Ngành Lao động -Thương binh và Xã hội: Nỗ lực, đổi mới, sáng tạo
- Dược liệu
- 02:00 - 05/10/2019
Xem xét và giải quyết trên 6.000 hồ sơ người có công tồn đọng
Báo cáo về việc thực hiện chất vấn và lời hứa, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đến tháng 8/2019, Bộ trưởng đã tham gia trả lời chất vấn trực tiếp tại phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và tại Hội trường kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV; đã nhận và trả lời 53 phiếu ghi chất vấn với 74 ý kiến chất vấn của Đại biểu Quốc hội liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ, ngành.
Về thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về trả lời chất vấn đối với lĩnh vực người có công (NCC), Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, những năm qua, Bộ LĐ-TB&XH đã có nhiều nỗ lực, đổi mới, sáng tạo trong phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành, địa phương triển khai các hoạt động kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ. "Thông qua các hoạt động kỷ niệm với cách làm sáng tạo, Bộ đã tiếp tục làm dấy lên phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" sâu rộng, xuyên suốt từ Trung ương đến các làng bản, xóm thôn với sự tham gia của toàn xã hội. Đây có thể được coi là thành công lớn nhất của ngành LĐ-TB&XH những năm qua; khơi dậy lòng tự hào dân tộc, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Ðảng và Nhà nước", Bộ trưởng khẳng định.
Theo thống kê, tính từ năm 2010 trở lại đây, phong trào "Ðền ơn đáp nghĩa" đã tiếp nhận 6.481 tỷ đồng, xây mới 85.145 căn, sửa chữa 70.431 căn nhà tình nghĩa với tổng kinh phí gần 12.683 tỷ đồng; tặng 124.029 sổ tiết kiệm tình nghĩa trị giá gần 981 tỷ đồng; cả nước có 6.186 Bà mẹ Việt Nam anh hùng được các đơn vị nhận phụng dưỡng suốt đời.
Hàng năm, ngân sách Nhà nước đã dành hơn 32.000 tỷ đồng để thực hiện các chế độ ưu đãi cho 9,2 triệu NCC với cách mạng, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi năm 2019 là 1.624.000 (cao hơn mức lương cơ sở). Chủ tịch nước dành gần 1.000 tỷ đồng tặng quà nhân dịp Tết và Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Cùng với sự chung tay góp sức của cộng đồng xã hội từ Trung ương đến các ấp, thôn, bản và sự vươn lên của NCC, đến nay, 99% NCC có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống nơi cư trú; phấn đấu năm 2020, 100% NCC có mức sống cao hơn người dân nơi cư trú, không còn hộ NCC thuộc diện hộ nghèo.
Qua hơn 3 năm triển khai các cấp, ngành đã rà soát, xem xét và giải quyết trên 6.000 hồ sơ tồn đọng (bao gồm 5.900 hồ sơ tồn đọng ở cấp tỉnh được rà soát tại thời điểm 2007), đạt tỷ lệ xử lý 100%, thực hiện giải quyết chế độ hoặc trả lời đối với những hồ sơ không đủ điều kiện. Trong đó đã xác nhận trên 2.000 liệt sĩ, trên 2.600 thương binh, những hồ sơ không đủ điều kiện cũng đã kết luận và giải thích thấu tình đạt lý cho đối tượng. Trên cơ sở kết quả đạt được của Quyết định 408/QĐ-LĐTBXH, các cơ quan chức năng đang từng bước mở rộng phạm vi giải quyết hồ sơ tồn đọng ở cấp huyện, xã và trong nhân dân, bao gồm 725 hồ sơ (323 liệt sĩ, 402 thương binh), dự kiến giải quyết trong năm 2019.
Bộ LĐ-TB&XH đang phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, sửa đổi toàn diện dự án Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng, dự kiến trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành vào tháng 12/2019.
85% số người học nghề xong có việc làm
Trong khi chờ xây dựng quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) theo đúng quy định của Luật Quy hoạch 2018, Bộ đã chủ động triển khai quy hoạch 45 trường chất lượng cao, 134 ngành/ nghề trọng điểm. Kết quả năm 2018 giảm được 35 trường; 6 tháng năm 2019 giảm được 24 trường, hiện nhận được đề nghị của 24 địa phương đề nghị sáp nhập 10 trường cao đẳng, 32 trường trung cấp. Tính chung năm 2018 - 2019 sẽ giảm được 100 trường công lập.
Tuyển sinh GDNN có sự chuyển biến rõ rệt, nhất là trình độ trung cấp, cao đẳng. Nếu trước năm 2017 chỉ đạt 60 - 70% kế hoạch thì 2 năm 2017 - 2018 đều vượt kế hoạch năm, nhiều trường trong 8 tháng năm 2019 đã tuyển đủ chỉ tiêu cả năm và tổ chức khai giảng sớm. Gắn kết với doanh nghiệp, thị trường lao động là 1 trong 3 đột phá để đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN. Bộ đã ban hành Thông tư cho phép doanh nghiệp có thể đảm nhận giảng dạy đến 40% thời lượng của chương trình đào tạo; xây dựng kế hoạch và chỉ đạo, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương, cơ sở đẩy mạnh triển khai các hoạt động hợp tác với doanh nghiệp, ký kết hợp tác, đặt hàng đào tạo... Cơ chế phối hợp 3 bên: Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp đang bắt đầu hình thành và vận hành tốt trong thực tiễn thông qua chương trình phối hợp công tác giữa Tổng cục GDNN với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), với các hiệp hội, tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước.
Chất lượng, hiệu quả đào tạo đã chuyển biến tích cực với 85% số người học nghề xong có việc làm. Ở nhiều trường, nhiều nghề, 100% người tốt nghiệp có việc làm với thu nhập tốt. Đã xuất hiện ngày càng nhiều các mô hình đào tạo hiệu quả; một số cơ sở, chương trình đánh giá đạt tiêu chuẩn kiểm định của Anh, 2 chương trình được nhận chứng chỉ kiểm định ABET rất uy tín của Mỹ, 25 trường được công nhận đủ điều kiện triển khai đào tạo một số nghề theo chuẩn của Australia, 45 trường đào tạo theo tiêu chuẩn của Đức... Cùng với đó, việc đẩy mạnh gắn kết với doanh nghiệp, đào tạo theo đơn đặt hàng, đào tạo theo đơn hàng cung ứng lao động đi làm việc ở các nước ngoài, tuyển sinh gắn với tuyển dụng, đào tạo gắn với cam kết việc làm và thu nhập thỏa đáng sau khi tốt nghiệp; ngày càng nhiều doanh nghiệp đánh giá tốt về chất lượng tay nghề của người lao động. Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã phát huy kết quả, hiệu quả, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế ở khu vực nông thôn, xây dựng nông thôn mới.
Đảm bảo chế độ cho lao động trong các doanh nghiệp bỏ trốn
Năm 2018, ngành đã triển khai một số chính sách mới theo quy định của bảo hiểm xã hội như tiền đóng từ nguồn ngân sách cho bảo hiểm xã hội tự nguyện với tổng số hỗ trợ 27,4 tỷ đồng. Tiếp tục hướng dẫn bảo hiểm hưu trí bổ sung, triển khai các hệ thống công nghệ thông tin, chia sẻ thông tin, kết nối dữ liệu giữa các cơ quan quản lý nhà nước và đặc biệt trong hệ thống bảo hiểm xã hội.
Tình hình thanh tra kiểm tra, năm 2018 đã tổ chức 14.151.000 cuộc, tăng 61,9% so với năm 2017, trong đó có 2.247.000 cuộc thanh tra chuyên đề. Qua thanh tra kiểm tra lập 1.178 biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế. Tổng số tiền phạt 37,7 tỷ đồng.
Về tình hình bảo hiểm xã hội bắt buộc tính đến tháng 31/12//2018, cả nước có 453.623 đơn vị tham gia bảo hiểm bắt buộc tăng 12,6% so với 2017; hơn 14 triệu người tham gia bảo hiểm bắt buộc tăng 6,3% so với năm 2017, tốc độ tăng tham gia bảo hiểm xã hội người dân tăng cao. Theo số liệu hiện có 610.000 doanh nghiệp hoạt động, tuy nhiên cơ quan bảo hiểm xã hội đang quản lý thu bảo hiểm xã hội mới được 327.000 doanh nghiệp, như vậy còn 283.000 doanh nghiệp đang hoạt động nhưng chưa thu được bảo hiểm xã hội. "Nếu thể chế không cho phép để thực hiện thực thi một số quyền cứng rắn, kiên quyết hơn thì việc thu bảo hiểm xã hội sẽ khó khăn hơn" – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Tình hình thu bảo hiểm bắt buộc đến 31/12/2018 là 220.448 tỷ đồng tăng 12,9% so với 2017. Tổng mức đóng bảo hiểm bắt buộc đến 2018, 5. 349 tỷ đồng trong đó nợ quá vụ do đơn vị mất tích, phá sản, giải thể, chủ người nước ngoài bỏ trốn là 2.505 tỷ đồng. Tình hình giải quyết chi trả bảo hiểm xã hội, năm 2018, cơ quan bảo hiểm đã giải quyết hưởng chế độ hưởng cho 137.647 người, trong đó 114.185 người hưởng hưu. Đến ngày 31/12/2018, tổng số người hưởng bảo hiểm xã hội hàng tháng do ngân sách đảm bảo là 1,2 triệu người giảm 1,3% so với năm 2017, ước thực hiện 46.129 tỷ đồng. …
Chia sẻ những khó khăn trong công tác thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, Bộ trưởng cho biết, số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần gia tăng; việc giải quyết chế độ cho các lao động trong các doanh nghiệp bỏ trốn, phá sản, mất tích gặp nhiều khó khăn…
Đánh giá về những nội dung thực hiện chất vấn và thực hiện lời hứa của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi khẳng định, sau khi nhận được chất vấn của các Đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn nghiêm túc nghiên cứu các nội dung chất vấn, khẩn trương trả lời, đảm bảo tiến độ, qua đó cung cấp thêm thông tin và góp phần làm rõ những nội dung mà Đại biểu Quốc hội, cử tri còn băn khoăn. Các nội dung trả lời của Bộ bảo đảm tính khả thi theo đúng quy định của pháp luật, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ và đúng với chức năng, nhiệm vụ của Bộ. Tuy nhiên, ông Bùi Sỹ Lợi lưu ý Bộ trưởng 2 vấn đề: về chế độ đối với lao động bỏ trốn, phá sản và vấn đề dạy nghề cũng cần xem xét và sắp xếp bộ máy của các cơ sở dạy nghề.
"Nếu chúng ta chờ sửa 4 luật thì không khả thi chúng ta phải dùng giải pháp như thế nào cho khả thi. Nếu không giải quyết được vấn đề này người lao động không giải quyết được vấn đề lương hưu, chốt sổ để tham gia bảo hiểm xã hội" – ông Lợi nói