Thanh Chương (Nghệ An): Sông “nuốt” đất nông nghiệp
- Dược liệu
- 00:50 - 16/10/2018
Bờ sông Lam (đoạn qua xã Thanh Giang) bị sạt lở nghiêm trọng
Những năm qua diện tích đất nông nghiệp ở xã Thanh Giang ngày càng bị thu hẹp do tình trạng sạt lở bờ sông nghiêm trọng. Để khắc phục tình trạng trên, người dân địa phương đã dùng nhiều biện pháp để giữ từng tấc đất như ra sức kè, đắp, trồng tre, cắm lau sậy.. nhưng tình trạng sạt lở vẫn diễn biến ngày càng nghiêm trọng. Nhiều chỗ biến thành những vách đất dựng đứng cao từ 2 – 3m chênh vênh, cứ mỗi đợt nước vỗ mạnh vào bờ là từng tảng đất màu mỡ lại đổ sập xuống sông và bị cuốn trôi.
Ông Lê Văn Phương, một người dân xóm Bình Ngô, xã Thanh Giang cho biết: "Ngày trước bờ sông cách nhà tui cả cây số. Giờ bờ sông chỉ cách nhà khoảng vài chục bước chân. Bà con sinh sống chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, giờ đất nông nghiệp bị nước cuốn trôi hết, diện tích đất thì càng ngày càng bị thu hẹp, dân số thì tăng lên, không biết sau này, đời con cháu tui lấy chi để làm ăn".
Sông đang "nuốt" đất nông nghiệp mỗi ngày
Xã Thanh Giang hiện có hơn 70 ha đất bãi bồi ven sông Lam chủ yếu nằm ở các xóm; Bàu Sen, Bình Ngô, Lam Dinh với tổng số gần 200 hộ sản xuất chủ yếu sản xuất các loại hoa màu trên bãi bồi này.
Nguyên nhân hàng năm bị sạt lở được cho là do tàu thuyền khai thác cát sạn ngày càng nhiều, lại hút gần bờ sông nên gây ra tình trạng sạt ở nghiêm trọng. Qua từng mùa mưa lũ, dòng sông Lam cứ xói lở dần đến nay dòng sông đã chảy sát vào làng.
Trong quá trình ghi nhận thực trạng sạt lở tại khúc sông này, phóng viên phát hiện nhiều tàu hút cát vẫn miệt mài đưa những “vòi rồng” cắm sâu xuống lòng sông theo từng tiếng gầm rú của động cơ. Cát được bơm lên tàu ào ào.
Theo người dân tại đây, tình trạng sạt lở trở nên nghiêm trọng một phần do thiên tai, lũ lụt ngoài ra còn có tác động của hoạt động khai thác cát trái phép
Ông Nguyễn Văn Hùng, người dân xóm Lam Dinh, xã Thanh Giang, bức xúc: “Hoạt động hút cát diễn ra ngày đêm ầm ầm, rứa thì sông mô chịu nổi. Hút như vậy thì sạt lở là đúng thôi..."
Không riêng gì xã Thanh Giang mà lãnh đạo xã Thanh Yên cho biết: hiện tại toàn xã có 80 ha đất bãi bồi ven sông Lam và sau trận lụt vừa qua, đã làm sạt lở khoảng 24ha. Còn tại xã Thanh Hà cũng bị sạt lở gần 10 ha. Nguy cơ nông dân ở đây trong một vài năm tới sẽ mất hết đất sản xuất. Nguyên nhân chủ yếu là do “cát tặc”.
Ông Nguyễn Cảnh Điền, Phó chủ tịch UBND xã Thanh Yên cho biết: "Đến thời điểm hiện tại sông Lam đã “nuốt” hàng chục mét vuông đất bãi bồi của nhân dân mà không biết làm sao. Nguyên nhân do nước lũ một phần, còn một phần do khai thác cát sạn bừa bãi. Có đêm hàng chục xà lan thi nhau hì hục hút cát sạn, "no" cát rồi lại đi xuống Nam Đàn để bán".
Để hạn chế việc sạt lở hai bên bờ sông Lam, người dân ở đây đã dùng đủ mọi biện pháp để giữ đất như: Cắm lau sậy, trồng tre, trồng cây cổ thụ, cho cát vào bao tải để kè đắp.. nhưng sông vẫn sạt lở
Ông Lê Đình Thanh. Phó chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho biết: "Hiện nay huyện đã có công văn chỉ đạo các phòng ban chuyên môn kiểm tra và có văn bản báo cáo tỉnh và sở Tài nguyên và môi trường. Huyện cũng đã chỉ đạo các địa phương nghiêm cấp các hình thức khai thác cát sạn trái phép, nếu để xảy ra khai thác trái phép cát sạn thì Chủ tịch UBND các xã đó phải chịu trách nhiệm. Các mỏ được cấp phép thì huyện kiến nghị sở Tài nguyên và môi trường về cắm mốc để các địa phương giám sát và quản lí tốt việc khai thác cát".