Khởi sắc vùng đồng bào dân tộc Khmer
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 17:56 - 11/04/2016
Những con đường sình đất ngày nào, giờ đã được bê tông hóa; những căn nhà kiên cố và bán kiên cố mọc lên ngày càng nhiều. Sức sống mới ở vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer ở Hòn Đất đang từng ngày bừng sáng.
Chị Thị Thanh, ngụ xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất cho biết, những năm trước do gia đình không có đất sản xuất, nên đời sống rất khó khăn. Năm 2013, gia đình chị được địa phương xét hỗ trợ vốn chăn nuôi. Sau gần 3 năm, từ mô hình nhỏ, gia đình chị Thị Thanh đã có gần 50 con lợn thương phẩm, trung bình vào dịp Tết gia đình chị cung cấp cho thị trường gần 2 tấn lợn thịt, lợi nhuận thu về trên 80 triệu đồng. Có vốn, gia đình chị còn mua được 1 ha đất sản xuất, căn nhà xiêu vẹo ngày nào đã được xây mới khang trang.
Đổi thay vùng đồng bào khmer ở Kiên Giang.
Chị Thị Thanh, cho biết: “Nếu không có nguồn vốn hỗ trợ ban đầu, gia đình tôi không thể có được cơ ngơi như ngày hôm nay. Căn nhà đang xây dựng với tổng số tiền hơn 100 triệu đồng đang chuẩn bị hoàn thành vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc khiến gia đình tôi vui mừng hơn bao giờ hết. Đặc biệt, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương, gia đình tôi không chỉ thoát nghèo mà con cái cũng được học hành đầy đủ hơn”.
Còn bà Thị Thuận, ngụ xã Lình Huỳnh, trước đây cũng không có đất sản xuất, năm 2012, gia đình bà được xét hỗ trợ cho vay để mua đất sản xuất. Nhờ cần cù, siêng năng, đến nay gia đình bà đã thoát được cảnh đi làm thuê, cuộc sống cũng khấm khá hơn.
Nhiều hộ đồng bào Khmer đã có đất sản xuất, thoát khỏi cảnh làm thuê. Ảnh:TTXVN
Trong những năm qua, bà con đồng bào dân tộc Khmer ở huyện Hòn Đất cũng tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, mạnh dạn đầu tư để đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Chính vì vậy, năng suất lúa cũng tăng theo từng vụ, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc Khmer ở đây bắt đầu được nâng lên.
Theo ông Danh Ân, Trưởng phòng Dân tộc huyện Hòn Đất, tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc Khmer chiếm 12,68% dân số toàn huyện, sinh sống tập trung nhiều nhất ở các xã Thổ Sơn, Bình Sơn, Lình Huỳnh và thị trấn Sóc Sơn. Những năm qua, ngoài sự quan tâm hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, nhiều bà con dân tộc Khmer đã nỗ lực vươn lên trong sản xuất, từng bước thay đổi cách nghĩ, cách làm từ đó thoát nghèo và nhiều gia đình vươn lên khá giả. Qua đó, hộ nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer của huyện đến nay giảm xuống còn dưới 8%; hộ sử dụng nước sạch hợp vệ sinh và điện lưới quốc gia trên 94%.