Ngành blockchain - Thu nhập hấp dẫn, cơ hội việc làm rộng mở trong thời đại số
- Giáo dục nghề nghiệp
- 07:03 - 19/01/2023
Blockchain là gì?
Blockchain không phải là một khái niệm mới, tuy nhiên chỉ thực sự nở rộ và được nhiều người biết tới trong những năm gần đây. Blockchain thực tế là một công nghệ sử dụng các hệ thống mã hóa, tính năng đặc biệt giúp truyền tải dữ liệu một cách an toàn mà không cần tới nhiều bên trung gian xác nhận thông tin. Nhờ đó giúp các dữ liệu được chia sẻ một cách minh bạch, độ bảo mật cao, xác thực tin cậy và tiết kiệm chi phí…
Theo chia sẻ của GS, TS David Tran (Đức Trần) - chuyên gia ngành Khoa học Máy tính, ĐH Massachusett (Boston, Mỹ) tại Ngày hướng nghiệp do ĐH Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức, hiện nay hầu hết mọi người chỉ biết tới blockchain dưới hình thái là một nền tảng tạo nên các đồng tiền số, bitcoin. Tuy nhiên, đây là một lĩnh vực có thể tác động tới nhiều ngành nghề khác nhau như: vận chuyển hàng hóa, tài chính ngân hàng, y tế, viễn thông, chính phủ điện tử…
Cơ hội việc làm rộng mở
Lĩnh vực này mở ra cơ hội khổng lồ cho những sinh viên có kiến thức về Toán học bởi Blockchain vẫn đang còn là lĩnh vực mới mẻ tại Việt Nam, vì thế sinh viên có nhiều cơ hội để khai phá và phát triển.
Nhu cầu nhân lực ngày càng gia tăng tại các doanh nghiệp Việt Nam lẫn doanh nghiệp nước ngoài do blockchain đang dần được đưa vào ứng dụng trong các hoạt động kinh doanh.
Nhiều doanh nghiệp nước ngoài có xu hướng tìm hiểm nguồn nhân lực lĩnh vực blockchain tại Việt Nam vì sinh viên Việt Nam có khả năng tiếp cận nhanh với các công nghệ mới. Tuy nhiên, nguồn nhân lực hiện nay chưa đáp ứng đủ nhu cầu thị trường. Do đó, mức thu nhập ở lĩnh vực này được đẩy lên cao.
Hiện nay, mức lương trung bình trong lĩnh vực blockchain của một sinh viên mới ra trường có thể lên tới 50 triệu đồng/tháng. Thậm chí, sinh viên năm 3 đã nhận được mức lương 30 triệu đồng/tháng.
Còn nhiều thách thức tại thị trường Việt Nam
Có tiềm lực phát triển lớn như vậy, tuy nhiên hiện nay vẫn chưa có trường đại học nào đưa blockchain vào chương trình học bắt buộc. Sinh viên chỉ được tiếp cận với lĩnh vực thông qua các khóa học bên ngoài, các buổi seminar mà chỉ có đơn vị quản lý chất lượng, giáo trình bài bản, không có cơ hội thực hành… khiến nguồn nhân lực trong nước khá eo hẹp.
Tuy nhiên, các trường cũng không nhất thiết đưa blockchain vào môn học bắt buộc mà có thể đưa vào các môn học tự chọn, các khóa học vệ tinh ngắn hạn để tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận với lĩnh vực trước khi đưa vào chương trình học chính thức.
Tuy còn tồn tại nhiều thách thức nhưng blockchain vẫn là một “mảnh đất màu mỡ” đối với thị trường việc làm Việt Nam và mang lại mức thu nhập “khủng” cho người lao động.