CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 03:07

Triều Khúc (Hà Nội) có nghề dệt huân chương

1. Ông Nguyễn Hữu Quy, Chủ nhiệm HTX dệt Triều Khúc cùng Ban chủ nhiệm đang điều hành quy trình sản xuất huân, huy chương, một trong những mặt hàng chủ lực tạo công ăn việc làm cho xã viên.

Ông Quy là người tâm đắc với nghề dệt đã mấy chục năm nay. Rời quân ngũ năm 1980, sau nhiều năm chiến đấu và xây dựng quân đội, ông trở về làm nghề truyền thống của gia đình.

Gia đình ông Quy làm nghề dệt từ hồi đầu thế kỷ 20, ông nội ông chính là nghệ nhân dệt Nguyễn Hữu Di nổi tiếng một thời, từng được mời tham dự nhiều hội chợ ở Đông Dương về hàng dệt.

Một trong những mặt hàng truyền thống của người dân Triều Khúc xưa kia là dệt quai cho nón quai thao. Mặt hàng này rất nổi tiếng, những chiếc quai nón bằng lụa nguyên chất đã làm cho  chiếc nón quai thao càng duyên dáng, hình ảnh chiếc nón đi vào thơ văn và những câu hát giao duyên.

 Chính vì thế mà làng Triều Khúc còn có tên là làng Đơ Thao (tên cũ hơn là Kẻ Đơ).

Đầu thế kỷ 20, một hôm nghệ nhân Nguyễn Hữu Di tiếp một ông khách quan Tây tới chơi và thăm thú nghề dệt thủ công ở làng Triều Khúc. Sau một hồi tìm hiểu, nghiên cứu, ông quan Tây đưa cho cụ Di một đôi mề đay gắn trên vai áo sĩ quan Pháp.

Nghề dệt huân chương làng Triều Khúc

Người dân làng nghề Triều Khúc sống khỏe với nghề dệt. 

Nếu cụ làm được giống hệt như thế này họ sẽ đặt hàng rất nhiều. Cụ Di cùng một số nghệ nhân trong làng đã tập trung nghiên cứu kỹ lưỡng cặp mề đay này, phải nói là rất tinh xảo, những sợi tua vàng vô cùng mượt mà được gắn trên nền đỏ quý phái.

Sau 1 ngày miệt mài trên chất liệu lụa, cụ Di đã làm thủ công được 1 chiếc mề đay rất giống mẫu. Viên quan Tây tỏ ý vui mừng và muốn đặt hàng ngay. Nhận một khoản tiền đặt cọc, các cụ trong làng tập trung tâm sức sản xuất. Sản phẩm của các cụ giống tới nỗi chính viên quan Tây cũng không phân biệt được đâu là hàng thật, đâu là hàng do các nghệ nhân làng Triều Khúc thực hiện. Chính nhờ việc này mà cụ Di được mời tham dự hội chợ dệt thủ công tại Căm pốt vào đầu thế  kỷ 20.

2. Sau ngày hoà bình lập lại, người dân làng Triều Khúc lại được nhận một nhiệm vụ vô cùng quan trọng, đó là sản xuất huân huy chương cho đất nước và cả nước bạn Lào, Campuchia. Chủ nhiệm HTX dệt Nguyễn Hữu Quy cho rằng, đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng nên người dân Triều Khúc đã dốc tâm dốc sức để làm bằng được.

Ông Quy mở 2 cuốn an bum lưu giữ hàng trăm mẫu mã huân huy chương của 3 nước Đông Dương cho tôi xem, tất cả những mẫu mã còn mới nguyên dù nhiều chục năm trôi qua.

Người dân Triều Khúc dệt những tấm huân chương hoàn toàn bằng thủ công, trên những chiếc máy dệt cũ do các nghệ nhân chế tạo. Một trong những khâu khó nhất là phải nhuộm màu sợi tơ tằm sao cho giống hệt với màu trong mẫu vẽ, nếu pha màu sai quy cách một chút thôi coi như đi toi một mẻ nhuộm.

Theo lời ông Quy, dệt những tấm huân huy chương không chỉ bằng kỹ năng mà còn bằng tâm hồn và lòng tự trọng của người thợ thì mới đẹp, mà cần phải vậy, bởi có những tấm huân chương cao quý được gắn bởi quyết định của Chủ tịch nước, của Thủ tướng Chính phủ cơ mà.

Những năm gần đây bà con làng nghề truyền thống Triều Khúc còn nhận được hợp đồng dệt những phù hiệu, cầu vai cấp bậc cho lực lượng quân đội, công an. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ vô cùng quan trọng, có ý nghĩa to lớn. Chính cụ Võ Nguyên Giáp cũng từng đeo phù hiệu đại tướng do thợ dệt làng Triều Khúc làm ra.

3. Chị Đào Thị Hoa, tốt nghiệp đại học nhưng không xin việc nhà nước mà ở nhà làm thợ dệt huân huy chương cho HTX với mức luơng 5 triệu đồng/tháng. Những thanh niên như chị Hoa ở Triều Khúc không phải là hiếm. “Tôi rất thích công việc này.

Cứ nghĩ tới sẽ có người được tặng tấm huân chương do chính tay tôi dệt là thấy vui trong lòng. Mỗi khi nhận được đơn đặt hàng là sướng lắm, có nghĩa là rất nhiều người xứng đáng được trao tặng huân huy chương nữa rồi”, chị Hoa tâm sự.

Triều Khúc là một làng quê thuần Việt, có tuổi cả nghìn năm. Cụm di tích ao làng, đình và cây đa làng ở đây nổi tiếng khắp vùng, người dân sống với nhau thuần khiết, đùm bọc và yêu thương.

 Ngoài nghề dệt truyền thống, bà con còn làm nhiều nghề phụ khác như buôn đồng nát, làm chổi lông gà và dịch vụ thương mại. Mấy năm trở lại đây đời sống của người dân phát triển không ngừng, nhà cao tầng mọc lên như nấm, con đường chính đã biến thành phố làng, cửa hàng cửa hiệu san sát.

Dẫu thay đổi nhiều về bề ngoài nhưng người Triều Khúc thì vẫn cứ sống chân chất như chính ông cha mình từ ngàn xưa.

Lê Tự

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh