THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:29

Ngành du lịch “khát” lao động

Cần thông thoáng thị thực

Tổng cục Du lịch cho biết, tốc độ tăng trưởng khách du lịch từ năm 2010- 2015 cho thấy sự suy giảm rõ rệt. Cụ thể, lượng khách quốc tế sụt giảm liên tiếp trong 11 tháng qua, trong khi ở hầu hết các nước khu vực, lượng khách vẫn không ngừng tăng.

Cùng đó, một số chính sách mới đang làm khó du khách như chế độ visa mới, lệ phí visa 45 USD, rồi thời gian cấp thủ tục rườm rà, cùng với việc siết chặt du lịch tàu biển… là các nguyên nhân khiến khách nước ngoài sụt giảm, dù đã được giới chuyên gia và DN lữ hành cảnh báo từ trước.

Nhằm giảm bớt khó khăn cho DN, tạo đà tăng trưởng, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam kiến nghị Chính phủ có cơ chế miễn lệ phí visa cho tất cả khách quốc tế vào Việt Nam trong 6 tháng từ tháng 7 đến tháng 12/2015.

Cùng chung quan điểm tháo gỡ những khó khăn trong hút khách quốc tế đến Việt Nam, ông Vũ Duy Vũ, Phó Tổng giám đốc Saigontourist kiến nghị: Chính phủ cần quan tâm hỗ trợ cho ngành kinh tế du lịch bằng các chính sách cụ thể, như đối với chính sách thị thực nhập cảnh, DN mong các cơ quan quản lý tiếp tục miễn visa cho một số thị trường trọng điểm hàng đầu là Pháp, Anh, Đức, Úc, Nhật để tạo ra bước đột phá ở các thị trường này.

Còn đại diện DN du lịch Á Âu đề xuất các cơ quan quản lý sớm triển khai phương thức cấp visa điện tử (E-visa) tạo thuận lợi hơn cho du khách.

Hướng dẫn viên giới thiệu Cố đô Huế với du khách quốc tế.

Thông tin về thị thực nhập cảnh,  ông Vũ Thế Bình cho biết: “Đến thời điểm hiện tại Việt Nam mới chỉ miễn visa cho 16 quốc gia, trong khi đó các quốc gia láng giềng như: Thái Lan đã miễn visa cho 66 quốc gia, Lào miễn visa cho 40 quốc gia, Malaysia miễn visa cho 155 quốc gia.

Chưa kể, trong khi khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đang suy giảm, tỷ lệ người Việt Nam đi du lịch nước ngoài lại tăng trưởng khá nhanh (khoảng 10%/năm) - nghĩa là khách Việt Nam đi du lịch ở các quốc gia luôn cao hơn du khách nước bạn sang Việt Nam”.

Lãnh đạo ngành du lịch thừa nhận, khách quốc tế sụt giảm nguyên nhân còn do những điểm yếu kém tồn tại từ lâu như chặt chém, ép giá du khách… Thực tế, ngành đã triển khai nhiều biện pháp để đảm bảo môi trường du lịch, bình ổn giá cả, yêu cầu các địa phương công khai mức giá, kiểm soát chất lượng dịch vụ. Nhưng vào mùa cao điểm, dường như những giải pháp đó không thể phát huy hiệu quả triệt để.

Nhu cầu lao động tăng nhanh

Không chỉ mang lại nguồn lợi kinh tế, ngành du lịch còn giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nguồn nhân lực địa phương, giảm tỉ lệ thất nghiệp, do vậy khi du lịch tăng trưởng âm, sẽ kéo theo nguy cơ thất nghiệp của LĐ. Theo Tổng cục Du lịch, mỗi năm toàn ngành cần thêm gần 40.000 LĐ nhưng lượng sinh viên chuyên ngành ra trường chỉ khoảng 15.000 người/năm, nhu cầu nhân lực cho ngành du lịch thực sự thiếu trên toàn quốc, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh.

Về tạo công ăn việc làm ổn định từ du lịch, điểm sáng nổi bật phải kể đến là tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu. Tổng doanh thu du lịch năm 2014 trên địa bàn tỉnh này ước đạt khoảng  3.400  tỷ đồng, thu hút hơn 10.000  nhân lực tham gia trực tiếp và gián tiếp. Năm 2014, riêng TP.Vũng Tàu đã đón hơn 3 triệu lượt khách, doanh thu ước đạt hơn 1.000  tỷ đồng.

Với TP. Hồ Chí Minh những tháng đầu năm 2015, nhu cầu LĐ trong các cơ sở du lịch tăng hơn 40% so với tháng 12/2014, tỷ lệ LĐ ngành này đã chiếm gần 8,6% trong tổng số nhu cầu tuyển dụng ở thành phố. Quý 2/2015 là thời điểm thành phố tập trung nhiều sự kiện lớn của đất nước và cũng chào mừng Năm du lịch quốc gia 2015 với chủ đề “Kết nối di sản thế giới”, nhu cầu nhân lực bổ sung các ngành nghề dịch vụ phục vụ, dịch vụ du lịch tiếp tục có xu hướng tăng cao.

Hiện nay, nhân lực cho ngành du lịch thành phố thực sự đang “khát” nhóm ngành hàng khách sạn- dịch vụ. Dự kiến, từ nay đến năm 2020, mỗi năm TP. Hồ Chí Minh cần khoảng 21.600 LĐ khối ngành dịch vụ (khoảng 8% tổng nhu cầu). Đây là ngành có nhu cầu LĐ cao nhất trong 9 nhóm ngành kinh tế dịch vụ trọng điểm tại thành phố (giai đoạn 2015- 2020) và cũng là nhóm ngành có lượng nhu cầu nhân sự gấp 2, 3 lần so với các ngành trọng điểm khác.

Tuy nhiên, đáng chú ý chất lượng nhân sự của ngành du lịch lại đang bộc lộ nhiều vấn đề, từ kỹ năng giao tiếp với du khách, đến ngoại ngữ, kiến thức văn hóa đa phần quá yếu…Nếu không có biện pháp chấn chỉnh kịp thời, ngành du lịch trở nên yếu thế so với các nước trong khu vực ASEAN, nơi mà đầu tư về nhân sự du lịch vượt trội so với Việt Nam.

Nguyễn Thanh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh