THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:18

Ngày 10/2, xử phúc thẩm vụ VN Pharma buôn thuốc ung thư giả

Phiên tòa dự kiến sẽ diễn ra trong hai ngày.

Trước đó, tại phiên sơ thẩm, tòa đã tuyên phạt bị cáo Võ Mạnh Cường (nguyên Giám đốc Công ty TNHH Thương mại hàng hải quốc tế H&C) 20 năm tù; Nguyễn Minh Hùng (nguyên Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc VN Pharma) 17 năm tù về tội buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh. Các bị cáo còn lại có mức án từ 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo đến 12 năm tù cùng về tội danh trên.

Theo cáo trạng, khoảng giữa năm 2013, các bị cáo trên đã làm hồ sơ giả nhập thuốc chữa ung thư H-Capita về Việt Nam. Theo giám định của Bộ Y tế, lô thuốc này không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh.

Còn theo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh, dự kiến sáng nay (10/2), Tòa án nhân dân Cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh mở phiên xử phúc thẩm vụ VN Pharma nhập thuốc trị ung thư giả. Phiên xử theo kế hoạch sẽ diễn ra trong hai ngày.

Tất cả 12 bị cáo của vụ án dù có kháng cáo hay không cũng phải hầu tòa. Tòa cũng triệu tập các tổ chức giám định và thành viên tổ giám định cùng hơn 180 người liên quan được cấp sơ thẩm xác định theo bản án.

Cựu tổng giám đốc VN Pharma chấp nhận 17 năm tù

Đầu tháng 10/2019, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xử sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo Võ Mạnh Cường (cựu giám đốc Công ty TNHH Thương mại hàng hải quốc tế H&C) 20 năm tù, Nguyễn Minh Hùng (cựu chủ tịch, tổng giám đốc VN Pharma) 17 năm tù về tội buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh theo khoản 4 Điều 157 BLHS. Cùng tội danh và khung hình phạt này, tòa tuyên các đồng phạm còn lại mức án từ ba năm án treo đến 12 năm tù.

Có vai trò chủ mưu, cựu tổng giám đốc VN Pharma Nguyễn Minh Hùng không kháng cáo, chấp nhận mức án đã tuyên. Đồng chủ mưu trong vụ án, bị cáo Cường cùng nhiều bị cáo khác kêu oan và xin giảm nhẹ hình phạt.

Bản án xác định năm 2013 Hùng đặt mua thuốc H-Capita của Công ty Helix Canada thông qua Cường. Do Cường không cung cấp được giấy kiểm nghiệm và thực hành thuốc của nhà sản xuất để xin cấp phép nhập khẩu nên Hùng đã chỉ đạo cấp dưới thuê dược sĩ viết hồ sơ thuốc, làm con dấu, tài liệu giả nộp cho Cục Quản lý dược... và nhập trót lọt 9.300 hộp thuốc về Thành phố Hồ Chí Minh.

Đối với bị cáo Cường, Hội đồng xét xử nhận định hơn ai hết bị cáo biết rõ lô thuốc này không rõ nguồn gốc, trực tiếp làm việc với ông Raymundo và biết người này không cung cấp được các tài liệu theo yêu cầu. Cường cũng trực tiếp tra mã hàng trên mạng, kiểm tra, phát hiện không thấy thông tin nhà sản xuất và đã thông báo cho Hùng. Tuy nhiên, bị cáo tiếp tục thông đồng với Hùng chỉ đạo nhân viên cấp dưới cung cấp giấy tờ giả để làm hồ sơ nhập khẩu. Theo tòa, bị cáo Cường là người chủ mưu cầm đầu và quan trọng nhất trong vụ án.

Bản án sơ thẩm cũng xem xét cho các bị cáo nhiều tình tiết giảm nhẹ như lô thuốc H-Capita chưa bán ra thị trường nên chưa có hậu quả xảy ra… Tuy nhiên, hành vi của các bị cáo là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội nên cần phải có mức án thật nghiêm khắc.

Kiến nghị Bộ Y tế siết nhiều lỗ hổng

Hội đồng xét xử sơ thẩm khẳng định đủ cơ sở xác định: Để nhập lô thuốc H-Capita, các bị cáo đã có hành vi làm giả giấy tờ, chứng từ... để nhập khẩu rồi nâng khống giá trị để bán kiếm lời. Các bị cáo đã nhập được 9.300 hộp thuốc H-Capita.

Kết quả tương trợ tư pháp tại Canada xác định Công ty Helix Canada không có thật, lô thuốc lại được sản xuất tại Ấn Độ. Căn cứ vào các quy định cũng như các giám định, tòa sơ thẩm xác định toàn bộ lô 9.300 hộp thuốc H-Capita làm giả về nguồn gốc, xuất xứ, tạp chất định danh không đủ tiêu chuẩn, hồ sơ kỹ thuật thuốc đã bị làm giả... Từ đó, Hội đồng xét xử cho rằng có đủ căn cứ xác định các bị cáo đã phạm tội buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh.

Hội đồng xét xử cũng nhận thấy hiện nay việc cấp phép nhập khẩu thuốc còn nhiều lỗ hổng nên đề nghị Bộ Y tế nhanh chóng sửa đổi chính sách để tránh tình trạng tương tự. Đồng thời qua vụ VN Pharma, tòa cũng kiến nghị Cơ quan điều tra Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao cần nhanh chóng điều tra, kết luận những hành vi đã tách ra khỏi vụ án này…

4 loại thuốc giả đã tiêu thụ hết

Sau bản án sơ thẩm, VKSND Tối cao (Vụ 3) đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với bảy người về tội buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh (giai đoạn hai của vụ án).

Các bị can này gồm Hùng, Cường, Nguyễn Trí Nhật (SN 1975, cựu phó tổng giám đốc VN Pharma), Ngô Anh Quốc (SN 1984, cựu phó tổng giám đốc VN Pharma), Phan Cẩm Loan (SN 1973, cựu phó trưởng Phòng xuất nhập khẩu VN Pharma), Lê Thị Vũ Phương (SN 1982, cựu kế toán trưởng VN Pharma), Phạm Quỳnh Trang (SN 1980, cựu nhân viên Công ty TNHH Thương mại hàng hải quốc tế H&C).

Theo đó, VKS cũng phê chuẩn lệnh bắt hai bị can Ngô Anh Quốc và Nguyễn Trí Nhật tạm giam thời hạn bốn tháng. Các bị can Lê Thị Vũ Phương, Phan Cẩm Loan, Phạm Quỳnh Trang được tại ngoại và áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú. Riêng Hùng và Cường cũng bị tạm giam từ giai đoạn trước của vụ án.

Cựu chủ tịch VN Pharma Hùng bị cáo buộc đã chỉ đạo cấp dưới sử dụng giấy phép đăng ký lưu hành (visa) có sẵn của bốn loại thuốc do Công ty Health 2000 Canada sản xuất, được Cục Quản lý dược cấp cho Công ty Coduphar và Công ty Vimedimex, móc nối với Võ Mạnh Cường mua bốn loại thuốc kháng sinh là Kafotax - 1000, Kaderox - 250, H2K Levfloxacin và H2K Coprofloxacin.

Hành vi của cựu chủ tịch VN Pharma và đồng phạm được cơ quan điều tra đánh giá là gây hậu quả nghiêm trọng hơn, bởi bốn loại thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ VN Pharma nhập lậu về đã tiêu thụ hết.

Trước đó, tháng 9-2019, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) và các cơ quan liên quan. Vụ án này hiện cơ quan chức năng chưa công bố kết quả điều tra.

HOÀNG MINH (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh