CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 09:32

Ngày mới ở Tơ Tung

 

Tự hào với huyền thoại làng S’Tơ

Làng S’Tơ còn có tên gọi khác là làng Kông Hoa (thuộc xã Tơ Tung, nơi Đinh Núp cất tiếng khóc trào đời). Cái tên Kông Hoa là do nhà văn Nguyên Ngọc đặt trong tiểu thuyết “Đất nước đứng lên”. Nhiều thế hệ các cộng đồng dân tộc ở Tây Nguyên luôn xem làng Kông Hoa là biểu tượng của lòng kiêu hãnh. Ở đó, đã diễn ra trận đánh ác liệt của đội du kích S’Tơ do anh hùng Núp làm đội trưởng, bẻ gãy xương sống chiến dịch bành trướng thế lực ra khắp Tây Nguyên của địch. Ở đó, nhà văn Nguyên Ngọc cũng đã dựng lên một tác phẩm mang đậm đầy tính hào hùng, kiên trung của các dân tộc ở Tây Nguyên mà nhân vật chính nguyên mẫu là Đinh Núp, tác phẩm “Đất nước đứng lên”. Ở đó, cũng là nơi hơn 2.000 đồng bào thuộc các cộng đồng dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên đọc lời thề một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ, chiến đấu chống trả kẻ địch đến cùng.

 

           Nhà lưu niệm anh hùng Núp ở Tơ Tung.


Theo tư liệu lưu lại ở nhà lưu niệm anh hùng Núp, tháng 7/1950, Pháp ồ ạt đánh vào làng S’Tơ, chúng ức hiếp và dồn dân hết ra phía đường 19 để dễ cai quản. Nhiều cuộc chống trả nhỏ lẻ của ta đã bị chúng nhanh chóng dập tắt. Đúng lúc này, Đinh Núp nảy ra ý định kêu gọi tất cả đoàn kết lập nên đội du kích S’Tơ, rút khỏi đường 19, lên núi lập căn cứ để trường kỳ kháng chiến. Cũng từ đó, Pháp liên tục mở các trận càn lên căn cứ của Đinh Núp và làng S’Tơ. Nhưng bằng nhiều kiểu đánh tẻ thông minh, Đội trưởng Núp cùng với dân làng S’Tơ đều đánh bật quân Pháp ra khỏi làng căn cứ.

Bồi hồi nhớ lại những ngày “nếm mật nằm gai”, già làng Đinh Manh hướng ánh mắt về dãy núi Chư Lây kể: “Cùng với anh hùng Núp, làng S’Tơ này xứng đáng là một huyền thoại. Thời đó tôi nhỏ nhưng nhớ rất rõ cảnh đói khổ, ăn củ mỳ, đốt cỏ tranh thay muối để ăn với lá rừng, nhưng ai cũng theo Núp đánh giặc, không ngại gian khổ. Đây là cái nôi nuôi dấu cán bộ cách mạng, cán bộ Việt Minh. Ngày đó, cán bộ Việt Minh được Núp chỉ cách hóa trang là đồng bào Ba Na nên địch chẳng hề biết. Chính nhà văn Nguyên Ngọc cũng được anh hùng Núp nuôi dấu ở trong nhà rồi trang bị cả khố, cải trang để hoạt động bí mật. Ngày đó, không kể ngày đêm, đội du kích của Đinh Núp đi khắp nơi vận động giúp đỡ cách mạng, tổ chức đánh giặc. Trong kháng chiến là thế, trong thời bình, người dân làng S’Tơ đoàn kết một lòng xây dựng quê hương giàu đẹp".

 

             Tơ Tung đã vươn lên no ấm.


Làng S’Tơ cũng là làng kiểu mẫu của Tây Nguyên về cả tinh thần vượt khó, lòng dũng cảm và lòng son sắt giữ gìn văn hóa. Vậy nên, đến làng S’Tơ hôm nay, khắp nơi đều tràn ngập niềm vui no ấm, đường nhựa xe chạy bon bon. Chính giữa làng là ngôi nhà lưu niệm anh hùng Núp. Những kỷ vật gắn liền với cuộc đời chiến đấu của Núp cùng với đội du kích làng Kông Hoa đều được lưu giữ ở đây. Ấn tượng nhất là bộ chiêng làm hiệu lệnh chiến đấu, bộ kèn làm âm hiệu của các chiến sỹ người Ba Na trong đội du kích của Đinh Núp, tại đây cũng lưu giữ nhiều bức ảnh quý chụp chung Đinh Núp với các lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước ta và Chủ tịch Cuba Phidel Castro. Trong một lần sang thăm Cuba, Chủ tịch Phidel Castro đã nói: “Đinh Núp là một biểu tượng đại diện cho lòng quả cảm, đoàn kết và yêu nước, yêu dân tộc, chiến đấu chống ngoại xâm đến cùng của cộng đồng dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên Việt Nam”. 

Vươn lên no ấm

Từ làng S’Tơ không khí lao động sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật lan rộng ra khắp xã Tơ Tung. Sang năm 2017, 100% tuyến đường liên xã đã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, trên 70% đường trục thôn, xóm, đường trục chính nội đồng được cứng hóa đạt chuẩn. Hệ thống thủy lợi đáp ứng đầy đủ nhu cầu sản xuất, 98% người dân được sử dụng điện. Khoa học kỹ thuật được triển khai đến tận thôn buôn để hướng dẫn các hộ dân áp dụng vào sản xuất, nâng cao đời sống.

 

              Một số hình ảnh anh hùng Núp đến thăm đất nước Cu Ba.


Ngoài 3.500 ha lúa, Tơ Tung còn có 95,5 ha mì, 227 ha đậu cao sản, gần 2.200 ha mía, đàn gia súc lên đến gần 6.000 con. Chỉ tay về cánh đồng ngút ngàn màu xanh của mía, ngô nằm phía sau UBND xã Tơ Tung, ông Trần Xuân Nam, phó chủ tịch xã tự hào: “Những cánh đồng này đang từng ngày mang lại no ấm cho các dân tộc ở Tơ Tung, những kỹ thuật mới đã được đưa vào áp dụng nên giá trị đạt 50 triệu/ha/năm không còn là chuyện lạ lẫm ở đây nữa. Dân Tơ Tung cũng đã biết cởi bỏ tư tưởng “trời sinh voi, trời sinh cỏ” nên tỷ lệ tăng dân số đã giảm nhanh, giáo dục cũng luôn được chú trọng phát triển, 100% học sinh đến trường đúng độ tuổi, đã hoàn thành phổ cập tiểu học. Công tác vận động học sinh ra lớp luôn được quan tân từ cấp xã đến tận thôn xóm.

Già làng Y Nhom nói thêm: “Người Ba Na cũng như các cộng đồng dân tộc khác ở Tơ Tung hôm nay đã chịu khó làm ăn rồi, không còn hộ đói nữa. Hộ nghèo cũng ít thôi, vài năm nữa sẽ hết. Các hộ người Bắc vào cũng tốt lắm, giúp đỡ người Ba Na nhiều đấy chứ. Tơ Tung anh hùng trong chiến đấu thì cũng phải anh hùng trong lao động sản xuất. Quả đúng như lời ông Nam và già làng Y Nhom nói, Tơ Tung đã khác xưa hoàn toàn. Các chương trình đầu tư lớn của Chính phủ như Chương trình 135 đã tạo bước đột phá mang yếu tố bền vững trong quá trình xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội ở địa phương.

Biểu tượng của lòng dũng cảm và sáng tạo

 

 Anh hùng Núp là biểu tượng của dũng cảm và sáng tạo


Anh hùng Đinh Núp (1914 - 1999), còn có tên gọi khác là Sar, là người dân tộc Ba Na là biểu tượng của lòng dũng cảm và sáng tạo. Khi mới bước sang tuổi 21 phải chứng kiến cảnh Pháp về làng bắt dân đánh đập và làm phu khiến dân làng khiếp sợ chốn hết vào rừng, xem Pháp là người khổng lồ không phải người thường, lúc đó, một mình Đinh Núp ở lại dùng nỏ bắn Pháp chảy máu để chứng minh với dân làng rằng Pháp cũng là người, có thể chống lại được, không cần khiếp sợ. Từ đó ông một lòng theo Đảng, theo cách mạng. Sau những cống hiến không mệt mỏi cho đất nước, ông đã được phong tặng nhiều danh hiệu cao quý như: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Huy hiệu Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng ba, Huân chương chiến công hạng nhất… và nhiều bằng khen khác. Ông từng là đại biểu quốc hội, ủy viên Ủy ban thường vụ quốc hội khóa VI (1976 - 1981). Sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, ông đã giữ chức Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Gia Lai nhiều năm liền.

ĐÔNG HƯNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
4 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh