THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:30

Đào tạo nghề - chìa khóa để giảm nghèo bền vững

Đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục tích hợp ban hành các chính sách giảm nghèo

Đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) cho rằng, triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm đều qua các năm từ 9,88% cuối năm 2015 còn 3,75% cuối năm 2019. Bình quân trong 4 năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,53%/năm. Tại các huyện nghèo, tỷ lệ hộ nghèo cũng giảm đều qua các năm từ 50,43% vào cuối năm 2015 xuống 27,85% cuối năm 2019; bình quân trong 4 năm giảm 5,65%/năm.

Đào tạo nghề - chìa khóa để giảm nghèo bền vững - Ảnh 1.

Đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang).

Những kết quả đạt được trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 thể hiện sự quyết tâm cao của Đảng và Nhà nước trong mục tiêu phát triển bền vững, chấm dứt mọi hình thức nghèo. Tỷ lệ nghèo dù tính theo chuẩn cũ hay chuẩn nghèo đa chiều trong cả giai đoạn 2011-2020 đều giảm mạnh.

 Tuy nhiên, theo báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban tài chính và ngân sách của Quốc hội cho thấy, kết quả giảm nghèo một số nơi chưa bền vững, chưa đồng đều, chênh lệch giàu nghèo, chênh lệch về tiếp cận các dịch vụ cơ bản, tiếp cận thị trường việc làm giữa các vùng, chênh lệch giàu nghèo chưa được thu hẹp. Nhất là các vùng Tây Nguyên, miền núi phía Bắc tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn cao.

Nguyên nhân của tình trạng này là do các huyện miền núi có xuất phát điểm thấp, mặt bằng dân trí  hạn chế, hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu chưa đảm bảo, chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả. "Cùng với đó là các rào cản về trình độ ngôn ngữ giao tiếp, văn hóa và tâm lý của người bản địa. Đây là nguyên nhân ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển hoạt động sản xuất,hỗ trợ việc làm, đưa khoa học kỹ thuật vào áp dụng để sản xuất, phát triển kinh tế", Đại biểu Ma Thị Thúy nhấn mạnh.

Để chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững 21-25 đạt hiệu quả, nữ đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục tích hợp ban hành các chính sách giảm nghèo, chính sách phát triển kinh tế xã hội theo hướng hỗ trợ các điều kiện, chỉ số, hỗ trợ trực tiếp đối với các chính sách có ảnh hưởng lớn đến an sinh xã hội, giáo dục, y tế.

Tiếp tục tăng hạn mức cho vay ưu đãi và kéo dài thời gian vay vốn với lãi suất ưu đãi cho một số chu trình sản xuất chăn nuôi dài như: Trồng rừng, chăn nuôi trâu bò và cơ sở sản xuất kinh doanh của người đặc biệt khó khăn ở nông thôn.

Thực hiện phân cấp mạnh về tổ chức thực hiện cho địa phương, cơ sở theo phương thức hỗ trợ trọn gói giao quyền cho địa phương và xin ý kiến nhân dân. Các địa phương tùy tình hình thực tế để chủ động bố trí ngân sách để giải quyết những nhu cầu cấp bách trên địa bàn theo mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo.

Giáo dục nghề nghiệp có thể giúp thoát nghèo bền vững

Đồng tình với phát biểu của đại biểu Thúy, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình) cũng cho rằng, giảm nghèo đã đạt được những con số ấn tượng, vượt Nghị quyết 76 của Quốc hội. Đến cuối năm 2020, ước tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,75%, tỷ lệ hộ nghèo tại 64 huyện nghèo trung bình giảm 5,28%/năm,đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 24%, đạt mục tiêu Nghị quyết 142 Quốc hội đề ra.

Đào tạo nghề - chìa khóa để giảm nghèo bền vững - Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình)

Theo đại biểu Dung, ILO đã nhấn mạnh vai trò của đào tạo nghề cho người nghèo. Nghèo đói có liên quan đến trình độ năng lực của con người. Do đó, kỹ năng và khả năng làm việc góp quan trọng vào giảm nghèo, gắn kết xã hội tốt hơn và ổn định xã hội. Đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động sẽ giải quyết được vòng tròn luẩn quẩn hiện nay: Nghèo đói – không đi học – không có nghề nghiệp – nghèo đói. Giáo dục nghề nghiệp có thể giúp các cá nhân và hộ gia đình thoát nghèo bền vững. Các cá nhân được đào tạo nghề nghiệp chính quy, bài bản có nhiều khả năng tìm được việc làm chính thức nhiều hơn.

ILO cũng khuyến cáo, các quốc gia triển khai Chương trình giảm nghèo nên xem xét tăng cường khả năng tiếp cận nghề nghiệp, khuyến khích giáo dục nghề nghiệp, phát huy hết tiềm năng để giảm nghèo. Đây là bài học kinh nghiệm đã triển khai hiệu quả tại các nước  như: Hàn Quốc, Bangladesh...

Tại Việt Nam, giáo dục nghề nghiệp ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập của các hộ gia đình, ảnh hưởng đến tình trạng đói nghèo của các hộ gia đình. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều có tương quan với trình độ giáo dục của chủ hộ. Theo đó, tỷ lệ hộ nghèo của những hộ có chủ hộ tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp chỉ dưới 1% trong khi nhóm chủ hộ chưa học xong tiểu học chiếm tới 26,6%. Giai đoạn 2012-2016, tốc độ giảm nghèo ở các hộ nghèo có trình độ học vấn cao hơn so với các hộ có trình độ học vấn thấp. Mặt khác, tình trạng trẻ bỏ học khi học hết lớp 9 ở các hộ nghèo còn diễn ra nhiều. "Việc phân luồng và dạy nghề là giải pháp phù hợp để khắc phục tình trạng này", đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung nói.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung, trong bối cảnh hiện nay, để đảm bảo an sinh xã hội, một trong những giải pháp cần triển khai là xây dựng đề xuất chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội giai đoạn mới theo hướng tiếp nối Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 với tư duy mới về giảm nghèo bền vững.

Để giảm nghèo bền vững, chống nguy cơ trở thành hộ nghèo, tái nghèo, cận nghèo thì đào tạo nghề là giải pháp căn cơ, hiệu quả. Phát triển giáo dục nghề nghiệp, thúc đẩy tăng năng suất lao động chất lượng và hiệu quả trên cơ sở chiến lược tăng trưởng cân bằng, an toàn, bền vững, bao trùm và sáng tạo. Người lao động có thu nhập, tiền lương đảm bảo đời sống gia đình từ mức trung bình của xã hội trở lên. Đồng thời, giáo dục nghề nghiệp là dịch vụ xã hội cơ bản trong hệ thống an sinh xã hội. Theo đại biểu Dung, Việt Nam cần xây dựng hệ thống an sinh xã hội đa từng, đa dạng, linh hoạt, tập trung vào các trụ cột chính của an sinh xã hội trong đó nghề nghiệp giữ vai trò quan trọng.

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh