Nghệ An: Thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách đối với người có công
- Người có công
- 00:37 - 29/05/2019
Ông Đoàn Hồng Vũ, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An.
*Xin ông cho biết kết quá thực hiện chính sách ưu đãi người có công (NCC) với cách mạng trên địa bàn tỉnh Nghệ An?
Đến nay, toàn tỉnh đã xác nhận và giải quyết chế độ cho trên 45 ngàn liệt sĩ, 2.669 bà mẹ Việt Nam anh hùng, trên 6 ngàn cán bộ lão thành, tiền khởi nghĩa; gần 40 ngàn thương binh, 13 ngàn bệnh binh, 20 ngàn người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị phơi nhiễm chất độc hóa học; trên 900 người là cán bộ hoạt động cách mạng bị địch bắt tù đày… Trong đó, đang quản lý và chi trả trợ cấp thường xuyên cho hơn 73.000 người. Các chính sách ưu đãi NCC được thực hiện trên địa bàn tỉnh đầy đủ, nhanh chóng và kịp thời.
Thực hiện đề án giám định ADN xác định danh tính hài cốt liệt sĩ, thời gian qua Nghệ An đã phối hợp các lực lượng và đặc biệt phối hợp với Cục NCC khai quật và lấy mẫu sinh phẩm của hài cốt liệt sĩ ở Nghĩa trang liệt sĩ Quốc tế Việt – Lào với trên 830 mẫu. Năm vừa qua, ngành LĐ-TB&XH đã tiếp nhận 98 hài cốt liệt sĩ của quân tình nguyện và chuyên gia hy sinh tại Lào do Ban chỉ huy quân sự tỉnh khai quật và đưa về an táng tại nghĩa trang Nghi Lộc. Nhìn chung thông tin tìm kiếm, cất bốc an táng liệt sĩ và đặc biệt thông tin thân nhân liệt sĩ qua cổng thông tin điện tử của Trung ương cũng được triển khai đầy đủ, kịp thời, giúp cho thân nhân tìm kiếm được nhiều thông tin liệt sĩ.
Ngoài ra, Nghệ An cũng đang triển khai rất quyết liệt từ cơ sở cho lên đến tỉnh việc cung cấp thông tin, hoàn thiện hồ sơ cấp bằng Tổ quốc ghi công cho đối tượng. Năm 2018, Nghệ An đã trình được 308 hồ sơ trong tổng số hơn 700 hồ sơ về cấp bằng “Tổ quốc ghi công”. Đây là một trong những giải pháp tháo gỡ tồn đọng hồ sơ NCC với cách mạng.
*Công tác hỗ trợ nhà ở đối với NCC đã được thực hiện như thế nào, thưa ông?
Thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở theo Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ, ngành LĐ-TB&XH đã phối hợp chặt chẽ với ngành xây dựng triển khai chính sách hỗ trợ nhà đối với NCC. Năm 2018, Nghệ An đã giải ngân trên 80% kinh phí Chính phủ bố trí, số còn lại Nghệ An vẫn tiếp tục xem xét để giải ngân tiếp trong những tháng đầu năm 2019. Nhìn chung, sách hỗ trợ nhà ở NCC với cách mạng trên địa bàn tỉnh Nghệ An luôn đảm bảo chính sách công bằng.
*Ngoài các chính hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, tỉnh Nghệ An đã có những giải pháp như thế nào nhằm huy động các nguồn lực để chăm lo tốt hơn đời sống NCC ?
Việc xã hội hóa các hoạt động chăm lo NCC với cách mạng được Nghệ An triển khai thường xuyên. Mỗi năm Quỹ Đền ơn đáp nghĩa Nghệ An huy động được khoảng 15 tỷ đồng chưa kể các nguồn lực khác như làm nhà tình nghĩa, các suất quà trực tiếp từ các nhà hảo tâm, tổ chức, cá nhân cho các đối tượng NCC nhân ngày Thương binh – Liệt sĩ và dịp Tết Nguyên đán…
*Vừa qua, Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH đã kết luận có 569 hồ sơ trên địa bàn Nghệ An hưởng chế độ thương binh không đúng với quy định. Vậy kết quả xử lý những trường hợp sai phạm này đến đâu rồi thưa ông?
Một số người hiểu sai, cho rằng 569 hồ sơ đó là giả mạo hoàn toàn là không đúng. Có những hồ sơ là giả mạo, có những hồ sơ do sai sót, một số hồ sơ đối tượng chủ quan và có những hồ sơ do đơn vị xác nhận cho đối tượng khi thanh tra không đúng, vì vậy chúng ta cần bình tĩnh để xử lý việc này. Sau kết luận của Thanh tra Bộ, ngành LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An đã đình chỉ trợ cấp của tất cả 569 trường hợp. Tuy nhiên sau đó, Thanh tra Bộ đã có ý kiến để khôi phục chế độ cho 31 trường hợp và Nghệ An đã thực hiện.
Theo tôi, bên cạnh những người trục lợi chính sách thì cũng có những trường hợp do quá trình lưu giữ hồ sơ, xem xét hồ sơ và cả yếu tố chủ quan trong quá trình lập hồ sơ… những yếu tố đó phải tính toán kỹ.
*Hiện Bộ LĐ-TB&XH đang xây dựng dự thảo Pháp lệnh ưu đãi NCC với cách mạng (sửa đổi), ông có đóng góp gì cho nội dung dự thảo?
Ưu đãi NCC với cách mạng là một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước thể hiện trách nhiệm, sự tri ân, tôn vinh những cống hiến của NCC đối với đất nước. Chính vì vậy chính sách ưu đãi NCC với cách mạng cần được hoàn thiện cho phù hợp với sự phát triển của đất nước trong thời kỳ mới.
Hiện nay Bộ LĐ-TB&XH chủ trì phối hợp với các bộ, ngành sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng là sự cần thiết để các chính sách bao phủ hết các đối tượng NCC với cách mạng. Từ thực tế triển khai chính sách tại địa phương, tôi đề xuất dự thảo cần nghiên cứu để làm rõ hơn về điều kiện, quy định xác nhận đối tượng để những người thực thi chính sách dễ thực hiện. Bên cạnh đó, một số mức ưu đãi NCC còn thấp vì vậy cần nghiên cứu nâng mức ưu đãi để phù hợp hoàn cảnh kinh tế của đất nước trong từng thời kỳ.
Xin cảm ơn ông!