THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:18

Nghề Công tác xã hội: Cần sớm có văn bản pháp luật có hiệu lực pháp lý ở tầm luật

 

Quang cảnh Hội thảo


CTXH đã và đang là xu hướng quốc tế 

Ở nước ta, trong lĩnh vực CTXH, đến nay mới được ban hành một số nghị định, quyết định, thông tư, thông tư liên tịch. Các văn bản quy phạm pháp luật này đã tạo tiền đề pháp lý quan trọng để các bộ, ngành, địa phương từng bước phát triển nghề CTXH chuyên nghiệp tại Việt Nam. 

Tuy nhiên, các văn bản pháp luật quy định về CTXH giá trị pháp lý còn thấp, chưa có văn bản pháp luật có hiệu lực pháp lý ở tầm luật, nên khó khăn cho việc lồng ghép, đưa các quy định cụ thể về CTXH vào các văn bản pháp luật trong các lĩnh vực chuyên ngành cũng như tổ chức triển khai trên thực tế.

Do đó, việc cần thiết phải xây dựng Luật CTXH một lần nữa được các chuyên gia trong nước và quốc tế bàn thảo ở Hội thảo “Khung pháp lý phát triển CTXH tại Việt nam” do Cục bảo trợ (Bộ LĐ-TB&XH) tổ chức chiều nay 24/3.

Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) Nguyễn Văn Hồi thông tin, hiện Bộ đang phối hợp với các Bộ ngành, và đang đẩy nhanh việc nghiên cứu, xây dựng Luật CTXH. 

Tuy nhiên, ông Hồi khẳng định “Đẩy nhanh tiến độ nhưng không quá vội. Vì không đủ các chuyên gia, sự tham gia góp ý của các tổ chức quốc tế thì Luật ra đời sẽ không phù hợp thực tế dẫn đến khó khả thi. Điều mà chúng tôi hướng tới là xây dựng Luật phải toàn diện, chất lượng, tốt cho người dân”.

 

Cục trưởng Nguyễn Văn Hồi: "Điều mà chúng tôi hướng tới là xây dựng Luật phải toàn diện, chất lượng, tốt cho người dân"

 

Theo thông tin đưa ra tại Hội thảo, tính đến năm 2016, có khoảng 130 quốc gia là thành viên của Hiệp hội Nhân viên CTXH Quốc tế (IFSW). CTXH chuyên nghiệp đã tồn tại ở nhiều quốc gia phát triển và tại các nước này, CTXH thực sự được coi là một nghề chuyên nghiệp với những quy định chặt chẽ về mặt pháp lý và thực hành. 

Trên con đường phát triển, CTXH lần lượt được ghi nhận ở hầu hết các quốc gia. CTXH đã và đang là xu hướng quốc tế.

Ở Việt Nam, nhu cầu tiếp cận, sử dụng các dịch vụ CTXH  rất lớn. Số người cần sự trợ giúp xã hội, có nhu cầu tiếp cận, sử dụng các dịch vụ CTXH chiếm hơn 25% dân số cả nước. Trong đó có khoảng trên 10 triệu người cao tuổi; 7,2 triệu người khuyết tật; 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; hàng triệu người hưởng trợ cấp người có công với cách mạng; gần 10% hộ nghèo; hơn 2,7 triệu đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; hơn 1,8 triệu hộ gia đình cần được trợ giúp đột xuất hàng năm; khoảng 254 nghìn người nhiễm HIV được phát hiện; hơn 200 nghìn người nghiện ma tuý…

Trong khi đó, đội ngũ làm CTXH còn mỏng và chưa được đào tạo CTXH chuyên nghiệp; mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH lại thiếu và yếu. Mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH mới hình thành ở ngành LĐ-TB&XH là chủ yếu, bước đầu được thí điểm ở các ngành Y tế, Giáo dục với phạm vi, quy mô nhỏ, số lượng đối tượng được hưởng dịch vụ rất hạn chế... 

Cùng với đó, tại hội thảo, các chuyên gia cũng cho rằng, nhận thức về vai trò, vị trí của nghề CTXH trong quá trình xây dựng nền an sinh xã hội tiên tiến của đất nước ở nhiều cấp, ngành còn hạn chế.

Cần thiết xây dựng Luật CTXH

Theo ông Hà Đình Bốn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH): “Bất cập hiện nay cũng được chỉ ra là các văn bản pháp luật quy định về CTXH có giá trị pháp lý tương đối thấp, chủ yếu là thông tư hướng dẫn của các Bộ, ngành liên quan. Chưa có văn bản có hiệu lực ở tầm luật, pháp lệnh để quy định các vấn đề cơ bản về hoạt động CTXH, viên chức CTXH và quản lý nhà nước đối với nghề CTXH…”

 

Bà Joan Gabel, Hiệu trưởng Đại học CTXH South Carolina đánh giá cao lĩnh vực CTXH của Việt Nam phát triển nhanh cả về lượng và chất

 

Cùng với đó, ông Bốn cũng chỉ ra, CTXH chưa được nhìn nhận là một nghề chuyên nghiệp - chưa có dịch vụ CTXH chuyên nghiệp; chưa có quy định rõ, cụ thể về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của viên chức CTXH. Đặc biệt, còn thiếu nhiều quy định liên quan đến CTXH; Thực tiễn triển khai, thực hiện các quy định của pháp luật về CTXH vẫn còn nhiều bất cập. 

Từ các lý do trên, ông Bốn khẳng định cần sớm xây dựng và ban hành văn bản pháp luật phù hợp – một văn bản ở tầm luật để điều chỉnh lĩnh vực mới và rất quan trọng này.

Đồng quan điểm, TS Trần Mạnh Đạt, Tổng biên tập NXB Tư pháp (Bộ Tư pháp) cũng cho rằng, thực trạng pháp luật về CTXH ở nước ta đòi hỏi phải ban hành một văn bản có giá trị pháp lý cao ở tầm luật.

Việc tiếp tục duy trì ở mức độ văn bản dưới luật các quy định về CTXH sẽ không bảo đảm được mục tiêu phát triển kinh tế đi đôi với công bằng xã hội trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế mà Đảng ta đã đề ra; không phát huy tiềm năng của cá nhân, gia đình, cộng đồng có hoàn cảnh khó khăn tự giải quyết vấn đề của mình và tự vươn lên trong cuộc sống góp phần bảo đảm an sinh xã hội; là không phù hợp với tinh thần Hiến pháp năm 2013”, ông Đạt nhấn mạnh.

Từ các lý do trên, các chuyên gia khẳng định, Việt Nam cần sớm xây dựng và ban hành 1 văn bản pháp luật phù hợp - một văn bản ở tầm Luật để điều chỉnh lĩnh vực mới và rất quan trọng này, nhằm giúp những người làm CTXH phát triển cả về chất lượng và số lượng, hình thành đội ngũ chuyên nghiệp; khắc phục cơ bản những vấn đề khó khăn, bất cập trong hệ thống văn bản pháp luật về CTXH hiện nay; tăng cường trách nhiệm, phối hợp giữa các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

 

Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội Nguyễn Văn Hồi trả lời phỏng vấn các báo, truyền hình  

 

Thông qua các quy định mới, chặt chẽ, cụ thể, bảo đảm tính hệ thống sẽ thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện nghề CTXH trong thực tiễn để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế đi đôi với công bằng xã hội và hội nhập quốc tế; đồng thời phát huy tiềm năng của cá nhân, gia đình, nhóm, cộng đồng có khó khăn tự giải quyết vấn đề của mình và tự vươn lên trong cuộc sống.

 

Bà Joan Gabel, Hiệu trưởng Đại học CTXH South Carolina đánh giá cao lĩnh vực CTXH của VN những năm qua phát triển nhanh cả về lượng và chất. Và bà đồng tình việc cần thiết phải xây dựng Luật CTXH để nghề CTXH ở VN phát triển một cách chuyên nghiệp.

NGUYỄN THANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh