THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:36

Nghề CTXH ở Quảng Ngãi: Thực trạng và giải pháp

 

Việc triển khai thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững đã có bước tiếp cận dựa trên quyền và đảm bảo quyền của người nghèo cả về quyền về tồn tại, quyền được an toàn về vật chất, sức khỏe và phát triển, quyền bình đẳng, tham gia. Việc xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các chương trình, đề án giảm nghèo tại địa phương ít nhiều được bắt đầu từ nguyên nhân dẫn đến nghèo và từ nguyện vọng của hộ nghèo đã tạo động lực, thu hút sự tham gia của người nghèo vào quá trình giải quyết chính sách và cung cấp dịch vụ xã hội. 

Những người làm công tác giảm nghèo (CTGN) bước đầu đã vận dụng phương pháp CTXH đối với cá nhân, gia đình để giúp hộ nghèo trong việc tư vấn về chính sách giảm nghèo bền vững (GNBV). Thông qua việc thực hiện các dự án tài trợ của các tổ chức phi chính phủ đã tập hợp, hình thành và tổ chức sinh hoạt một số nhóm người nghèo có nhu cầu giống nhau để cùng chia sẻ, hỗ trợ nhau thỏa mãn nhu cầu nào đó; triển khai việc xây dựng và thực hiện kế hoạch, dự án GNBV có sự tham gia ở một số địa phương vùng dự án … đã làm cho một bộ phận cán bộ làm CTGN dần dần có ý thức về sự quan trọng trong sử dụng các phương pháp CTXH để trợ giúp cho đối tượng nghèo. 

Việc thực hiện chính sách CTXH trong GNBV tại tỉnh Quảng Ngãi trong những năm qua đã góp phần đáng kể cho kết quả đạt được của việc thực hiện Chương trình mục tiêu GNBV giai đoạn 2011-2015. 

Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, thông tin hiệu quả chưa cao. Số người biết đến nghề CTXH như một nghề chuyên nghiệp còn rất ít, không chỉ người dân, cộng đồng mà thậm chí ngay cả đội ngũ cán bộ làm việc trong các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ sở cung cấp dịch vụ xã hội. Nhiều nội dung về chính sách CTXH nói chung và CTXH trong giảm nghèo bền vững chưa được Nhà nước ban hành làm cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện các cách tiếp cận, phương pháp CTXH và chuyên nghiệp DV CTXH. Sự hạn chế của việc phát triển đội ngũ cán bộ, viên chức và nhân viên CTXH các cấp vừa là những tồn tại trong quá trình phát triển nghề CTXH vừa là nguyên nhân của sự bất cập, hạn chế trong thực hiện chính sách CTXH trong GNBV. Bởi lẽ, trong khi chưa có đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp thì khó có hoạt động nghề nghiệp chuyên nghiệp. Quảng Ngãi chưa có mạng lưới cơ sở cung cấp DV CTXH theo đúng nghĩa đầy đủ của nghề CTXH cho các đối tượng nói chung và đặc biệt cho đối tượng nghèo; chưa có đội ngũ nhân viên, cộng tác viên CTXH đối với giảm nghèo ở cộng đồng. Chưa có môi trường hành chính thuận lợi cho việc phát triển DV CTXH nói chung và hành nghề CTXH trong giảm nghèo bền vững nói riêng; nguồn lực đầu tư thấp chưa tương xứng với mục tiêu, nhiệm vụ theo kế hoạch để ra.

Quãng Ngãi cùng với cả nước, phấn đấu đến năm 2020 phát triển CTXH trở thành một nghề chuyên nghiệp. Tập trung đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục, vận động nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội về CTXH trong xã hội phát triển. Kịp thời cụ thể hóa các khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách để phát triển nhân lực và mạng lưới tổ chức cung cấp DV CTXH; thúc đẩy phát triển DV CTXH, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về CTXH chuyên nghiệp và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực ở tỉnh.

Đến năm 2020 có đủ điều kiện về nhận thức của xã hội, nguồn nhân lực, hệ thống cơ sở cung cấp DV CTXH, môi trường hành chính, hành lang pháp lý đảm bảo cho nhân viên CTXH triển khai các cách tiếp cận dựa trên quyền và đảm bảo quyền của người nghèo, tiếp cận dựa trên nhu cầu của người nghèo; triển khai các phương pháp CTXH với người nghèo, gia đình nghèo, nhóm người nghèo và phát triển cộng đồng đối với cộng đồng nghèo. Đồng thời từng bước chuyên nghiệp hóa DV CTXH trong GNBV, nhằm góp phần giúp cho người nghèo, hộ nghèo thoát nghèo bền vững và cộng đồng nghèo được nâng cao năng lực phát triển, rút ngắn dần khoảng cách chênh lệch về mức sống và các điều kiện KT-XH so với các cộng đồng khác.

Một trong những giải pháp quan trọng là cần đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, vận động nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của CTXH trong xã hội phát triển. Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu cả về số lượng và chất lượng, đặc biệt là đội ngũ những người làm CTXH chuyên nghiệp gọi chung là nhân viên CTXH chuyên nghiệp và được phân bố, sử dụng một cách hiệu quả. Củng cố, phát triển mạng lưới cơ sở cung cấp DV CTXH và nhân viên CTXH trên địa bàn tỉnh đảm bảo cung cấp DV CTXH theo nhu cầu của đối tượng nói chung và đối tượng nghèo nói riêng. Kịp thời cụ thể hóa và triển khai thực hiện các chính sách, pháp luật của Nhà nước về khung pháp lý CTXH, cụ thể gồm: Về vị trí việc làm, về vai trò, vị trí của nhân viên CTXH ; về hệ thống DV CTXH bao gồm về danh mục DV CTXH, tiêu chuẩn chất lượng cung cấp DV, định mức chi phí DV ; về mạng lưới tổ chức cung cấp DV CTXH như việc thành lập và tổ chức hoạt động của các cơ sở cung cấp DV CTXH ở cộng đồng, mạng lưới về nhân viên, cộng tác viên CTXH; mô hình cung cấp DV CTXH đều phải hướng vào cung cấp DV ngay tại gia đình, cộng đồng là chủ yếu ; kiểm soát chất lượng cung cấp DV CTXH của các tổ chức, cá nhân. Từng bước thực hiện xã hội hóa các hoạt động CTXH. 

Có quy định bắt buộc, đưa vào quy trình, kế hoạch quản lý trường hợp và kiểm tra giám sát việc thực hiện của nhân viên CTXH nhằm đảm bảo triển khai các cách tiếp cận dựa trên quyền và đảm bảo quyền, tiếp cận dựa trên nhu cầu của đối tượng nghèo. Cụ thể hóa, hướng dẫn thực hiện việc xác lập cơ sở pháp lý để nhân viên hành nghề CTXH, triển khai các phương pháp CTXH với đối tượng nghèo. Hướng dẫn triển khai thực hiện tiến trình, các bước làm việc và quản lý trường hợp người nghèo, gia đình nghèo của nhân viên CTXH và cơ chế kiểm soát việc thực hiện của nhân viên CTXH trong làm việc với người nghèo, gia đình nghèo; tiến trình, các bước làm việc của nhân viên CTXH, tiêu chuẩn của nhân viên CTXH và cơ chế kiểm soát việc thực hiện của nhân viên CTXH trong làm việc với nhóm người nghèo; tiến trình, các bước làm việc trong các hoạt động phát triển cộng đồng, xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch, dự án GNBV của cộng đồng nghèo theo phương pháp có sự tham gia của người dân và cơ chế kiểm soát việc thực hiện của tác viên phát triển cộng đồng. Quy định giá DV CTXH trong trợ giúp rõ ràng theo quy mô, nội dung và diện đối tượng (người nghèo, gia đình nghèo, nhóm nghèo, cộng đồng nghèo); trách nhiệm chi trả của đối tượng thụ hưởng, của Nhà nước và phương thức chi trả cho người, cơ sở cung cấp DV. Xác định rõ vị trí, vai trò của nhân viên CTXH; quy định về quy trình, các bước căn bản trong cung cấp một DV CTXH với giảm nghèo; mẫu hóa từng công đoạn trong hoạt động một DV CTXH. Quy định rõ về yêu cầu, kết quả đạt được; tiêu chí và cách thức đánh giá, giám sát chất lượng, hiệu quả và sự thỏa mãn của các bên tham gia trong từng hoạt động DV CTXH.

Đỗ Tiến Tân/Sở LĐ-TB&XH Quảng Ngãi

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh