CHỦ NHẬT, NGÀY 24 THÁNG 11 NĂM 2024 07:15

Thừa Thiên Huế: Tái định cư dân đầm phá, ven biển đi đôi với giải quyết việc làm

      Thừa Thiên - Huế có đường bờ biển dài 127km, trong đó có hơn 30km thường xuyên bị sạt lở, tập trung ở các xã: Phong Hải (huyện Phong Điền), Quảng Công, Quảng Ngạn (huyện Quảng Điền), Hải Dương (huyện Hương Trà), thị trấn Thuận An, Phú Thuận, Phú Hải, Phú Diên (huyện Phú Vang), Vinh Hải, Vinh Hiền (huyện Phú Lộc). Đặc biệt, vùng quanh hai cửa biển Thuận An và Tư Hiền xói lở mạnh nhất, làm thay đổi môi trường tự nhiên khu vực đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, ảnh hưởng đến đời sống và điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

     Căn nhà của gia đình ông Ngô Vang (xã Quảng Công, huyện Quảng Điền) hiện chỉ còn cách bờ biển chưa đầy 50m. Trước đây, chiều dài giữa nơi gia đình ông định cư ra đến bờ biển là hơn 200m, nhưng do tình trạng sạt lở xảy ra trong những năm gần đây ở Quảng Công đã, đang “tấn công” sự an toàn của cả gia đình. Trước tình hình sạt lở bờ biển diễn biến phức tạp, chính quyền địa phương đã cấp một khu đất và hỗ trợ thêm 14.5 triệu đồng để gia đình ông di dời đến khu tái định cư. Nhưng từ năm 2011 đến nay, ông vẫn chưa di dời, dù biết ở đây rất nguy hiểm

     Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện ở xã Quảng Công có khoảng 350 hộ nằm trong vùng sạt lở nguy hiểm, cần phải di dời khẩn cấp, tuy nhiên đến nay, mới chỉ có khoảng 100 hộ vào tái định cư, số còn lại vẫn cố bám trụ tại nơi ở cũ dù địa phương đã bố trí khu tái định cư với mặt bằng khá thuận lợi, hệ thống điện nước đầy đủ....

      Thực trạng trên không chỉ xảy ra riêng ở xã Quảng Công mà ở hầu hết các xã ven biển, vùng đầm phá của huyện Quảng Điền và các địa phương nằm trong vùng sạt lở khác của tỉnh Thừa Thiên Huế. Đến thôn Hiền An 2, xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc, nơi có khu tái định cư vùng sạt lở bờ biển Vinh Hiền – Lộc Bình đã được hoàn thành khâu xây dựng hạ tầng, chỉ còn chờ dân đến ở nhưng hiện tại chỉ mới có duy nhất một hộ vào xây nhà. 

     Được biết, giai đoạn 1 của dự án với tổng diện tích 1,7 ha là nơi tái định cư cho 58 hộ dân có nhà ở khu vực sạt lở nguy hiểm, cần di chuyển đến nơi ở mới. Khi về nơi ở mới, mỗi hộ được cấp 200 m2đất và được hỗ trợ 20.000.000 đồng để xây dựng nhà cửa. Nói về khu tái định cư này, ông Trần Chua, Trưởng thôn Hiền An 2 cho biết: “Được sự quan tâm của Nhà nước trong việc thành lập khu tái định cư để đưa các hộ gia đình ở nơi xung yếu, thiếu an toàn về định cư, người dân rất phấn khởi. Tuy nhiên, điều quan trọng là những người dân vùng ven biển, đầm phá như chúng tôi hầu hết đều làm nghề đi biển nên cũng cần ở những vị trí thuận lợi cho việc ra khơi. Như khu tái định cư Vinh Hiền – Lộc Bình này là rất hợp lý vì vừa nằm bên cửa Tư Hiền, có âu neo đậu thuyền, bà con sẽ dễ dàng hơn trong việc quản lý, bảo vệ ngư cụ cũng như nghe ngóng tình hình biển cả, con nước,…”

Người dân vùng sạt lở bờ biển Thừa Thiên Huế chưa mặn mà với những nơi ở mới?

     Thôn Hiền An 2 có hơn 250 hộ dân và hầu hết đều nằm sát với bờ biển. Hiện tượng nước dâng, xâm lấn nơi ở với nhiều hộ ở đây dường như là một chuyện quá quen thuộc, nhất là vào mùa mưa bão. Tiếp xúc với chúng tôi, một người dân ở đây cho biết: “khi nào nước dâng cao quá không còn ở được nữa thì chạy lên những khu vực cao hơn tránh trú đợi đến khi con nước rút thì quay về”. Khi chúng tôi hỏi người dân ở đây nguyên nhân tại sao không di dời đến nơi ở mới theo chính sách của tỉnh, của địa phương thì câu trả lời nhận được hầu như là: “nghề đánh bắt thủy hải sản nhỏ lẻ thì lấy đâu ra tiền để xây nhà mới khi về các khu tái định cư. Ở nơi ở cũ có nhà, có cửa giờ đập đi cũng tiếc, nhưng quan trọng hơn là khi đến nơi ở mới chúng tôi sợ điều kiện không thuận lợi cho công việc.” 

Việc làm và thu nhập của người dân là một nguyên do mà lãnh đạo Thừa Thiên Huế cần quan tâm, giải quyết khi đưa họ vào các khu tái định cư

     Theo Chi cục Phát triển Nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện toàn tỉnh có khoảng 1.500 hộ dân nằm trong vùng sạt lở bờ biển nghiêm trọng. Để tái định cư cho các hộ dân này, tỉnh đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng; đồng thời, nâng mức hỗ trợ xây nhà cho mỗi hộ từ 10-14,5 triệu lên gần 25 triệu đồng. Tuy nhiên đến nay, mới chỉ có khoảng 1.000 hộ dân đến xây dựng nhà ở, ổn định cuộc sống; số còn lại vẫn còn bám trụ nơi ở cũ. Điều lo ngại nhất, hiện TT-Huế đang bước vào mùa lụt bão, cộng với tình hình sạt lở bờ biển như hiện nay thì tính mạng và tài sản của những hộ dân này đang bị đe dọa từng ngày, từng giờ. Làm thế nào để tái định cư cho người dân vùng sạt lở vẫn đang là một bài toán khó của địa phương này. Phải chăng trong công tác tái định cư cho những hộ dân vùng đầm phá, ven biển sạt lở, có nguy cơ sạt lở, xâm lấn cần kết hợp với chính sách giải quyết việc làm, chuyển đổi ngành nghề cho người dân để họ an tâm về nơi ở mới? 

     Hiện trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có khoảng 30 km bờ biển bị sạt lở, trong đó, có khoảng 10km bị xâm thực nặng, chủ yếu ở các vùng ven biển như huyện Phú Vang, Quảng Điền, thị xã Hương Trà, Phú Lộc... Xói lở bờ biển đang đe dọa trưc tiếp đến tính mạng, tài sản của 300 nghìn hộ dân sống dọc bờ biển và đầm phá trên địa bàn tỉnh.

Thảo Vi

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh