Ngành công nghiệp chế biến gỗ: Chất lượng lao động thấp, khó bứt phá
- Bài thuốc hay
- 16:44 - 05/03/2019
Ngành chế biến gỗ thiếu lao động kỹ thuật, tay nghề cao.
Tiềm năng thị trường lớn
Cả nước có 4.500 doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản, trong đó 1.863 doanh nghiệp (DN) trực tiếp xuất khẩu, 700 DN FDI và 340 làng nghề chế biến gỗ, với hơn 420.000 lao động thường xuyên tại các nhà máy chế biến gỗ và lâm sản và hàng triệu lao động gián tiếp có liên quan.
Theo thống kê, năm 2018, kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản vượt ngưỡng 9,3 tỷ USD, chiếm 25% kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp, giá trị suất siêu trên 7,1 tỷ USD. Việt Nam đã trở thành quốc gia đứng thứ 5 thế giới, thứ 2 châu Á, thứ nhất Đông Nam Á về xuất khẩu gỗ và lâm sản.
Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch VIFORES, khoảng 70 - 80% lao động của ngành chế biến gỗ hiện nay đều có xuất phát điểm là lao động phổ thông, phần còn lại là kỹ sư ngành chế biến gỗ (1 - 2%) và công nhân kỹ thuật được đào tạo bài bản (18 - 29%). Mặc dù nguồn lao động phổ thông dồi dào song rất ít người có tay nghề cao. Các DN thường phải đầu tư nguồn lực để đào tạo công nhân khi mới vào nghề. Tuy nhiên, hiện tượng lao động sau khi đã được nâng cao tay nghề chạy sang các cơ sở sản xuất chế biến có mức lương cao hơn như các DN FDI (khoảng 600 DN) vẫn diễn ra phổ biến, từ đó làm hạn chế mong muốn đầu tư vào nâng cao tay nghề cho người lao động và mức độ gắn kết giữa chủ DN và người lao động.
Ông Lê Xuân Quân, Tổng Giám đốc CTCP Kiến trúc và Nội thất Nano cho biết, vấn đề con người là mấu chốt trong quá trình phát triển của ngành, bởi chúng ta đang thiếu các họa sĩ thiết kế, kiến trúc sư thiết kế chuyên sâu chuyên ngành nội thất.
“Nhà máy của chúng tôi hiện có 1.000 công nhân nhưng chỉ có 10 kỹ sư lâm nghiệp, tỷ lệ ít. Chúng tôi đã làm việc với trường lâm nghiệp nhiều năm nhưng chưa giải quyết được, số kỹ sư lâm nghiệp thiếu trầm trọng, khiến doanh nghiệp phải tự đào tạo gây tốn chi phí thời gian lớn cho doanh nghiệp”, ông Quân chia sẻ.
Nhu cầu nhân lực chất lượng cao
TS Trần Văn Chứ, Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam dự báo đến năm 2020, ngành công nghiệp chế biến gỗ, lâm sản xuất khẩu cần khoảng 64.000 người có trình độ đại học, trên đại học và 266.860 công nhân. Đến năm 2025 cần 106.800 người có trình độ đại học, trên đại học và 445.200 công nhân. Hiện nguồn nhân lực Việt Nam trình độ cao lĩnh vực này đang thiếu trầm trọng, không đủ để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Cả nước có 4 trường đại học đào tạo chế biến lâm sản (CBLS): Lâm Nghiệp Việt Nam, Nông lâm Thủ Đức, Nông lâm Huế và Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh với quy mô hàng năm chỉ tuyển 300 sinh viên và 7 trường đào tạo nghề khoảng 600 học viên. Điều đáng nói, hiện kỹ sư CBLS, thiết kế nội thất chỉ chiếm 1 - 2%; 20-30% lao động được đào tạo bài bản, còn lại là lao động phổ thông chiếm đến 70 - 80% chưa qua đào tạo.
Ngành gỗ đang thiếu trầm trọng lao động trình độ cao. Công nghệ chưa tiên tiến, lao động phổ thông nhiều nên năng suất lao động của ngành gỗ thấp, chỉ bằng 50% so với Philipines, 40% Trung Quốc và 20% Liên minh châu Âu (EU).TS Chứ cho rằng cần có những giải pháp cơ bản cho vấn đề này. Trong đó, cần phải xây dựng và hoàn thiện chiến lược tổng thể phát triển nguồn nhân lực CBLS chất lượng cao đáp ứng về chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp và các kỹ năng: Kỹ thuật, xã hội và nhận thức. Đổi mới, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách về nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ mới; xây dựng các trường đại học nghiên cứu trọng điểm của quốc gia về lâm nghiệp, đạt trình độ quốc tế.
Đào tạo đội ngũ chuyên gia đầu ngành, các nhóm nhân lực trình độ cao như các nước tiên tiến. Nhanh chóng tổ chức, sắp xếp lại hệ thống các trường của Bộ NN&PTNT; chuẩn hóa chương trình đào tạo về kiến thức và kỹ năng. Đổi mới phương pháp dạy học, đánh giá, tập trung vào đào tạo năng lực thực hành, những kỹ năng, kỹ thuật cốt lõi, các kỹ năng mềm để thích ứng trong môi trường công nghiệp hiện đại 4.0, gắn với doanh nghiệp và triển khai nhiều học kỳ tại doanh nghiệp.
Coi trọng và tạo dựng một bước tiến mới trong công tác đào tạo nghề. Phải xác định rõ, đào tạo nghề là loại hình phát triển nguồn nhân lực quan trọng trong chiến lược của ngành. Nhanh chóng loại bỏ những bất cập trong đào tạo nghề hiện nay. Thiết kế tổng thể về mục tiêu, chương trình đào tạo trên cơ sở khoa học xây dựng chương trình liên thông giữa các cấp đào tạo và đánh giá chất lượng đào tạo. Đào tạo nghề phải gắn kết chặt chẽ với nhu cầu thị trường lao động….