa hoạn năm 2007. Chùa Dơi là một ngôi chùa cổ nổi tiếng, được công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, với kiến trúc đặc trưng độc đáo truyền thống Khmer Nam bộ. Năm 2007, vụ hỏa hoạn đã thiêu rụi ngôi chính điện, làm hư hại pho tượng Phật Thích Ca cổ bằng đá sa thạch. Là người có kinh nghiệm và am tường về nghệ thuật kiến trúc chùa Khmer truyền thống, nghệ nhân Lý Lết được nhà chùa tin tưởng giao trọng trách trùng tu ngôi chùa. Bằng tâm huyết, kinh nghiệm và kiến thức về kiến trúc, điêu khắc, hội họa truyền thống Khmer đã lĩnh hội được từ lúc còn nhỏ, ông đã cùng với các cộng sự của mình công phu trùng tu ngôi chính điện chùa Dơi một cách hoàn hảo tuyệt mỹ. Bước vào trong chính điện, ngoài pho tượng Phật Thích Ca cổ (được gắn kết lại như cũ), còn có 28 bức họa phẩm phục chế, sắp xếp lại theo một trình tự thật logic, kể về sự tích Đức Phật Thích Ca.
Ngôi chính điện chùa Dơi được nghệ nhân Lý Lết trùng tu sau hỏa hoạn.
Ông cho biết, để trùng tu được nguyên trạng chùa Dơi, ông đã mất ba năm vừa thực hiện, vừa lặn lội đến rất nhiều ngôi chùa Khmer để tìm hiểu, nghiên cứu tỷ mỷ các loại hoa văn, họa tiết mang nét đặc trưng của văn hóa, kiến trúc Khmer Nam bộ.
Năm 2008 ông thành lập doanh nghiệp tư nhân Gallery Lết, một doanh nghiệp đầu tiên ở Nam bộ và cả nước chuyên về xây dựng, trùng tu chùa Khmer. Theo ông, có được sự thành công như hôm nay, chính là nhờ sự may mắn được sinh ra trong một gia đình có cha là nghệ nhân nổi tiếng về kiến trúc chùa Khmer truyền thống. Cha ông chính là nghệ nhân Lý Nghét, với danh xưng là thợ Rương ở xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng), từng học nghề ở Campuchia, đã Thiết kế mỹ thuật và xây dựng hàng chục ngôi chùa, tháp ở hầu khắp các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ngay từ năm 7 tuổi Lý Lết đã được cha truyền dạy một cách bài bản về các loại mẫu hoa văn, phù điêu, họa phẩm và cách thức thực hành ứng dụng trong xây dựng chùa Khmer truyền thống. Chưa đầy 10 tuổi Lý Lết đã theo cha hành nghề và ngôi chùa đầu tiên là chùa Trà Tiêm ở quê hương Sóc Trăng.
Không chỉ may mắn được cha dìu dắt và truyền nghề, ông còn được học một cách chính quy về hội họa tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định (nay là trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM). Chính vì thế, trong những công trình kiến trúc chùa Khmer do ông thiết kế, xây dựng thường có sự kết hợp nhuần nhuyễn, giao thoa giữa kiến trúc, điêu khắc, hội họa truyền thống và hiện đại. Sự kết hợp này đã bổ sung cho nhau, làm cho những ngôi chùa vừa mang đậm nét bản sắc văn hóa Khmer truyền thống,vừa phảng phất những yếu tố hiện đại trong tổng thể kiến trúc.
Đối với người Khmer Nam bộ, ngôi chùa chính là linh hồn và tổng hợp của nền văn hóa, kiến trúc truyền thống. Người xây dựng chùa phải là người có tâm trung thực và phải tuân theo quy tắc truyền thống, bảo tồn và phát huy truyền thống. Đó là tuân thủ theo quy tắc tam hỏa, lấy kích thước vị trí trung tâm chính điện làm cơ sở để xác định quy mô của các bộ phận khác của một ngôi chùa. Đây chính là quy tắc cơ bản quan trọng nhất trong xây dựng chùa Khmer và là dấu hiệu để nhận biết sự khác biệt giữa chùa Khmer và chùa các dân tộc khác.
Tuy nhiên, theo dòng thời gian và sự phát triển của xã hội đương đại, người thiết kế, xây dựng chùa Khmer cũng phải có sự sáng tạo, kết hợp thật hài hòa, thật mỹ thuật giữa kiến trúc, điêu khắc, hội họa truyền thống với hiện đại để cho công trình đẹp hơn, sinh động hơn.
Là một nghệ nhân, một họa sĩ tài hoa và tâm huyết với kiến trúc chùa Khmer, nên ông luôn trăn trở làm sao vừa bảo tồn, gìn giữ được những tinh hoa kiến trúc truyền thống Khmer,vừa tiếp thu ứng dụng sáng tạo những thành tựu của kiến trúc hiện đại. Bởi, trong quá khứ, cũng như hiện tại và tương lai, đối với người Khmer, ngôi chùa vẫn luôn là nơi lưu giữ những giá trị về tâm linh, tín ngưỡng, sinh hoạt tôn giáo và đồng thời là trung tâm sinh hoạt văn hóa của cả cộng đồng.