THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 12:58

Ngành điện hạt nhân: “Rộng cửa” thu hút lao động

Gấp rút chuẩn bị nhân lực điện hạt nhân

Theo chia sẻ của ông Tấn, công nhân sẽ do các nhà thầu xây dựng đảm nhận, song vấn đề cần giải quyết là những người tham gia vận hành kỹ thuật trực tiếp nhà máy- đội ngũ nòng cốt, thực sự am hiểu và làm chủ công nghệ đặc biệt này.

Cái khó là, nguồn nhân lực cho quản lý, nghiên cứu, phát triển và ứng dụng năng lượng nguyên tử và điện hạt nhân (ĐHN) của Việt Nam hiện nay còn thiếu cả số lượng và chất lượng. Nhu cầu nhân lực rất cao và cấp bách, trong khi số lượng cán bộ đáp ứng nhu cầu tuyển dụng thấp, hệ thống giáo dục và đào tạo các chuyên ngành liên quan đến ĐHN thiếu giáo viên và cơ sở vật chất giảng dạy.

Để đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực cho ngành ĐHN, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 124/2013NĐ-CP quy định chính sách ưu đãi, hỗ trợ người đi đào tạo trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử (NLNT). Theo đó, người học các chuyên ngành trong lĩnh vực NLNT hệ chính quy trình độ cao đẳng, đại học, thạc sĩ và tiến sĩ tại các cơ sở đào tạo được miễn học phí và ở ký túc xá miễn phí.

Ngoài ra, còn có các ưu đãi khác cho sinh viên (SV) đại học, học viên cao học và nghiên cứu sinh… Việc ban hành các chính sách ưu đãi đối với công tác đào tạo và người làm việc trong các đơn vị thuộc lĩnh vực NLNT được coi là động lực để thu hút nguồn nhân lực cho ngành này.

Ước tính đến năm 2020 có hơn 2.000 SV được đào tạo chuyên ngành NLNT, con số này chỉ đáp ứng 1/2 nhu cầu. Hơn nữa, nếu không có chính sách ưu đãi thì cả các trường và SV đều không có đủ tiềm lực để dạy và học.

Thực hành tại lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt. 

Theo quy chế được ban hành, SV đạt loại giỏi được học bổng gấp 15 lần học phí, SV học lực khá hưởng gấp 8 lần. SV năm cuối nếu được xếp loại khá, giỏi sẽ được xét tuyển tu nghiệp tại các nước có nền công nghệ hạt nhân phát triển như Nga, Nhật... Đối với học viên cao học, nghiên cứu sinh trong thời gian tu nghiệp tại nước ngoài sẽ được giữ nguyên lương.

Nhiều hỗ trợ từ quốc tế

Nhằm thu hút nguồn nhân lực cho ngành ĐHN, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã ký Quyết định số 45/2014/QĐ-TTg về chế độ phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp được tính trên mức lương theo ngạch, bậc cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) gồm 4 mức:

Phụ cấp 70% áp dụng đối với người làm việc trực tiếp, thường xuyên tiếp xúc với nguồn bức xạ; phụ cấp 50% áp dụng đối với người làm việc hành chính, phục vụ trực tiếp tại các cơ sở mà có nguy cơ nhiễm xạ; phụ cấp 40% áp dụng đối với người làm việc gián tiếp, không thường xuyên tiếp xúc với nguồn bức xạ; phụ cấp 20% áp dụng với người làm việc hành chính, phục vụ không thuộc đối tượng quy định tại mức 2 nêu trên.

Trên thực tế, Việt Nam đã nhận được nhiều sự hỗ trợ của các quốc gia; trong đó riêng Nga đã cam kết cung cấp cho Việt Nam khoản vay tín dụng ưu đãi khoảng 10 tỷ USD cho dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và các công tác chuẩn bị liên quan. Ông Lê Doãn Phác, chuyên viên cao cấp của Bộ KH&CN cho biết: “Từ năm 2010, Bộ GD&ĐT cùng Tập đoàn NLNT quốc gia Liên bang Nga (Rosatom) đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực này; sau đó, Bộ KH &CN và Rosatom cũng ký Bản ghi nhớ có nội dung tương tự.

Cục An toàn bức xạ và hạt nhân ký một số biên bản làm việc với Cơ quan Giám sát môi trường, Công nghiệp và Hạt nhân Liên bang Nga (Rostechnadzor) về xây dựng văn bản pháp quy và đào tạo nhân lực cho cơ quan pháp quy của Việt Nam. Ngoài ra, Nga còn tài trợ cho Việt Nam xây dựng Trung tâm thông tin năng lượng nguyên tử tại trường ĐH Bách khoa (Hà Nội), đã đi vào hoạt động từ tháng 4/2012”.

Hiện, Bộ GD&ĐT đã gửi Liên bang Nga đào tạo 323 SV đại học và 10 thạc sỹ về chuyên ngành thiết bị, lắp ráp nhà máy ĐHN. Từ năm 2015 trở đi, hàng năm cử 70 SV sang Nga, 20 SV sang Nhật Bản và cử hàng trăm lượt cán bộ, giảng viên tham dự các khóa đào tạo ngắn hạn tại Hungary.

Bộ KH&CN cũng tích cực phối hợp với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) và một số nước tổ chức nhiều khóa đào tạo ngắn hạn, dài hạn cho cán bộ, SV tại một số nước phát triển ngành ĐHN.

Nguyễn Thanh

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh