Nghệ An: Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu thị trường lao động
- Giáo dục nghề nghiệp
- 22:53 - 06/12/2020
Là một tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước. Hàng năm, Nghệ An có số lượng lớn người lao động tham gia vào thị trường lao động, vì vậy các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hóa và nâng cao năng suất lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động, giảm nghèo bền vững và hội nhập quốc tế được các cấp, các ngành và địa phương trong tỉnh thường xuyên quan tâm, chỉ đạo và đạt hiệu quả đáng kể.
Với nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực trực tiếp phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội, công tác GDNN ở Nghệ An đã từng bước đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả. Đổi mới GDNN, không chỉ đảm đương trách nhiệm đào tạo nhân lực trực tiếp phục vụ sản xuất kinh doanh mà còn đáp ứng yêu cầu hội nhập, cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động trong và ngoài nước.
Nghệ An là một trong những địa phương thuộc tốp đầu của cả nước về lĩnh vực GDNN, được Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH lựa chọn đầu tư các trường chất lượng cao, đào tạo nghề trọng điểm cấp độ quốc tế, khu vực ASEAN, quốc gia. Những năm qua, quy mô đào tạo, chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý các cơ sở GDNN ngày càng được nâng cao. Cơ cấu ngành, nghề đào tạo từng bước được điều chỉnh phù hợp với thực tiễn, nhu cầu của thị trường sử dụng lao động và hội nhập quốc tế.
Chất lượng và hiệu quả đào tạo GDNN đã có những chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả đáng kể. Học sinh, sinh viên của các trường cao đẳng, trung cấp trên địa bàn đã giành được thành tích cao tại Kỳ thi tay nghề quốc gia, có học sinh đạt Huy chương bạc tại Kỳ thi tay nghề khu vực ASEAN và đạt Chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc tại kỳ thi tay nghề thế giới... Tuy nhiên, trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của kinh tế số, kinh tế tri thức, GDNN cần tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về nguồn nhân lực của thị trường lao động.
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An Đoàn Hồng Vũ cho biết: "Hiện nay, Nghệ An có 65 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (gồm 9 trường cao đẳng, 14 trường trung cấp, 20 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, 22 cơ sở đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp). Trong đó, có 3 trường chất lượng cao, 16 trường nghề trọng điểm với 13 nghề cấp độ Quốc tế, 9 nghề cấp độ khu vực Asean, 36 nghề cấp độ Quốc gia. Trong những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành các văn bản, chương trình, đề án, kế hoạch, các cơ chế chính sách về giáo dục nghề nghiệp, nhờ đó, quy mô đào tạo nghề không ngừng được tăng lên. Đến nay, quy mô đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh là 89.575 học sinh, sinh viên/năm. Tổng số nhà giáo giảng dạy trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là 2.590 người. Cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo được quan tâm bổ sung, đầu tư, nâng cấp cải tạo để đáp ứng nhu cầu dạy học. Cơ cấu ngành, nghề đào tạo đã được quy hoạch và phát triển tương đối hợp lý với chuyển dịch cơ cấu kinh tế và yêu cầu thị trường sử dụng lao động. Ngoài các ngành nghề truyền thống, các nghề trong lĩnh vực công nghệ mới, các ngành trong lĩnh vực dịch vụ cũng phát triển mạnh".
Trong giai đoạn 2016 - 2019, toàn tỉnh Nghệ An đã tổ chức đào tạo cho 292.535 lượt người. Trong đó, số lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề theo chính sách tại Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là 26.345 người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 63%. Theo đánh giá của một số doanh nghiệp tuyển dụng lao động thì 80 – 85% lao động kỹ thuật được sử dụng đúng trình độ đào tạo, khoảng 30% có kỹ năng tay nghề khá trở lên đảm nhận được các vị trí công việc phức tạp mà trước đây phải do người nước ngoài thực hiện. Hoạt động liên kết với doanh nghiệp để thực hiện đào tạo gắn với giải quyết việc làm cho người lao động đã được các cơ sở đào tạo quan tâm tích cực và chủ động; một số trường đã tổ chức ngày hội giới thiệu việc làm cho học sinh, sinh viên, cam kết giải quyết việc làm sau khi tốt nghiệp.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Bùi Đình Long cho biết: "Tỉnh Nghệ An luôn xác định công tác giáo dục nghề nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời tỉnh cũng đã xác định công tác giáo dục nghề nghiệp là 1 trong 3 mũi đột phá là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Để thực hiện được mũi đột phá đó, trong thời gian tới tỉnh Nghệ An sẽ tiếp tục quan tâm xây dựng các chính sách để thu hút học sinh học nghề. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền về công tác đào tạo nghề; các trường nghề liên kết với các doanh nghiệp để đào tạo nghề; thành lập các tổ công tác để kết nối nhà trường và doanh nghiệp; tổ chức xúc tiến đầu tư để thu hút doanhnghiệp giải quyết việc làm cho người lao động;… Đặc biệt các nhà trường cần nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp, đáp ứng với nhu cầu thị trường trong và ngoài nước. Để nâng cao chất lượng GDNN, tỉnh đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành liên quan. Trên cơ sở dự báo nhu cầu đào tạo, các quy định của Nhà nước để tham mưu xây dựng dự thảo quy hoạch mạng lưới các tổ chức GDNN trên địa bàn, thúc đẩy hợp tác giữa cơ sở GDNN với doanh nghiệp và giữa các cơ sở GDNN trên địa bàn toàn tỉnh" .
Được biết, các cơ sở GDNN tại Nghệ An tự đánh giá chất lượng theo quy định, chủ động lựa chọn ngành, nghề mũi nhọn phù hợp để thu hút học sinh, đổi mới công tác quản trị, xây dựng vị trí việc làm, điều chỉnh quy chế tổ chức, hoạt động và các quy định nội bộ. Đồng thời, hợp tác - liên kết - liên danh với các doanh nghiệp trong việc xác định nhu cầu, xây dựng chương trình đào tạo để đảm bảo sát với thực tế nhu cầu của thị trường lao động. Trong thời gian tới, Nghệ An tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS, THPT vào học giáo dục nghề nghiệp, ban hành cơ chế phối hợp, gắn kết giữa cơ quan quản lý, nhà trường và doanh nghiệp trong các hoạt động giáo dục nghề nghiệp và danh mục các ngành nghề phải sử dụng lao động đã qua đào tạo để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của doanh nghiệp, mở rộng và đáp ứng lao động có tay nghề cao cho thị trường lao động trong và ngoài nước.