Các tỉnh thành phía Nam đẩy nhanh tiến độ chi trả tiền hỗ trợ đến tay người bị ảnh hưởng dịch Covid-19
- Dược liệu
- 17:26 - 03/05/2020
- Đối tượng bảo trợ xã hội trong danh sách hưởng tháng 4/2020 nhưng vừa chết có được nhận gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng?
- Nhiều quận, huyện trên địa bàn Hà Nội đã chi trả gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng đạt trên 90%
- Bộ LĐ-TB&XH giải đáp những vướng mắc khi thực hiện gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng qua Tổng đài 111 và đường dây nóng
Thông tin với phóng viên, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cho biết, mặc dù trong những ngày nghỉ lễ 30/4 - 1/5, nhưng nhiều địa phương trên địa bàn thành phố đã tiến hành chi trả tiền hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết 42 của Chính phủ.
"Hiện nay nhiều xã, phường đã chuyển trực tiếp số tiền hỗ trợ qua tài khoản ngân hàng hoặc đến tận nhà chi trả hỗ trợ các trường hợp chính sách; chi trả trực tiếp tại cơ quan hoặc tại nhà các trường hợp hưởng bảo trợ xã hội, người nghèo, cận nghèo gặp khó khăn", ông Tấn cho hay.
Đối với những công nhân bị ngừng việc, mất việc trong các doanh nghiệp tại các khu thì Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Khu Công nghiệp, Khu Công nghệ cao kiểm tra, giám sát và có hình thức chi trả phù hợp nhất.
Thành phố đề ra, các gói hỗ trợ của Chính phủ phải đảm bảo kịp thời, công khai, minh bạch, đúng nguyên tắc, nội dung, đối tượng hỗ trợ; không để xảy ra lợi dụng, trục lợi chính sách, tham nhũng…
Cụ thể, trong ngày 2/5, UBND phường 5, quận 3 đã tổ chức chi trả tiền hỗ trợ tại trụ sở UBND phường và đến tận nhà trao cho gần 200 trường hợp với tổng số tiền hơn 230 triệu đồng.
Ông Trần Khánh Linh, Chủ tịch UBND phường 5 cho hay, việc hỗ trợ những người khó khăn do đại dịch Covid-19 cần làm ngay, tiền về đến đâu khẩn trương triển khai chi trả đến đó. "Với những trường hợp còn lại chưa nhận được tiền hỗ trợ, chúng tôi sẽ phấn đấu hoàn thành trước ngày 5/5 tới", ông Linh thông tin.
Cũng trong ngày nghỉ lễ, các cán bộ phường Linh Trung, quận Thủ Đức đến từng nhà trao tận tay số tiền hỗ trợ cho các hộ nghèo và gia đình chính sách.
Chị Nguyễn Thị Thanh, là một trong những cán bộ chuyên trách giảm nghèo của phường Linh Trung, quận Thủ Đức chia sẻ: "Cứ khi nào có tiền rót xuống là chúng tôi lại đi đến từng nhà, gõ từng cửa để trao tận tay số tiền hỗ trợ cho người dân. Nhìn họ vui mừng, hạnh phúc khi cầm số tiền trên tay là chúng tôi thấy có động lực hơn".
Trước đó, UBND TP.HCM đã có quyết định về bổ sung dự toán kinh phí năm 2020 để hỗ trợ các đối tượng trên địa bàn thành phố gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ.
Thành phố chấp thuận bổ sung dự toán năm 2020 cho UBND 23 quận, huyện với tổng số tiền 332.326.500.000 đồng từ nguồn cải cách tiền lương ngân sách thành phố để hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Riêng đối với quận 1, UBND TP.HCM giao UBND quận 1 chủ động sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư trong dự toán ngân sách năm 2020 để hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn.
UBND TP.HCM giao Sở LĐ-TB&XH chịu trách nhiệm về số lượng đối tượng và hướng dẫn, giám sát UBND 24 quận, huyện triển khai thực hiện, đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định của Chính phủ.
Đồng thời, Thành phố giao Trưởng Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp; Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao thành phố và Chủ tịch UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí được bổ sung theo đúng quy định; lập thủ tục hoàn trả ngân sách thành phố theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước đối với phần kinh phí sử dụng không hết khi hoàn thành việc hỗ trợ cho các đối tượng.
Cũng khẩn trương triên khai gói hỗ trợ Chính phủ đến tay người dân, bà Trần Thị Xuân Mai, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Cần Thơ cho biết, toàn TP. Cần Thơ có 128.290 đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 được hỗ trợ theo Nghị quyết 42 ngày 9/4/2020 của Chính phủ, với tổng kinh phí hỗ trợ trên 143 tỷ đồng, việc chi trả hỗ trợ đã được các địa phương thực hiện bắt đầu từ ngày 27/4.
Hiện tại 9 quận, huyện của TP.Cần Thơ đã thực hiện chi hỗ trợ cho 3 nhóm đối tượng gồm: người có công với cách mạng đang được trợ cấp hằng tháng, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo hoặc cận nghèo.
Theo số liệu, TP. Cần Thơ có gần 90.000 người thuộc 3 nhóm đối tượng cố định được hỗ trợ, với số tiền khoảng 99 tỉ đồng. Trong nhóm người lao động tự do không có hợp đồng lao động, bị mất việc, các quận, huyện rà soát được 5.500 người bán vé số.
Tại Long An, trao đổi với phóng viên, đại diện Sở LĐ-TB&XH Long An thông tin, tỉnh đã cơ bản đã hoàn thành việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân hộ nghèo gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Trước đó, ngay khi có chủ trương của Chính phủ, tỉnh đã triển khai rà soát và thống kê số người có công được hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng là 18.191 người, hộ nghèo 19.649 người, hộ cận nghèo 42.067 người, đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng 61.784 người, lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động 3.350 người, lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp 1.164 người, lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm 322 người, lao động tự do 5.980 người.
Ngay từ đầu, UBND tỉnh Long An giao Sở LĐ-TB&XH và UBND cấp huyện chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan thực hiện rà soát, thẩm định theo Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ theo đúng trình tự, thủ tục quy định. Thời gian giải quyết thực hiện theo đúng quy định tại Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg.
"Bên cạnh đó, UBND tỉnh giao Liên đoàn Lao động tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố theo dõi, giám sát việc hỗ trợ theo quy định tại Mục II, Mục III Nghị quyết số 42/NQ-CP; bảo đảm kịp thời, công khai, minh bạch, chỉ hỗ trợ các đối tượng khó khăn, bị ảnh hưởng theo nguyên tắc quy định của Nghị quyết. Kịp thời kiến nghị UBND tỉnh những khó khăn, vướng mắc phát sinh của doanh nghiệp và người lao động trong triển khai thực hiện Nghị quyết; đồng thời đề xuất các giải pháp để tháo gỡ bảo đảm kịp thời, đúng đối tượng, không để lợi dụng, trục lợi chính sách, tham nhũng, tiêu cực", đại diện Sở LĐ-TB&XH cho biết thêm.