Giới thiệu nghề dệt thổ cẩm với khách quốc tế
- Tây Y
- 12:53 - 24/07/2017
Yêu Việt Nam hơn từ các sản phẩm thổ cẩm
Nhiều năm làm công tác nghiên cứu về nông nghiệp công nghệ cao ở Lâm Đồng, ông Nahu Shikara (người Nhật) kể rằng; Lần đầu tiên đến Lạc Dương nghiên cứu các loại rau sạch trồng trong lồng kính tôi đã cảm phục những phụ nữ người Ciil ở vùng đất này chịu thương, chịu khó. Dù mỏi mệt trên đồng rau nhưng họ sẵn sàng thức thâu đêm dệt những sản phẩm độc đáo bằng thổ cẩm cho khách nước ngoài xem. Hình ảnh về lễ hội, về biểu tượng tình mẫu tử, về chiếc vòng cầu hôn của cộng đồng người dân tộc thiểu số… tất cả khiến cho người xem, người mua yêu quý sự đa dạng, đặc sắc của văn hóa Việt Nam.
Bà Ka Tuyn nặng lòng với nghề thổ cẩm
Một trong những nghệ nhân nổi tiếng có bàn tay điêu luyện khiến hàng trăm đoàn khách quốc tế mê mẩn kỹ năng dệt thổ cẩm ở Lạc Dương đó là Ka Tuyn. Nhiều lần bà Tuyn tâm sự với chúng tôi rằng, mình may mắn được sinh ra trong một làng dệt thổ cẩm có truyền thống lâu đời nhất Tây Nguyên. Do vậy, 10 tuổi mình đã dệt thạo và thổ cẩm dần dần biến thành đam mê không dứt ra được. Không có ngày nào cái bụng mình không nghĩ đến thổ cẩm. Từ niềm đam mê đó, 18 tuổi đã có thể sống khỏe bằng nghề dệt thổ cẩm”. Tiếng tăm của bà Tuyn dần dần được nhiều làng nghệ dệt thổ cẩm cả nước biết và họ mời bà đi truyền dạy nghề. Không quản ngại xa gần, bất cứ ở đâu mời là bà đi. Giờ đây, cứ rảnh bà lại biểu diễn cho khách quốc tế xem.
Những sản phẩm nho nhỏ như dây uyên ương cột tay, dây giao duyên cột đầu… bà sẵn sàng tặng cho khách làm kỷ niệm khi đến thăm núi Langbiang. Đối với những sản phẩm phải đầu tư công phu, phải mua vật liệu, bà Tuyn cũng chỉ lấy giá hữu nghị, mục đích quảng bá thêm hình ảnh cộng đồng các dân tộc ở Lạc Dương đến bạn bè quốc tế là chính.
Cũng như bà Tuyn, bà Ka Tình nhiều năm nay cũng tặng cho khách nước ngoài hàng trăm sản phẩm độc đáo của dân tộc mình. Bà Tình bộc bạch, mình không giàu nhưng cũng ổn định cuộc sống rồi nên tặng những sản phẩm nhỏ mang thương hiệu của dân tộc mình, được khách thích thú là vui rồi. Có thời kỳ cao điểm, hàng chục đoàn khách người Pháp, người Anh còn vào các buôn xem nghệ nhân dệt thổ cẩm nữa. Ông Nick Tha Ni điều hành một hãng du lịch lớn ở Anh mỗi lần đưa khách sang dã ngoại ở Langbiang còn đặt những nghệ nhân như bà Tình, bà Tuyn hàng trăm sản phẩm thổ cẩm là những chiếc túi bài thơ, thổ cẩm dệt hình phụ nữ giã gạo… "Nhiều người Pháp bảo hình phụ nữ Tây Nguyên giã gạo khiến họ rất thích vì thấy được nét đẹp lồng trong nỗi nhọc nhằn của phụ nữ miền cao nguyên này. Có đoàn khách mua hàng trăm tấm dệt hình phụ nữ giã gạo đấy”- Bà Ka Tình chia sẻ.
Miệt mài gìn giữ
Theo những nghệ nhân dệt thổ cẩm ở Lạc Dương thì, dẫu các sản phẩm thổ cẩm đặc sắc và được nhiều người thích là thế nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu cuộc sống. Cần có sự động viên, khích lệ và hỗ trợ kịp thời để các nghệ nhân miệt mài giữ gìn và truyền dạy nghề này cho các thế hệ sau.
Nhiều sản phẩm được khách quốc tế ưa chuộng
Không chỉ tái hiện các hình ảnh, các đặc trưng có sẵn mà những nghệ nhân như bà Tuyn còn sáng tạo thêm các hình mẫu mới từ quá trình lao động, sản xuất của cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.
Sự tìm kiếm, sáng tạo không mệt mỏi của bà Ka Tuyn đã được Hiệp hội Nghề thủ công quốc tế Canada công nhận, bà được hiệp hội này tặng bằng khen cho những ý tưởng sáng tạo trên một chiếc váy thổ cẩm: Sự đan quyện giữa hình ảnh nhà sàn, cối giã gạo và đôi tình nhân tỏ tình qua cửa sổ. Kèm theo bằng khen là lời nhận xét của ông F. Rovilater, thành viên ban tổ chức cuộc bình chọn: “Nghệ nhân làm ra sản phẩm này như đã lồng được hồn cốt cuộc sống một số dân tộc ở Tây Nguyên của Việt Nam vào sản phẩm của mình”. Để nghề thổ cẩm không mai một, con cháu của bà Tuyn cũng đang từng ngày cần mẫn ngồi bên khung dệt.
Là một trong những thiếu niên hiếm hoi dệt thạo nghề thổ cẩm ở xã Lát, em Ka Nhi bộc bạch rằng, msáng rauốn học thạo nghề này cũng khó lắm. Dệt sơ sài thì khách họ không thích mua, không thích xem nữa. Nhiều bạn cùng trang lứa thích đi làm thuê cái này, cái kia cho nhanh có tiền. Em theo nghề này 5 năm rồi mới dệt thạo thôi chứ chưa hình thành các ý tưởng sáng tạo như các nghệ nhân lớn tuổi được.
UBND xã Lát cho biết; Huyện cũng đang có nhiều kế hoạch chiến lược để đẩy mạnh phát triển nghề dệt thổ cẩm hơn. Đây là sản phẩm đặc trưng của Tây Nguyên nói chung, Lạc Dương nói riêng.