Nghề dệt thổ cẩm của các dân tộc Tây Nguyên
- Văn hóa - Giải trí
- 04:13 - 27/08/2021
Không giống như một số dân tộc khác cùng chung sống trên Tây Nguyên như M'nông, Thái, Tày, Nùng... thì người Ê đê ở Đắk Lắk vẫn giữ được nghề dệt vải truyền thống và phát triển cho đến ngày nay.
Thổ cẩm người Ê đê từ ngày xưa cho nay vẫn được người đời biết đến như là một nét văn hóa cũng như nghệ thuật độc đáo của họ. Do đó, việc thể hiện sự sáng tạo cũng như nghệ thuật tạo hình tinh tế của người dân tộc Ê đê không giống với bất kì dân tộc nào, trang phục của người Ê đê thường có hai màu chủ đạo là đen và đỏ đó là sự tượng trưng cho màu của đất, của lửa,… biểu tượng của sự dũng cảm, sức mạnh vươn lên, khát vọng tình yêu của họ.
Hoa văn trên thổ cẩm cũng có ý nghĩa rất lớn, hoa văn trên thổ cẩm của người Êđê phản ánh thế giới tự nhiên của con người thường là những họa tiết gần gũi với cuộc sống như: Những con vật như bướm, rùa hay thằn lằn, chim muông, hoa lá, cây cối, đồ vật như cối giã gạo, dao, kiếm,…Cảnh sinh hoạt nghệ thuật, tôn giáo, tín ngưỡng như móc xích treo nhạc cụ, dây treo chiêng, cột nhà mồ…Tất cả đều gắn liền với ý nghĩa, niềm tin cuộc sống hài hòa với thiên nhiên, nương rẫy, núi rừng.
Với truyền thống của người K'ho ở tỉnh Lâm Đồng, phụ nữ phải lo cái mặc cho cả gia đình. Bởi vậy, các bé gái từ nhỏ đã được các bà, các mẹ dạy dệt vải, may trang phục nên đa số phụ nữ K'ho đều biết dệt vải và nghề dệt thổ cẩm. Khung dệt của người K'ho chỉ dùng cho một người làm, không đặt cố định. Bộ khung dệt làm bằng những thanh gỗ, tre, hay những ống lô ô, khi dệt mới được căng ra, còn khi không làm được thì xếp gọn lại.
Hoa văn dệt trên thổ cẩm của người K'ho khá đơn giản, chủ yếu là hình thoi, hình tam giác kết nối vào nhau thành những đường viền và tạo nên điểm nhấn cho tấm khăn đẹp, hình khối chắc và mang nét đặc trưng riêng. Gam màu chủ đạo trên sản phẩm thổ cẩm của người K'ho thường là màu đen, màu trắng, ngoài ra còn có màu xanh, màu đỏ trang trí cho hoa văn. Các sản phẩm thổ cẩm của người K'ho nổi tiếng bền đẹp.
Có thể nói, ngay từ khi còn nhỏ, các cô gái Tây Nguyên đều được các bà, các mẹ chỉ dạy cho cách dệt thổ cẩm của dân tộc mình. Trước đây, khi cuộc sống còn tự cung tự cấp, để có một tấm thổ cẩm đẹp là cả một quá trình lao động khá công phu như trồng bông, đay, kéo sợi, nhuộm màu và dệt. Khung dệt của các dân tộc Tây Nguyên khá giống nhau và đều được làm bằng tre nứa, gỗ có sẵn. Khung dệt có nhiều loại như khung chuyên cho dệt váy, dệt chăn, lại có loại chuyên dệt những tấm vải có kích thước nhỏ hơn như túi thổ cẩm, khăn địu, khố…
Cùng với nguyên liệu, việc nhuộm màu là khâu đặc biệt quan trọng trong toàn bộ kỹ thuật dệt truyền thống của đồng bào. Tùy theo từng loại trang phục mà đồng bào sử dụng thuốc nhuộm tương ứng, đa số đều từ những lá, vỏ cây, củ có sẵn trong tự nhiên để tạo ra màu nhuộm vô cùng độc đáo như màu vàng thì dùng củ nghệ; màu đỏ thì dùng vỏ của cây chút; màu xanh đậm thì dùng vỏ cây tràm…
Ngày nay, cuộc sống đã có nhiều đổi thay, nguyên liệu đều có sẵn trên thị trường và đồng bào có nhiều điều kiện để giữ nghề dệt thổ cẩm và luôn xem đó là niềm tự hào của dân tộc.
Đối với đồng bào Ba Na ở tỉnh Gia Lai, nghề dệt thổ cẩm đã có từ lâu đời và nổi tiếng với những trang trí hoa văn rất tinh tế. Không chỉ đẹp về hình thức trang trí, trong mỗi sản phẩm dệt truyền thống của người Ba Na còn ẩn chứa sắc thái văn hóa, tâm hồn phong phú. Các cô gái Ba Na đều được bà và mẹ chỉ cho cách dệt vải, dệt thổ cẩm từ lúc 12-13 tuổi, để khi đi lấy chồng phải tự dệt cho mình một bộ y phục thật đẹp để ra mắt mọi người. Để dệt bộ y phục này, các cô gái phải tốn rất nhiều công sức và tâm huyết và hầu như mọi phụ nữ Ba Na đều biết dệt thổ cẩm.
Người Ba Na thường sử dụng các màu như đen, đỏ, vàng để dệt thổ cẩm… Mỗi màu sắc đều có một ý nghĩa riêng biệt, màu đen tượng trưng cho đất rừng trù phú, màu đỏ của khát vọng và tình yêu, màu vàng tượng trưng cho ánh sáng. Thổ cẩm của người Ba Na thường có màu tươi sáng, rực rỡ, bay bổng như thể hiện ước mơ, khát vọng và ẩn chứa trong các sản phẩm là cả tâm hồn của người thợ dệt. Họa tiết trên các sản phẩm thổ cẩm của người Ba Na thường trang trí đối xứng, phản ánh quan niệm triết lý về vũ trụ, triết lý âm dương, trời đất, thiên nhiên.
Đối với người Gia Rai ở tỉnh Gia Lai, đã là phụ nữ thì phải biết dệt thổ cẩm, bởi đây không chỉ nhằm mục đích nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, mà còn là "tiêu chuẩn" để các trai làng chọn "bắt" vợ. Thổ cẩm của người Gia Rai không đơn thuần chỉ là tấm vải bình thường, mà ẩn chứa trong đó là cả tâm hồn của đồng bào. Mỗi sản phẩm thổ cẩm được làm ra đều mang vẻ đẹp hài hòa với thiên nhiên, đậm nét văn hóa của dân tộc, đồng thời nói lên sự cần cù, sáng tạo của người phụ nữ.
Dưới đôi bàn tay khéo léo, những họa tiết mang tính cách điệu thể hiện bằng các hoa văn với các mô típ: Bông hoa, con chim, chiêng, ché, ngà voi... dần hiện ra. Dựa trên những nét hoa văn của thổ cẩm, đồng bào Gia Rai kể lại cho con cháu nghe những chuyện của thế hệ đi trước. Do đó, người phụ nữ Gia Rai trước khi về nhà chồng đều phải có bộ trang phục do chính tay mình dệt và đó cũng là điều nhắc nhở con cháu không được quên nghề truyền thống của cha ông.