CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:21

Ngày 30/4 trong ký ức của mẹ

 

An Phú Đông khu căn cứ cách mạng xưa.

 

Mẹ kể rằng, hồi nhỏ cả gia đìnhh ông bà ngoại tôi sông ở vùng “bất an ninh”, có nghĩa đây là vùng đất mà ban ngày Mỹ kiểm soát, nhưng ban đêm là du kích hoạt động. Từ nhỏ mẹ đã quen với việc ban ngày ông bà ngoại tôi cũng như nhiều người lớn khác đi làm ruộng, nhưng đến tối chạng vạng là ai phải về nhà nấy đóng cửa. Đêm đêm ông ngoại bắt tất cả phải đi ngủ sớm, nhưng kỳ lạ thay là mỗi lần thức giấc, mẹ tôi đều nghe tiếng ông nói chuyện lầm rầm với ai đó, rồi lại tiếng bà ngoại lục đục nấu cơm. Nhưng nếu sáng ra có hỏi chắc chắn sẽ bị bà tôi nạt ngang là con nít nhiều chuyện biết gì mà hỏi. Mẹ tôi cũng quen với việc nghe súng nổ râm ran nhưng nếu súng nổ rát, nổ giòn thì ông ngoại tôi lại hớt hải chạy đi nghe ngóng: “Thôi chết, chắc mấy ổng lại đụng độ rồi”.

Ký ức đau thương nhất của mẹ có lẽ là ngày bà ngoại tôi mất, năm đó mẹ tôi 8 tuổi. Bà ngoại tôi được chôn ngay trên nền nhà của mình. Rồi sau đó ông ngoại dắt con cái tìm đến vùng ven của Sài Gòn mong được an cư lạc nghiệp. Nhưng trong thời kỳ nóng bỏng nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cả Nam bộ dường như sôi sục trong máu lửa chẳng có tấc đất nào có thể bình yên. Ngôi nhà mới của ông tôi nằm heo hút cạnh một con rạch nhỏ vô hình chung lại trở thành địa điểm lý tưởng để làm cơ sở của du kích địa phương. Mẹ tôi kể, cuộc sống của ông ngoại tôi chẳng khác trước là bao. Ban ngày ông làm ruộng, rẫy. Đêm đến lại đào hầm, ngọn đèn dầu để cạnh cửa sổ khi thì vặn to khi thì vặn nhỏ, những tiếng huýt sáo bí ẩn, những tiếng gọi cửa lúc nửa đêm: “Chú Mười ơi mở cửa cho con”. Dần dần mẹ tôi bắt đầu hiểu thêm được nhiều điều đặc biệt và đã hình dung thế nào là chiến tranh. Mẹ tôi thích các cô du kích. Cô nào tóc cũng tóc dài, da trắng, mặc quần ngắn tới đùi và luôn mang theo súng. Nhưng lạ lùng nhất là những câu chuyện họ kể. Những câu chuyện về miền Bắc xa xôi  mà mẹ tôi không biết đó là nơi nào, chỉ biết là để ra được đến đó gian nan lắm. Còn nhiều chuyện về Bác Hồ nữa. Các cô bảo khi nào đánh thắng Mỹ sẽ ra Bắc chơi một chuyến để cho biết hết đất nước mình. “Nhưng đến khi nào thì thắng Mỹ?”. Họ cười bí ẩn: “Sắp rồi!”.

Vườn Cau Đỏ - địa chỉ đỏ của Căn cứ cách mạng An Phú Đông.

 

Mẹ tôi không biết rằng mình đang ở trong vùng trọng điểm của vành đai Sài Gòn. Những vườn mía rộng lớn, những bờ biền có hàng trăm hầm bí mật là nơi ém quân của cán bộ thoát ly từ nội thành ra. Nơi này đồng thời cũng là căn cứ dừng chân của các lực lượng, là mũi nhọn tấn công vào Sài Gòn - Gia Định trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Những ngày sắp đến tháng Tư mẹ tôi cảm nhận có gì đó căng thẳng hơn ẩn giấu đằng sau không khí bình thường hằng ngày. Ban ngày địch vẫn càn quét cấm không cho dân ra sản xuất, nhưng sự phản kháng ngày càng ác liệt hơn. Bởi đây là khu vực địch cho là  “vùng trắng”, khu tử địa được tự do bắn phá để ngăn chặn sự liên lạc và tiếp tế cho cách mạng.

Mấy đêm nay, đêm nào du kích cũng về, mẹ tôi nghe lỏm được câu chuyện và cả lời dặn dò của mọi người với ông ngoại: “Ta sắp đánh lớn lắm đó chú Mười. Chú phải cẩn thận nha, không có chuyện gì cần thì đừng đi đâu hết”. Bình thường ông ngoại tôi vẫn chèo ghe qua chợ mua đồ về tiếp tế. Nhưng dạo này ông đi chợ thường xuyên hơn và mua nhiều đồ, nhiều nhất là bột ngọt (mì chính). Sau này mấy chị giải thích cho mẹ tôi biết, bột ngọt không chỉ để nấu ăn mà còn dùng để cầm máu khi bị thương. Nhưng điều mà mẹ tôi sung sướng nhất là ông ngoại cho mẹ và hai dì đi cùng. Ông ngoại tôi mua đồ chất đầy cả một chiếc ghe nhỏ, đến trạm kiểm soát của địch thì bảo rằng mua về để bán lại kiếm lời. Nhưng kỳ thực bọn lính nghĩa quân thường không hơi đâu nghi ngờ hay lục soát ghe của ông ngoại, vì bọn chúng bận chọc ghẹo các dì tôi. Mẹ tôi nói hồi đó dì đẹp lắm lại ăn nói rất lanh lợi nên tha hồ đối đáp với bọn lính để rồi sau đó chúng cho qua. Không biết bao nhiêu chuyến hàng được chở về trót lọt. Mãi sau này mẹ tôi mới biết ông ngoại cho các con đi theo là có dụng ý. Nếu không có ba đứa con gái đi cùng thì không dễ gì qua được. Mua hàng về, sau đó sắp xếp, gói ghém để đến đêm chờ người đến lấy, để nhận diện từng khuôn mặt thân quen còn trở về là một niềm vui không sao kể xiết.

Rạng rỡ thế hệ trẻ mừng ngày 30/ 4.

Chim hòa bình.

 

Những ngày cuối tháng Tư ông ngoại càng bồn chồn: “Sắp rồi, trận này lớn lắm, trận này phải thắng!”. Chiều 29/4 súng nổ râm ran. Mẹ tôi đang tắm dưới sông, ông ngoại đứng trên bờ hét: “Đi lên, lên liền! Đánh gần tới nơi rồi, biết không!”. Chiều đó cả nhà ăn cơm sớm. Ông ngoại đóng chặt cửa, mẹ tôi lên giường trùm mền kín đầu. Suốt đêm cả nhà không ai ngủ được. Ông ngoại liên tục nghe đài. Mẹ chỉ mong trời mau sáng, rồi lại lo, chắc đêm nay du kích sẽ vượt sông để vào nội thành, không biết họ có về nữa không. Sáng 30/4 tiếng súng càng lúc càng dữ dội. Máy bay quần nát bầu trời. Tiếng bom nổ gần lắm... Không ai dám ra khỏi nhà. Một bầu không khí căng thẳng, đến thở mạnh cũng thấy lo lắng. Không ai thiết ăn uống. Ông ngoại tôi không nói lời nào chỉ làm một việc duy nhất là nghe đài. Đến trưa hôm ấy, mọi thứ như vỡ òa, tin thắng trận, ta đã cắm cờ trên dinh Độc Lập. Mọi người tung cửa chạy ra khỏi nhà, bộ đội về vẫy tay reo hò. Dì tôi nhảy xuống xuồng, mẹ tôi chạy theo chèo ra sông Cái. Kho đạn bên căn cứ 26 gần sân bay Tân Sơn Nhất nổ dữ dội. Mẹ tôi bảo lúc đó vẫn còn sợ lắm, chân đứng không vững nhưng cứ chèo xuồng qua sông để xem bộ đội tiến vào nội thành.

Gói bánh mừng Tết Độc lập ở quận 12.

 

Đêm 30/4 - đêm đầu tiên độc lập. Mẹ tôi kể chưa bao giờ vui như thế. Thanh niên trong ấp tụ họp đốt lửa, nấu chè và ca hát suốt đêm. Và mừng hơn bao giờ hết, du kích lại về. Lần đầu tiên mẹ tôi nhìn rõ mặt từng người, nghe rõ từng giọng nói và cũng từ hôm ấy, mẹ tôi được kết nạp vào đội du kích xã. Lần đầu tiên được mang súng, tập đội hình, nghe chuyện thời sự, đi dự mít tinh ở trung tâm Sài Gòn... tất cả như hồi sinh, mẹ tôi như sống một cuộc đời khác với sự khát khao và nồng nhiệt nhất của tuổi trẻ.

“Bây giờ tụi bây 15 tuổi còn như con nít, chứ tao hồi đó ông ngoại mày bắt làm đủ thứ”. Những lúc rảnh rỗi mẹ tôi lại càm ràm so sánh. “Cái thời của mẹ phải khác thời tụi con chứ” - Tôi thường tranh luận lại mẹ như thế, nhưng bỗng tôi nhận ra một điều: Cái thời của mẹ hay cái thời của cả một dân tộc lớn lên trong mưa đạn chưa bao giờ phai nhạt. Nó như một sợi dây vô hình gắn kết quá khứ - hiện tại - tương lai, bởi lịch sử bao giờ cũng là điều thiêng liêng và quý giá nhất trong sự phát triển của con người.

CHÂU TRƯỜNG THANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh